7 thg 3, 2022

Đường chinh phục 'nóc nhà' Quảng Trị

Thiên nhiên trên đỉnh Voi Mẹp còn nguyên sơ, với nhiều loài hoa đua nở vào mùa xuân.


Là đỉnh núi cao nhất Quảng Trị, Voi Mẹp cao hơn 1.700 m, tọa lạc tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Nơi đây còn được mệnh danh là "nóc nhà" của tỉnh. Đỉnh núi còn hoang sơ, chưa khai thác du lịch. Những người lên đỉnh núi phải có sự cho phép của địa phương nhằm đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định bảo vệ rừng.


Muốn chinh phục Voi Mẹp, đoàn phải băng qua Pa Thiên. Xuất phát từ sáng sớm ở thôn Nguồn Rào Pin (xã Hướng Sơn), đoàn mất hơn nửa ngày để đến khu cắm trại ở chân núi Pa Thiên, cao hơn 1.600 m. Du khách có thể ngắm những cây sau sau đang thay lá đỏ rực giữa nền trời xanh.


Khu rừng nguyên sinh đầy cây cối rậm rạp, phủ sương mờ. Thời tiết ở đây thay đổi nhanh chóng và thất thường, trong một ngày có thể chứng kiến bốn mùa.

Dọc đường đi có những chặng, điểm dừng được người bản địa đặt tên theo đặc điểm riêng. Ví dụ như dốc Bốn Chân là đoạn đòi hỏi du khách phải dùng cả chân và tay để vượt qua, hay hòn đá Lúc Lắc là tảng đá lắc qua lắc lại, lớn đủ cho ba người đứng.


Một con rắn lục nằm phơi nắng trong tán cây. Ngoài các loài hoa, vùng núi này từng ghi nhận dấu vết nhiều loài động vật như dấu chân, phân của sơn dương, lợn rừng, bò tót...


Chị Thúy Hoài chia sẻ đây là lần thứ hai chinh phục Pa Thiên - Voi Mẹp. Chuẩn bị cho chuyến đi, chị tập thêm gym để tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai. "Tôi được hòa mình vào thiên nhiên hùng vỹ, có thể thỏa thích ngắm nhìn những con suối, dòng nước mát lành", chị Hoài tâm sự.


Hành trình khám phá đỉnh Voi Mẹp cần ít nhất ba ngày đêm, với sự trợ giúp của nhiều người địa phương để gùi cõng lương thực, lều bạt... Nhiệt độ về đêm ở đỉnh núi khá thấp, dù ban ngày trời có thể có nắng ấm.


Trên đỉnh nhiệt độ thấp, gió to nên không có nhiều cây thân gỗ mọc. Cây mọc nhiều nhất ở Pa Thiên và Voi Mẹp là trúc sặt. Do cây mọc ken dày, che chắn lối đi nên du khách đi lại phải cẩn thận, dò từng bước để tránh bị ngã.

Trúc sặt là một loài cây giống cây trúc, cao từ đầu gối đến quá đầu người. Một số người dân địa phương lên núi chặt cây này về để làm ống hút tre, bán đi nhiều nơi.


Thiên nhiên trên núi còn nguyên sơ, với nhiều loài hoa đua nở vào mùa xuân. Ở độ cao hơn 1.600 m trên núi Pa Thiên, du khách dễ dàng bắt gặp đào bánh xe, đào chuông, đỗ quyên... nở rộ. Trên ảnh là hoa đào bánh xe khoe sắc. Loài này phân bố từ Pa Thiên về vùng núi thấp hơn ở huyện Đăkrông.


Hoa đào chuông nở trên đường lên đỉnh núi Voi Mẹp. Nhiệt độ ở Voi Mẹp khá thấp, dưới 10 độ C nên thích hợp cho các loài xứ lạnh.


Đứng trên những tảng đá lớn trên núi Pa Thiên có thể nhìn bao quát ra cả một vùng rộng lớn xung quanh.


"Mùa này đỉnh núi Voi Mẹp và Pa Thiên có hoa đào chuông, đào bánh xe, đỗ quyên, lan hài, phong quỳ, lá đỏ… đẹp rực rỡ mang lại cảm giác bình yên, nguồn năng lượng tươi mới ngập tràn. Thật tự hào, thật hạnh phúc khi được trải nghiệm chuyến đi ý nghĩa này", chị Thúy Hoài chia sẻ về ba ngày chinh phục Voi Mẹp.

Hoàng Táo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét