22 thg 3, 2022

Kênh Lò Đường - Nơi hứng chịu nỗi đau thảm sát thời chiến tranh

Sự tàn khốc của chiến tranh không ai không khiếp sợ. Khi hòa bình, những câu chuyện thời chiến được nhắc lại vẫn là những vết thương khó lành. Càng xót xa hơn khi đó là những vụ thảm sát người dân vộ tội. Trong đó, vụ thực dân Pháp thảm sát 64 người dân tại kênh Lò Đường thuộc ấp Bình Phú, làng Bình Hòa, tổng Cửu Cư Thượng, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay thuộc ấp 1, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) vào ngày 28/01/1947 là một nỗi đau rất lớn.

Con kênh Lò Đường của làng Bình Hòa đã bao lần nạo vét, mở rộng nhưng nỗi đau nơi ấy vẫn còn được người dân nhắc lại. Nó là minh chứng lịch sử thời chiến tranh, nơi diễn ra vụ thảm sát đau thương.
Thời đó, Bình Hòa là một trong những làng thuộc vùng giải phóng và là khu vực trọng điểm của Khu Đông Thành với nhiều cơ quan, đơn vị vũ trang trú đóng, trong đó có Chi đội 6. Biết rõ tình hình hoạt động của cách mạng trong khu vực, thực dân Pháp liên tục tổ chức các cuộc càn quét, đánh phá. Một mặt chúng muốn dụ dỗ, lôi kéo người dân chỉ điểm; mặt khác tiến hành cướp bóc, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ,... gây căm phẫn tột cùng trong nhân dân.

Thắp hương tưởng niệm những người bị thảm sát vào mùng 7 tháng Giêng

Để bảo vệ nhân dân, giữ an toàn cho khu cách mạng ở Khu Đông Thành, Chi đội 6 đã lên kế hoạch đánh đồn Kênh Xáng (Trà Cú Thượng) - cứ điểm quan trọng của địch ở khu vực này. Khoảng 10 giờ ngày 14/01/1947, Chi đội 6 tổ chức đánh đồn Kênh Xáng. Bị tấn công bất ngờ, toàn bộ lính Pháp không kịp trở tay, buộc phải đầu hàng. Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, Chi đội 6 đã giành được thắng lợi và thu toàn bộ vũ khí của lính Pháp tại đồn Kênh Xáng chất xuống ghe, mang về giấu tại Hóc Kè.

Vào lúc 6 giờ sáng ngày 28/01/1947 (nhằm mùng 7 tháng Giêng năm Đinh Hợi), thực dân Pháp huy động máy bay, tàu chiến bắn pháo, ném bom càn quét, hủy diệt quanh khu vực Lò Đường, tập trung chủ yếu vào kho lương thực, nhà dân.

Chúng lùng sục vào nhà dân 2 bên bờ kênh Lò Đường, dí súng lùa dân gom lại thành từng nhóm để đánh đập, tra hỏi tung tích của Việt Minh. Sau đó, chúng lôi từng người ra bờ kênh xả súng bắn; những người bị thương chưa chết, chúng dùng lưỡi lê đâm liên tục cho đến chết; một số người ngã tại chỗ, chúng đạp cho đến chết rồi đẩy xuống kênh. Đi đến đâu, chúng đốt sạch nhà dân đến đó.

Kênh Lò Đường - nơi xảy ra vụ thảm sát

Hành động của chúng quá bất ngờ, không lường trước được nên mọi người không kịp thông báo cho nhau để lẩn tránh. Chúng quyết không cho một ai sống sót, bắt được người nào thì chúng giết người ấy, bất kể ngoài đồng, trong xóm, hễ thấy bóng dáng người là chúng bắn. Có gia đình 11 người bị giết, trong đó có người già, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Dã man nhất là trường hợp ông Lê Chánh Ngọc bị bệnh bại liệt, khi nhà cháy đã bò ra ngoài sân, thấy vậy, bọn thực dân Pháp nhẫn tâm ném ông vào lại đống lửa để thiêu sống. Khắp nơi là một cảnh tượng hoang tàn, đổ nát, cảnh tang thương bao trùm cả xóm làng.

Ông Lê Văn Rết (ngụ ấp 1, xã Bình Hòa Nam) chia sẻ: “Vụ thảm sát tại kênh Lò Đường là mất mát lớn của địa phương. Những năm nay, người lớn tuổi biết vụ thảm sát đó vẫn kể lại cho con cháu để biết về sự tàn khốc của chiến tranh và hiểu ý nghĩa của bia tưởng niệm”.

Vụ thực dân Pháp thảm sát 64 người dân tại kênh Lò Đường ngày 28/01/1947 được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2014. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nam - Nguyễn Thái Trung cho biết: “Bia tưởng niệm 64 người bị thực dân Pháp thảm sát tại kênh Lò Đường khánh thành vào năm 2018 và đặt tại UBND xã. Từ đó, mỗi năm, vào mùng 7 tháng Giêng, địa phương tổ chức lễ giỗ để dâng hương tưởng niệm những người đã mất”.

Nhờ những ghi chép về lịch sử và qua những lời kể của người lớn trong gia đình, thế hệ sau sẽ biết, hiểu về những mất mát trong thời chiến, từ đó trân trọng hòa bình và nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

An Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét