Nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
Theo tư liệu từ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự) còn có tên là chùa Quan Âm, thường được người dân trong vùng gọi tắt là chùa Bổ. Chùa nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XI và được trùng tu lại vào thời vua Lê Trung Hưng.
Chùa có diện tích khoảng 51.784 m² được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn 31.000 m², khu nội tự chùa 13.000 m² và khu vườn tháp rộng 7.784 m². Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Trải qua mấy trăm năm, chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn, là nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một dòng thiền Việt Nam hình thành từ thời nhà Trần. Người sáng lập ra dòng này là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Dòng thiền được coi là dòng Phật giáo chính thống thời Đại Việt, và phát triển rực rỡ khi đó. Dòng thiền này mang ý thức nhập thế, đạo hòa với đời, không rời ra thế gian. Thời Đại Việt, những vị sư có công rất lớn trong việc chống giặc ngoại xâm, giữ hòa bình cho đất nước.
Cùng với quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình), chùa Côn Sơn (Hải Dương), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm, (Bắc Giang), chùa Bổ Đà được coi là ngôi chùa có tiếng về dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Vì vậy, có thể nói rằng, chùa Bổ Đà, ngay từ trong lòng, đã mang cốt cách Việt Nam, từ nội dung kinh sách, đến kiến trúc ngôi chùa. Xung quanh những câu chuyện kể về chùa Bổ Đà, còn nhiều chi tiết “phép màu hóa”; tuy nhiên, qua đó để thấy rằng, ngôi chùa này sơ khai hình thành đã chấp nhận tín ngưỡng của người Việt, đó là mang màu sắc “uống nước nhớ nguồn”, trọng sinh sôi nảy nở, nối dõi tổ tông.
Khoảng sân rêu phong của ngôi chùa cổ.
Tác giả Đỗ Huệ - Cao Tuân, cho biết, điển tích về chùa Bổ Đà mang nhiều huyền bí, tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ XI, dưới chân núi Bổ có một gia đình tiều phu tuy nghèo nhưng rất tốt bụng, chăm chỉ hiền lành, dân trong làng ai cũng quý mến. Hiềm một nỗi đã ngoài 40 tuổi mà họ vẫn chưa có con. Ngày tháng qua đi, họ chỉ còn biết cầu khấn "Quan Thế Âm Bồ Tát" và lời cầu của họ đã ứng nghiệm.
Một hôm, người chồng vào rừng gặp một cây thông già trên núi, ông giơ rìu định chặt về nhưng khi bổ nhát đầu tiên, bỗng dưng từ thân cây bật ra 32 đồng tiền (đó là 32 phép ứng hiện của "Quan Thế Âm Bồ Tát"). Người tiều phu sung sướng chạy về khoe với dân làng, ai cũng mừng cho họ. Ít lâu sau vợ ông sinh được một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, ông đặt tên là Minh. Để tỏ lòng thành và tạ ơn Quan Thế Âm Bồ Tát, ông dựng chùa ngay gốc cây thông già. Đó chính là chùa Quan Âm, dân gian thường gọi là chùa Bổ - núi Bổ Đà.
Lưu giữ cổ vật đặc biệt
Tài liệu từ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Việt Yên cũng cho biết, chùa Bổ Đà có khu vườn tháp rất rộng lớn, đây là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các tăng ni dòng thiền Lâm Tế, vườn nằm ở bên trái khu Nội tự và Vườn chùa. Đó là bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà có diện tích gần 8.000 m². Bao quanh vườn tháp nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất tạo nên bức trường để giữ gìn yên tĩnh giấc ngủ ngàn thu cho các những nhà tu hành đắc đạo. Vườn tháp chùa Bổ Đà vẫn còn nguyên vẹn và nay trở thành vườn tháp cổ và có quy mô rộng lớn.
Qua gần ba trăm năm hưng thịnh, và kể từ khi sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch đến nay, sơn môn Bổ Đà đã xây dựng tất cả 107 ngôi tháp lớn nhỏ xếp hàng hàng, lớp lớp với nhiều kiểu loại khác nhau. Trong vườn tháp, ta thấy đa số là những ngôi tháp ba, bốn tầng với độ cao từ ba đến năm mét, riêng mấy ngôi tháp sư tổ thì đồ sộ cao rộng hơn nữa.
Vườn tháp tại chùa Bổ Đà.
Tàng chứa trong 107 ngôi tháp cổ là mộ, xá lị, tro cốt của trên 1218 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng thiền phái Lâm Tế khắp nơi trên cả nước từ gần ba thế kỷ nay. Điều độc đáo mà du khách được chiêm bái ở vườn tháp chùa Bổ Đà, đó là trong vườn có cả tháp mộ sư tăng, sư ni (điều hiếm thấy ở các dòng phái khác). Tháp mộ sư tăng trên đỉnh tháp bao giờ cũng gắn bình cam lộ đặt trên tòa sen. Tháp sư ni thì khác, đỉnh tháp mộ lại được gắn một búp sen.
Không những thế, chùa Bổ Đà còn lưu giữ Bộ mộc bản kinh phật của thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất. Bộ kinh Phật trên được khắc vào năm 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng. Hầu hết các ván kinh trong kho mộc bản tại chùa Bổ Đà đều dài 50 cm - 60 cm, rộng 25- 30 cm và dày 2,5 cm cũng có cả những ván kinh khổ rất lớn 150x30x2,5. Các ván kinh được khắc bằng cả chữ Hán chữ Nôm và chữ Phạn. Gỗ được dùng khắc kinh là gỗ thị, chưa bị mối mọt, không dùng hóa chất. Trên các tấm kinh còn khắc hình Đức Phật Tổ Như Lai, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…
Vì sao chùa Bổ Đà là nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nhưng tại đây lại lưu giữ tro cốt các nhà sư tu hành đắc đạo của dòng thiền phái Lâm Tế, cũng như lưu giữ Bộ mộc bản kinh phật của thiền phái Lâm Tế. Lật lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã hòa vào cùng dòng thiền phái Lâm Tế.
Có tài liệu chép, vua Trần Thái Tông từng tham công án và sử dụng các giáo lý của Tông Lâm Tế như Tam Huyền, Tam Yếu và bình giảng, làm kệ tụng về một số công án Thiền. Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng ảnh hưởng nhiều từ bộ Đại Huệ Ngữ lục của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo (đời thứ 12 phái Lâm Tế) và từng nhiều lần giảng bộ ngữ lục này cho tăng chúng.
Chúng tôi tới chiêm bái chùa Bổ Đà vào mùa xuân, những bức tường cổ rêu phong, cảnh thiên nhiên yên tĩnh. Những gì mà chùa lưu giữ đến hôm nay, càng khiến cho người chiêm bái như đang lạc vào “cảnh xưa, người cũ”, cùng sống lại thời đó, cùng thả hồn vào thanh vắng, và chiêm nghiệm lại những lời Phật dạy, những giáo hóa hữu ích cho loài người.
Đến chùa Bổ Đà, chúng ta bắt gặp màu gạch đỏ xưa cũ đan cài màu xanh rêu, tạo ra cảm giác yên bình đến lạ. Nhất là qua vườn tháp, chúng ta càng cảm thấy biết ơn hơn những vị sư, những người đã cống hiến hết mình cho Phật giáo nước nhà. Từ đó, họ muốn hướng con người sống lương thiện, từ bi, học Đức Phật lối sống thanh cao, vì đời.
Được biết, năm 1992, chùa Bổ Đà được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia và ngày 07/5/2016, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận và xác lập Chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là “Ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam” và “Bộ mộc bản kinh Phật của thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất”.
Vũ Đoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét