27 thg 1, 2023

Bánh ngọt người Chăm An Giang – “độc” từ hương vị đến tên gọi

Người Chăm ở An Giang có nhiều loại bánh ngọt độc đáo từ hương vị cho đến tên gọi.

Đệ nhất độc - lạ

Do những quy định của giáo luật nên người Chăm ở An Giang đã xây dựng cho mình văn hoá ẩm thực rất độc đáo. Nhất là với món bánh ngọt. Bánh ngọt không chỉ là món ăn thường ngày, mà còn như “lễ vật” bắt buộc trong các lễ quan trọng như: cưới, hỏi và những đêm họp mặt gia đình trong tháng “nhịn chay”- Ramadan…

Thánh đường của người Chăm ở huyện An Phú (An Giang). Ảnh: Lục Tùng

Thậm chí đây còn là quà tặng theo các tạp tục, và là tiêu chí quan trọng để nhà trai “kén chọn” nàng dâu khéo tay. Vì thế, bánh ngọt của người Chăm không chỉ đòi hỏi yếu tố ngon miệng, mà còn phải đảm bảo đẹp mắt…

Mặt khác, do giao tiếp nhiều tộc người khác nhau trên bước đường phát triển nên người Chăm cũng tiếp thu, kế thừa nhiều tinh hoa văn hoá vật chất khác nhau, trong đó có việc chế biến bánh ngọt.

Bánh ngọt của người Chăm An Giang, không chỉ ngon miệng, thơm mũi, mà còn đẹp đến từng chi tiết bên ngoài. Ảnh: Lục Tùng

Vì thế bên cạnh các món bánh cổ truyền, như: Ha-pay-chan (bánh tổ chim), Ha-na-guwh (bánh ngôi sao), người Chăm An Giang còn kế thừa nhiều loại bánh của nhiều dân tộc khác nhau trong và ngoài nước. Nổi trội là bánh của người Khmer, như: Nùm-pa-răng (bánh bò nướng), nùm- kel (bánh hột gà). Thậm chí còn là bánh xuất xứ từ Ấn Độ, như: Ha- pla-ta có hình dáng như bông sen nở dùng để ăn chung với món cà-ri, hay bánh Ha-kling… Do vậy bánh ngọt của người Chăm ở An Giang được xem là đệ nhất độc - lạ trong làng ẩm thực vùng ĐBSCL.

Kỳ công gia chánh


Ngon miệng, đẹp mắt, hương vị đậm đà khó quên… là cảm nhận của tất cả những ai một lần ăn thử bánh ngọt của người Chăm ở An Giang. Bởi ngoài kỹ năng nội trợ được rèn giũa liên tục từ bé đến trưởng thành của từng phụ nữ Chăm, còn có cả những kỹ thuật chế biến độc đáo. Điển hình là món bánh bò nướng. Nguyên liệu chính là gạo.

Bánh bò nướng của người Chăm. Ảnh: Lục Tùng

Sau khi đem ngâm một đêm, xay gạo thành bột rồi cho cơm rượu vào ngâm thêm một đêm trước khi xay nhuyễn. Tiếp đó đem bột trộn với đường thốt-nốt rồi “ủ” thêm 6 tiếng đồng hồ cho bột “dậy” lên là có thể làm bánh. Người Chăm An Giang theo đạo Islam, kiêng mỡ heo, vì vậy họ dùng dầu ăn có pha lòng đỏ trứng gà để chống dính cho chảo. Mỗi chảo nướng bánh bò gồm hai lò than. Một đốt chảo, một đốt nắp đậy. Đợi chảo nóng, lần lượt cho dầu, bột vào rồi dùng vá ấn mạnh và đều lên cục bột tạo thành lớp màng mỏng bao quanh. Sau đó lấy nắp đã đốt nóng đậy lên là tích tắc sau chúng ta có được chiếc bánh cô-âm xoe tròn như chiếc hoa hướng dương có nhiều tầng. Này nhé, bên trong lớp bột ánh lên màu vàng rượm của đường thốt nốt nằm giữa lớp “riền” mỏng hấp dẫn như thỏi sô-cô-la. 

Bánh ngôi sao. Ảnh: Lục Tùng

Tuy nhiên, hấp dẫn nhất vẫn là khâu thưởng thức. Nhón tay chọn lấy một chiếc cho vào miệng, nhai thật chậm để tận hưởng mùi thơm hòa quyện với vị ngọt béo thoang thoảng hương vị Thất Sơn của đường thốt nốt. Và một chút vị chua thanh, nhẹ nhàng của cơm rượu lên men. Chính vị đặc trưng ẩm thực này của người Chăm An Giang đã níu du khách ở lại lâu hơn trong mỗi kỳ lưu trú.

Lục Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét