14 thg 3, 2022

Bánh phồng tôm Cà Mau đậm đà hương vị xứ biển

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, vùng đất Cà Mau thích hợp để nhiều loài tôm sinh sống. Con tôm đất, tôm bạc, tôm sú Cà Mau được nuôi dưỡng một cách tự nhiên trong điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, nên thịt ngon và ngọt. Cùng với các sản phẩm khác được chế biến từ con tôm, từ lâu bánh phồng tôm Cà Mau đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Bánh phồng tôm của vùng Đất Mũi Cà Mau thơm ngon khó nơi nào sánh kịp vì được làm từ những con tôm tươi dưới tán rừng ngập mặn. Tỉ lệ tôm trong bánh khá cao, bánh dày, đậm vị tôm và sau khi chiên bánh sẽ giòn tan khi đưa vào miệng. Trong đó, phải kể đến sản phẩm bánh phồng tôm của làng nghề truyền thống ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Không chỉ tại xã Hàng Vịnh mà ở vùng đất rừng ngập mặn Ngọc Hiển, Năm Căn vẫn có nhiều hộ dân sống bằng nghề làm bánh phồng tôm. Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau luôn quan tâm đến mẫu mã, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.


Để làm bánh phồng tôm không khó nhưng để tạo ra sản phẩm thơm ngon đặc trưng của xứ biển như của người dân vùng Đất Mũi – Cà Mau thì không phải ở đâu cũng làm được. Bánh phồng tôm Cà Mau ngon không chỉ bởi bí quyết pha chế các loại gia vị mà còn đến từ chất liệu con tôm. Tôm để làm bánh phải là con tôm tươi sống, có chất lượng tốt. Tôm ở vuông người ta bán khi mang về phải sơ chế, cấp đông ngay để bảo quản được độ tươi ngon. Thêm nữa phải là con tôm đất, tôm bạc ở vuông nuôi tự nhiên vì loại tôm này thịt rất thơm. Tôm được rửa rạch, lột vỏ và chỉ lấy phần thịt. Sau đó luộc tôm rồi xay nhuyễn, cùng với bột năng, lòng trắng trứng gà, bột nở, hành lá, tiêu… rồi trộn đều. Muốn bánh ngon thì gia vị phải hòa quyện vừa miệng. Ăn bánh phải thấy thơm ngon và phải xốp, mềm là những yếu tố quan trọng nhất.

Sau đó, bột được tráng như làm bánh tráng truyền thống. Khi bánh chín được lấy ra và phơi cho ráo mặt rồi tiến hành cắt từng miếng vuông hình chữ nhật. Bánh sau đó được tiếp tục phơi cho đến khi khô hẵn và phơi càng đặng nắng càng tốt. Khi thưởng thức bánh phồng tôm, người dùng chỉ cần chuẩn bị chảo dầu nóng, rồi cho bánh vào chiên phồng.

Phơi bánh phồng tôm

Thông thường, khoảng 10 kg tôm nguyên liệu thì sản xuất được 13kg bánh thành phẩm. Nhờ nhờ độ thơm và ngọt đặc trưng của con tôm vùng đất Cà Mau và có tỷ lệ tôm nguyên liệu cao trong quá trình sản xuất nên bánh phồng tôm Cà Mau lúc nào cũng giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng vốn có của nó.

Thời gian gần đây, do sản xuất với quy mô lớn, số lượng nhiều nên nhiều cơ sở sản xuất bánh phồng tôm ở Cà Mau đã mua sắm thêm máy sấy, máy cắt… để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đồng thời, không ngừng năng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Những năm qua, nhiều cơ sở sản xuất bánh phồng tôm ở làng nghề truyền thống, xã Hành Vịnh, huyện Năm Căn được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Bánh cắt hình chử nhật đem phơi nắng tiếp

Với sự tỉ mỉ, chăm chút trong từng chiếc bánh của người làm, bánh phồng tôm Mũi Cà Mau được xem là một đặc sản không thể thiếu trong những ngày Xuân về, Tết đến hoặc trở thành món khai vị chủ lực trong các buổi tiệc tùng hay dùng làm quà biếu cho người thân, bạn bè mỗi khi có dịp về thăm vùng tận cùng Tổ quốc này. Những ngày đầu xuân, mọi người cùng quây quầy bên nhau để thưởng thức hương vị thơm ngon của chiếc bánh phồng tôm với tách trà nóng, tạo không khí ấm áp, vui tươi đón chào năm mới thì còn gì bằng.

Bánh phồng tôm Cà Mau sau khi chiên

Nếu đi du lịch Cà Mau vào dịp cận Tết, bạn sẽ được thấy không khí nhộn nhịp của các cơ sở sản xuất bánh phồng tôm. Chỉ cần dùng miếng bánh phồng tôm thì thực khách phương xa sẽ nhớ mãi về vị, mùi, độ ngon của bánh… cảm nhận được đất và người dân xứ biển, nơi được thiên nhiên ưu đãi có nhiều hải sản tươi ngon. Chút vị mằn mặn, ngọt, thơm của con tôm nuôi tự nhiên ở Cà Mau, hòa quyện cùng hương thơm của các gia vị hành, tiêu, cộng với độ giòn tan, bánh phồng tôm làm say lòng nhiều thực khách khi thưởng thức.

03/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét