30 thg 3, 2022

Nơi thờ danh tướng Trần Quang Khải ở Trần Xá trang xưa

Đình Trần Xá nay thuộc thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2007.

Đình Trần Xá

Ngoài thờ 3 vị Thành hoàng họ Phạm thời Lý, đình Trần Xá còn phối thờ danh tướng Trần Quang Khải - người có công lớn góp phần cùng quân dân nhà Trần giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII.

Trần Xá là một địa danh nổi tiếng trong lịch sử. Thời Lý, Trần Xá có tên gọi là Trần Xá trang, nằm tả ngạn ven sông Kinh Thầy tạo ra một vùng rộng lớn có tên là vũng Trần Xá. Thời Trần, trang Trần Xá đổi thành Trần Xá loan. Tương truyền năm 1282, vua tôi nhà Trần về vũng này mở hội nghị Bình Than bàn kế sách đánh giặc Nguyên Mông lần thứ 2. Ngày nay, tại đống Khoai Nợ (xưa gọi là gò Khoai Quang) của làng Trần Xá còn 2 cây duối, tương truyền đây là nơi vua quan nhà Trần buộc ngựa khi xuống thuyền họp hội nghị Bình Than.

Trần Quang Khải (1241-1294) là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên hoàng hậu Lý Thị (con gái trưởng hoàng đế Lý Huệ Tông). Ông là em cùng mẹ với thái tử Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông. Năm 1258, vua Trần Thánh Tông phong ông làm Thái úy, tước Chiêu Minh Vương kiêm cai quản châu Nghệ An. Năm Thiệu Long năm thứ 14 (năm 1271), ông làm Tướng quốc thái úy, trở thành đại thần đầu triều nắm giữ việc nước. Năm Thiệu Bảo thứ 4 (năm 1282), vua Trần Nhân Tông thăng chức Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư, nắm toàn quyền nội chính.

Năm 1285, giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2, Trần Quang Khải đã cùng với các tướng lĩnh khác như Trần Quốc Toản, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền… mở cuộc tấn công đánh bại địch ở bến Chương Dương (thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội bây giờ). Đây là trận đánh lớn vào bậc nhất, sau đó quân nhà Trần thừa thế tấn công giải phóng kinh đô Thăng Long và giành nhiều thắng lợi liên tiếp, chém đầu Toa Đô, bắn chết Lý Hằng, quét sạch quân xâm lược Nguyên Mông ra khỏi đất nước. Sau khi giặc Nguyên Mông thất bại thảm hại lần thứ hai, tên thống tướng giặc là Thoát Hoan chui vào ống đồng trốn chạy và thoát chết. Thái sư Trần Quang Khải cùng vua và các tướng lĩnh trở về Thăng Long.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần ba vào năm 1288, Trần Quang Khải được bố trí theo hầu cận vua Trần Nhân Tông và thượng hoàng Trần Thánh Tông. Ông cũng góp phần to lớn vào việc đập tan toàn bộ đạo quân hùng hậu và thiện chiến của nhà Nguyên do tướng Ô Mã Nhi cầm đầu.

Bên cạnh tài năng về quân sự, Trần Quang Khải còn là nhà thơ có vị trí không nhỏ trong văn học sử Việt Nam. Ông đã để lại cho đời tập thơ “Lạc Đạo”.

Bia đá năm Chính Hòa thứ 12 (năm 1691)

Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông về mở hội nghị Bình Than ở vũng Trần Xá, Trần Quang Khải được giao trọng trách tổng chỉ huy bảo vệ và giữ bí mật cho hội nghị. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ vị tướng tài ba, nhân dân trang Trần Xá (Trần Xá loan) lập miếu phụng thờ, hương hỏa muôn đời.

Đình Trần Xá được xây dựng vào thời Hậu Lê trên gò đất cao giữa làng. Cùng thời gian này, nhân dân đã đưa Thái sư Trần Quang Khải phối thờ tại đình cùng với 3 vị Thành hoàng làng. Thời Nguyễn, đình được trùng tu, khang trang to đẹp gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung chất liệu bằng gỗ tứ thiết. Năm 1953, tòa đại bái bị thực dân Pháp tháo dỡ chỉ còn lại 3 gian hậu cung. Qua sự biến thiên của thời gian, hậu cung bị hư hại và được nhân dân khôi phục lại vào năm 1992. Năm 1999, 5 gian đại bái tiếp tục được phục dựng lại.

Hiện nay, tòa đại bái được xây dựng bằng gỗ lim. Mái đình lợp ngói mũi, hai đầu nhà được gắn lạc long, miệng ngậm bờ nóc, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Hai hồi dĩ được đắp nổi đề án “hổ phù”, bốn đầu đao đắp nổi họa tiết “long chầu, phượng mớm”, vì kèo theo kiểu giá chiêng. Hậu cung được làm bằng bê tông đơn giản, trong có ban thờ 3 vị Thành hoàng họ Phạm và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải bằng ngai và bài vị.

Vượt qua sự biến thiên và thăng trầm của lịch sử, đình Trần Xá vẫn còn lưu giữ được một số cổ vật có giá trị như 1 bia đá Chính Hòa thứ 12 (1691); 1 ngai thờ, 1 kiếm thờ, 1 hòm sắc, 1 bát hương gốm Phù Lãng thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là những cổ vật có giá trị cao về lịch sử văn hóa cần được lưu giữa, bảo tồn.

Trong một năm đình Trần Xá có nhiều kỳ lễ hội, nhưng lớn nhất là được tổ chức vào 2 ngày 12-13.2 âm lịch. Trong đó ngày 13 là ngày trọng hội. Dân làng mở cửa đình từ ngày 11, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp, chồng kiệu, bao sái đồ thờ tự. Sáng 12 tiến hành rước từ đình lên văn chỉ nơi có mộ 3 vị thành hoàng họ Phạm và rước bát hương, sắc phong của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải từ cung miếu lên đình làng để tiến hành làm lễ tế nhập tịch. Vật phẩm tế gồm: Mâm ngũ quả, lợn sống và xôi nếp. Trong những ngày lễ hội có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Đập niêu đất, cờ tướng, hát quan họ trên thuyền, đặc biệt vài năm gần đây có trò ném cổ chai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét