15 thg 3, 2022

Thơm nồng cơm rượu Cờ Đỏ Cần Thơ

Tại xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, Thành phố Cần Thơ có một làng nghề còn gìn giữ nghề làm cơm rượu truyền thống của miền tây. Đôi bàn tay khéo léo và tính kiên trì bền bỉ của những con người nơi đây đã góp phần gìn giữ mùi vị truyền thống đặc trưng của miền sông nước. Cơm rượu Cờ Đỏ không chỉ là sản phẩm đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Cần Thơ mà còn là sản phẩm làng nghề truyền thống được ngành du lịch Cần Thơ bảo tồn hơn 50 năm nay. So với các ngành nghề khác, nghề sản xuất cơm rượu không mang lại lợi nhuận cao. Thế nhưng, bằng cái tâm và lòng yêu nghề, người dân xã Trung Thạnh vẫn quyết bám trụ để lưu giữ sản phẩm độc đáo, mang hương vị ngọt ngào, nồng ấm quê nhà.

Cơm rượu Cờ Đỏ

Không đơn thuần mà cơm rượu của làng cơm rượu Huyện Cờ Đỏ Thành phố Cần Thơ giữ được tiếng thơm đến tận ngày nay. Người dân ở xã Trung Thạnh Huyện Cờ Đỏ có ý thức gìn giữ nghề truyền thống của gia đình. Cha mẹ truyền cho con gái, con trai rồi cả con dâu, nghề làm cơm rượu không chỉ là nguồn sống mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Không phụ lòng mong mỏi của bà con làng cơm rượu, năm 2010 cơm rượu Cờ Đỏ được lựa chọn là 1 trong 6 sản phẩm được đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của vùng sông nước miền Tây.

Người dân ở xã Trung Thạnh Huyện Cờ Đỏ gắn bó với nghề nấu rượu bao đời nay

Cơm rượu là một “môn” công phu. Dân làm nghề nói, muốn ủ cơm cho ngon ngoài sự khéo léo ra còn phải để tâm tư vào. Một mẻ cơm rượu đã dậy men là cả công trình được ấp ủ, gầy dựng mấy ngày trước đó. Từ chọn nếp, ngâm, nấu xôi đến ủ. Muốn làm một ổ cơm rượu ngon phải bắt đầu từ việc chọn nếp và men. Trước tiên phải chọn loại nếp thật rặt (không lộn hạt gạo tẻ nào). Nếp đem ngâm từ chiều hôm trước, đến sáng hôm sau đem xôi cho chín, sau đó rút nếp lại với nước sạch, để thật ráo rồi tiếp tục xôi lần thứ 2. Cơm rượu rất khó, nếp nấu không được quá khô hay quá nhão, nếp phải đạt độ vừa dẻo. Nếu cơm nếp khô thì thành phẩm cơm rượu sẽ có hạt cứng, nếu cơm nếp nhão thì cơm rượu sẽ ngã vàng và hạt không còn nguyên vẹn. Men loại ngon (khô và thơm) cà nhuyễn, trộn đều vào mâm xôi. Muối hột rang hết nổ, sau đó đem nấu kỹ, lược lại nhiều lần cho nước muối thật sạch và trong thì mới có thể dùng để thấm tay trong lúc vò cơm rượu.

Vò lại thành từng viên

Lá chuối xiêm lau thật sạch rồi xé nhỏ để gói cơm rượu, giúp các viên cơm rượu không bị dính, nát lúc múc ra chén. Cơm rượu nơi đây có vị đặc trưng bởi được lên men cùng lá chuối giúp viên cơm rượu nguyên vẹn và có mùi thơm đặc trưng thoang thoảng của lá. Làm cơm rượu, mỗi khâu đều phải chú ý giữ vệ sinh thật sạch sẽ, có vậy thì cơm rượu thành phẩm mới thơm ngon.

Đem gói lại bằng lá chuối

Cơm rượu sau khi vò xong, để vào sọt tre hoặc nhựa đã lót sẵn lá chuối, rồi đậy nhiều lớp lá chuối cho thật kín, để qua 3 đêm là có thể đem bán. Cơm rượu thành phẩm có màu trắng đục, nổi rõ trên những mảnh lá chuối xanh, nước cơm rượu xăm xắp, thật trong, có vị ngọt thanh, thơm nồng.

Lá chuối giúp viên cơm rượu nguyên vẹn và có mùi thơm đặc trưng thoang thoảng

Cơm rượu được người Việt Nam nói chung và người miền tây nói riêng xem như một món ăn chơi. Với kinh nghiệm của cha ông truyền tai con cháu rằng, cơm rượu còn được xem như một vị thuốc giúp tỳ vị dễ tiêu hóa . Theo một số tài liệu y học, cơm rượu rất tốt cho tim mạch, kích thích tiêu hóa và bồi bổ cơ thể. Khác với rượu, cơm rượu chỉ được lên men khéo léo ở mức vừa đủ có vị nồng thơm của rượu chứ chưa tới mức làm người dùng có thể say.

Cơm rượu lôi kéo người ăn ở cái ngọt thanh thao hòa cùng vị nồng ấm

Cơm rượu lôi kéo người ăn ở cái ngọt thanh thao hòa cùng vị nồng ấm, hạt nếp rặt được lên men đúng quy trình đạt độ mềm xốp tan trên đầu lưỡi, với tất cả những tinh hoa ấy cơm rượu hay được người Việt dùng vào dịp tết Đoan ngọ. Với những tinh hoa đó, cơm rượu xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, trở thành món ăn độc đáo khiến ai có dịp đi du lịch Cần Thơ phải tìm và thưởng thức cho bằng được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét