8 thg 1, 2023

Cận cảnh chùa Vĩnh Nghiêm – Danh lam cổ tự ở Bắc Giang

Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, chùa Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) còn là nơi lưu giữ kho mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới – khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã trở thành một “Đại danh lam cổ tử” nổi tiếng khắp cả nước. Chùa thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần; một chốn tổ quan trọng – nơi ba vị Trúc Lâm Lam tổ (Trần Nhân Tông – Pháp Loa- Huyền Quang) từng trụ trì và mở trường thuyết pháp.

Nơi đây được xây dựng vào thời Vua Lý Thái Tổ (1009 – 1028) với tên gọi là Chúc Thánh. Đến thời Vua Trần Nhân Tông (1278 – 1293), chùa được mở mang, trùng tu lại và đổi tên thành Vĩnh Nghiêm. Cuối thế kỷ 19, chùa thuộc địa phận thôn Đức La nên nhân dân trong vùng còn gọi là chùa La hay chùa Đức La.

Nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, mặt hướng ra nơi tụ hội của sông Thương và sông Lục Nam, chùa Vĩnh Nghiêm có tổng diện tích khoảng 1ha với lối kiến trúc đăng đối, cân xứng, hài hòa, bao gồm 5 tổ hợp chính là: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, gác chuông và Nhà Tổ đệ nhị.

Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật, trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...). Chính vì vậy năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các mộc bản này đều được khắc trên vật liệu là gỗ thị. Loại gỗ này được khai thác chủ yếu trong vườn chùa. Đây là loại gỗ quý với đặc tính mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ rất phù hợp với việc khắc ván in.

Kho mộc bản trong chùa Vĩnh Nghiêm được các nhà sư giữ gìn cẩn trọng. Trên các mộc bản đều được dùng bằng chữ Hán và Nôm, chữ được khắc ngược (âm bản) để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi.

Về kinh Phật có hai bộ kinh là Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh (cả phần kinh và phần chú giải) và A Di Đà kinh. Đây là 2 bộ kinh chủ yếu dùng trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Về luật giới Phật có: Đại thừa chỉ quán, Tỳ khâu ni giới, Sa di ni giới kinh. Ba quyển này là giới luật tu và thiền cho các tăng ni của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trải qua hơn 700 năm hình thành, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành chốn văn hóa tâm linh linh thiêng ở Bắc Giang cho du khách thập phương. Năm nay, huyện Yên Dũng phấn đấu đón 125 nghìn lượt du khách tham quan, chiêm bái.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành 5 không gian du lịch chủ yếu, trong đó có không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”; phục dựng các điểm di tích “Theo dấu chân Phật Hoàng” và không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf. Xây dựng, phát triển “Du lịch Tây Yên Tử” thành thương hiệu du lịch của Bắc Giang.

Với những giá trị của lịch sử năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Tiếp theo đó, năm 2015, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Văn Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét