2 thg 3, 2022

Chiến thắng Miếu Bà Cố - Âm vang còn mãi

Về xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An hỏi miếu Bà Cố hầu như người dân nào cũng biết mặc dù ngôi miếu nhỏ nằm sâu trong con đường quanh co. Ngôi miếu nằm lặng lẽ dưới những tán cây rợp bóng, một thời là địa điểm diễn ra trận đánh oai hùng của bộ đội ta, ghi dấu chiến công trong quá trình chống thực dân Pháp.

Niềm tự hào của quân, dân Châu Thành

Trận đánh Miếu Bà Cố diễn ra vào tháng 02/1954 gắn liền với Tiểu đoàn 309 anh hùng. Tiểu đoàn 309 gồm 3 đại đội: 939, 940, 941 và Tiểu đoàn bộ 942 với quân số 672 người. Tiểu đoàn vừa sản xuất, vừa chiến đấu, giúp đỡ người dân nơi tiểu đoàn đóng quân. Chấp hành lệnh của cấp trên, tháng 02/1954, Tiểu đoàn 309 về hoạt động tại Châu Thành và các huyện lân cận, phối hợp cùng chiến trường chung ở Nam bộ vào chiến dịch Đông Xuân năm 1954.
Khi ấy, địch có nhiều đồn, bót tại Châu Thành: Vĩnh Công, Kỳ Son, Tầm Vu,... với lực lượng thường xuyên trên 1 trung đội. Địch trong các đồn khá hống hách, thách thức bộ đội về đánh với chúng. Sau khi nghiên cứu kỹ địa thế, đồn, bót, thói quen đi lại của địch, Tiểu đoàn 309, lúc đó thiếu 1 đại đội, được tăng cường 1 trung đội địa phương quân Vàm Cỏ và du kích có vũ trang, tiến hành lên kế hoạch đánh đồn Vĩnh Công.

Khoảng 16 giờ, ta nổ súng tấn công đồn Vĩnh Công, tiểu đoàn vây quanh trung tâm xã Vĩnh Công. Quá bất ngờ, địch hoảng loạn tháo chạy, không chống cự nổi. Đồn Vĩnh Công thất thủ, quân ta thu toàn bộ vũ khí và chiến lợi phẩm. Sau đó, ta chặn đứng đường tiếp viện của địch từ phía Tầm Vu lên khiến chúng phải vội vã quay đầu.

Miếu Bà Cố được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh

Ngày hôm sau, địch mở trận càn lên khu vực Hiệp Thạnh, Phú Ngãi Trị. Lực lượng ta lúc đó có 2 đại đội 939 và 941 phối hợp cùng trung đội địa phương quân và một số du kích. Sau khi đánh giá tình hình, chỉ huy Tiểu đoàn 309 vạch ra 3 phương án tác chiến ứng với 3 trường hợp đổ quân của địch: Từ Kỳ Son tiến vô, từ Tầm Vu tiến vô hoặc băng đồng tiến qua.

Trận chiến diễn ra ác liệt, địch bị ta bắn ở 3 mặt nên hoảng loạn và tan rã đội hình. Đường rút lui của địch cũng bị ta khóa chặt, chúng tranh nhau tháo chạy. Trận đánh diễn ra ác liệt nhất ở khu vực cầu Biện Trẹt đến miếu Bà Cố. Miếu Bà Cố là nơi kết thúc trận chiến, bắt sống địch và thu chiến lợi phẩm. Tiểu đoàn ác ôn BVM - 502 và đại đội bộ binh của địch bị Tiểu đoàn 309 của ta tiêu diệt gọn chỉ trong vòng 20 phút.

Trận đánh trở thành niềm tự hào của Đảng bộ và quân, dân Châu Thành, là minh chứng cho sự trưởng thành của lực lượng vũ trang của ta vào giai đoạn năm 1954.

Bia chiến thắng ghi dấu chiến công Miếu Bà Cố

Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương

Ngày nay, chiến thắng Miễu Bà Cố vẫn được nhắc nhở như một bài học quý giá từ lịch sử về những hy sinh to lớn của ông cha ta trong quá trình bảo vệ Tổ quốc. Miếu Bà Cố ngày nay được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, khu vực miếu và bia chiến thắng Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị được giao cho Đoàn Thanh niên xã Phú Ngãi Trị chăm sóc, quét dọn. Đó được xem là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị - Nguyễn Hồng Phước cho biết, hàng năm, ngoài đưa đoàn viên, thanh niên đến thắp nhang tại khu vực bia chiến thắng và miếu Bà Cố, Đoàn Thanh niên xã còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chiến thắng Miếu Bà Cố để giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Trên địa bàn xã Phú Ngãi Trị còn khoảng 20 gia đình thân nhân các liệt sĩ từng tham gia trận Miếu Bà Cố và luôn được chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo.

Đoàn viên, thanh niên xã Phú Ngãi Trị chăm sóc khu vực bia chiến thắng và miếu Bà Cố (Ảnh TL do Đoàn Thanh niên xã Phú Ngãi Trị cung cấp)

Ngày nay, phát huy truyền thống anh hùng của cha anh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Ngãi Trị chung tay xây dựng quê hương. Phú Ngãi Trị vừa được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2021 và đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống người dân được nâng cao về cả vật chất lẫn tinh thần.

Toàn xã chỉ còn 25 hộ nghèo và 55 hộ cận nghèo, tất cả đều được chính quyền địa phương chăm lo, tạo điều kiện thoát nghèo. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo chuẩn 02 của Bộ Y tế đạt 99%. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị - Nguyễn Hồng Phước thông tin, năm 2021, xã đã nâng cấp 6 tuyến đường giao thông nông thôn và 2 hệ thống lắng lọc, nâng tổng số hệ thống trong địa bàn xã lên 28 hệ thống. Theo kế hoạch, đến năm 2025, xã sẽ xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Vừa chuẩn bị bữa tối cho gia đình, bà Trần Thị Lệ (ấp Phú Xuân, xã Phú Ngãi Trị) vừa kể: “Hệ thống lắng lọc ở đây làm được 2 năm rồi, nước chảy mạnh, ít phèn. Có hệ thống lắng lọc, có nước sạch nhà tôi mua máy lọc nước, lọc trực tiếp nước ở nhà để uống, nhờ vậy tiết kiệm được chi phí mà lại bảo đảm sức khỏe”.

Khu vực miếu Bà Cố ngày nay đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên. Chiến thắng Miếu Bà Cố vẫn được nhắc đến như một chiến tích vẻ vang và để đời sau ghi nhớ và phát huy về một giai đoạn chống ngoại xâm anh hùng của cha anh.

Mộc Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét