16 thg 3, 2022

Bí ẩn ngôi miếu cổ có pho tượng “đứng lên, ngồi xuống” hộ quốc, an dân

Đó là ngôi miếu cổ có tên Tam Xã Linh Từ hơn 700 tuổi tại làng Bảo Hà, xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

Miếu Bảo Hà.

Trong nắng xuân sớm, ngôi miếu cổ có tên Tam Xã Linh Từ hơn 700 tuổi tại làng Bảo Hà, xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) càng trở lên lung linh, vi diệu. Chiêm bái pho tượng có thể “đứng lên, ngồi xuống” tại miếu sẽ là một trải nghiệm thú vị với du khách dịp đầu xuân bởi đó là những công trình nghệ thuật “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam.
Tượng “đứng lên, ngồi xuống”

Cách trung tâm TP Hải Phòng khoảng 40km, Tam Xã Linh Từ (tên nôm là miếu Cả, miếu Bảo Hà) do 3 xã Hà Cầu, Bảo Động và Mai An xây dựng từ thời Hậu Lê, cuối thế kỷ thứ XIII. Trải qua thời kỳ Lê, Nguyễn… miếu Bảo Hà thờ Linh Lang Đại vương và ông Tổ nghề tạc tượng - sơn mài Nguyễn Công Huệ. Miếu được trùng tu, tôn tạo và mở rộng dần. Thời vua Thành Thái (1889-1907) là lần trùng tu cuối cùng nên Miếu hiện mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Các cụ cao niên trong làng Bảo Hà kể lại, tương truyền trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1076 -1077), hai Hoàng tử Lý Linh Lang và Lý Chiêu Văn đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay). Sau khi đánh tan quân xâm lược Tống, nhà Lý truy phong hai vị Hoàng tử làm Phúc Thần. Cả nước tôn thờ hai người anh hùng đã có công cứu nước.

Kiệt tác “độc nhất vô nhị” khi đứng lên.

Năm 1951, nhân dân thôn Bảo Hà chiến đấu chống càn nhiều trận làm giặc Pháp thua đau, chúng đã đốt cháy 7 gian bái đường. Năm 2004, tòa Bái đường của ngôi miếu được phục dựng ngay trên nền móng cũ gồm 5 gian. Cung bái đường với những hoành phi, đại tự, câu đối sơn son thiếp vàng là nơi lưu giữ những đồ tế khí có giá trị cùng kiệu bát cống, ngọc lộ…

Hiện, miếu còn lưu giữ 8 đạo sắc phong và 1 thần phả. Sau đó, khuôn viên trong miếu tiếp tục được trùng tu, tôn tạo. Người dân Bảo Hà cũng hoàn thiện việc đúc chuông đồng và xây cổng ra vào ngôi miếu. Đến nay, với “chiếc áo” mới đó, miếu Bảo Hà được đánh giá là một công trình kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc tiêu biểu của Hải Phòng nói riêng…

Ngôi miếu cổ hơn 700 tuổi này được người dân trong vùng xây dựng để thờ Đại vương Lý Linh Lang, với hai pho tượng nổi tiếng tại Cung Nhất, Cung Nhì – đây là hai công trình nghệ thuật “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam. Sự “độc nhất vô nhị” ở đây được lý giải bởi pho tượng tại Cung Nhất có thể đứng lên, ngồi xuống khi có khách thăm quan, chiêm bái.

Bất cứ ai chứng kiến khoảnh khắc bức tượng Đại vương Lý Linh Lang lừng lững, oai phong ngồi trên ngai vàng, tay cầm văn tự bỗng nhẹ nhàng đứng dậy như người bình thường rồi lại khoan thai ngồi xuống đều phải ngạc nhiên và thán phục. Theo đánh giá của những nhà văn hóa, pho tượng này là một kiệt tác với sự kết hợp tinh túy của nghệ thuật dân gian và nghệ thuật hiện đại.

Miếu Bảo Hà thờ Linh Lang Đại vương và ông Tổ nghề tạc tượng - sơn mài Nguyễn Công Huệ.

Ông Đặng Văn Thạnh, Thủ từ của miếu Bảo Hà cho biết: “Bí mật của chuyển động đứng lên, ngồi xuống nói trên thể hiện sự tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân khi kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn. Hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa tại Cung Nhất với các khớp của pho tượng. Khi mở, cánh cửa sẽ truyền lực lên pho tượng theo nguyên tắc “cánh tay đòn”, bức tượng dần đứng lên và ngược lại, khi đóng cửa, bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu”.

Tại Cung Nhì, pho tượng Linh Lang Đại vương ngự trên nhang án thờ. Đây là pho tượng Đức Thánh mà dân làng thường dùng để rước quanh làng mỗi dịp lễ hội.

Gắn liền với bức tượng “độc nhất vô nhị” trên là câu chuyện mà người làng Bảo Hà vẫn thường kể cho con cháu nghe đến tận sau này.

Trong thời kỳ kháng chiến, khi giặc Pháp kéo về thôn Bảo Hà, tràn vào miếu định đóng quân nhưng vừa mở cửa miếu thì tượng Linh Lang Đại vương uy nghiêm đứng dậy. Giặc hoảng sợ, không dám đóng quân tại đây. Từ đó, dân làng Bảo Hà càng kính tâm, ngưỡng vọng với nghệ thuật điêu khắc truyền thống mà ông cha để lại.

Sắc phong cho Tô Phú Vượng, hậu duệ của cụ Tổ Nguyễn Công Huệ.

Hai pho tượng quý giá này cùng với tất cả hoành phi, câu đối, đại tự nơi đây đều là những tác phẩm điêu khắc do chính bàn tay những người thợ tài hoa làng Bảo Hà làm nên và đem cái Tâm để công đức vào cửa Thánh. Đặc biệt, pho tượng cụ Tổ sư làng nghề do chính những học trò, hậu duệ của Cụ tạc nên. Pho tượng đã được Cục Bảo tồn, bảo tàng (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) lấy đắp mẫu lưu trữ, trưng bày.

Ngoài pho tượng Linh Lang Đại vương và tượng Tổ sư làng nghề, tại đây còn 4 pho tượng Tố nữ được tạo với dáng “thướt tha”, khuôn mặt bình dị đời thường nhưng cũng thật tươi tắn đứng bê khay trầu trước tượng Linh Lang Đại vương. Mỗi khuôn mặt một vẻ đẹp kiều diễm khác nhau. Hai bên tả, hữu là các pho tượng quan văn, quan võ, dáng vóc oai nghiêm, che chở cuộc sống bình cho người dân nơi đây…

Giếng “Mắt thần”

Đến miếu Bảo Hà mà bỏ qua giếng “Mắt thần” quả là một thiếu sót lớn. Công trình độc đáo này còn có tên gọi khác là giếng bán nguyệt. Giếng bán nguyệt nằm tại trong lòng Cung Nhì, dưới nhang án thờ Linh Lang Đại vương và có đường kính rộng chừng nửa mét. Giếng có một mạch nước ngầm từ trong lòng giếng chảy ra sông Vĩnh Trinh xưa.

Người làng Bảo Hà duy trì nghề tạc tượng như một lẽ sống.

Mỗi dịp làng mở hội, người dân thường thực hiện nghi lễ thả bưởi cầu may mắn mang theo lời ước nguyện dâng lên Đức Thánh. Xưa, quả bưởi có thể trôi xa ra sông Vĩnh Trinh tới 500m. Nay, sau 3 hồi 9 tiếng trống lễ, quả bưởi chỉ trôi ra cửa, rồi nổi tại ao miếu, cách miệng giếng “Mắt thần” khoảng 100 mét.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng cho biết: Thời kỳ “hoàng kim” hút khách du lịch nhất của ngôi miếu Bảo Hà vào khoảng những năm 2000. Ngôi miếu cổ này là một trong những điểm của tour du lịch đồng quê ở Vĩnh Bảo cùng với khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; đình Nhân Mục; thưởng thức nghệ thuật múa tứ linh, múa rối nước, rối cạn…

Ông Thưởng cho biết thêm, sự phát triển của nghề tạc tượng và nghề điêu khắc gỗ là một trong những cơ sở đầu tiên để rối cạn hình thành ở Bảo Hà. Hiện nay, cùng với rối Thẩm Rộc - Thái Nguyên, rối Ổi Lỗi - Nam Định, rối Bảo Hà là một trong ba phường rối cạn cổ truyền ở Việt Nam.

Xung quanh ngôi miếu cổ còn nhiều giai thoại liên quan đến xưa kia Thành Hoàng làng báo mộng cho dân làng về “khúc gỗ thơm” để tạc tượng quý hay Tô Phú Vượng, hậu duệ của cụ Tổ Nguyễn Công Huệ được vua Lê phong tước “Kỳ tài hầu” với truyền thuyết hạt gạo thành voi… Những câu chuyện đó được dân làng truyền tai nhau và khiến ngôi miếu nhỏ vùng ngoại thành Hải Phòng trở nên nổi tiếng khắp trong, ngoài nước.

Miếu Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1991. Miếu không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hướng thiện cộng đồng mà còn là sản phẩm đặc trưng của địa phương, có nền văn hóa đặc sắc của cha ông bao đời để lại.

Phương Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét