8 thg 3, 2022

Di tích lịch sử mộ Trương Công Luận

Mộ ông Trương Công Luận (tọa lạc tại thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông) là một trong những di tích được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

MỘT LÒNG VÌ NƯỚC

Ông Trương Công Luận tên thật là Bùi Luận, quê tỉnh Quảng Ngãi, vào huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) lập nghiệp. Năm 1861, ông tham gia nghĩa quân của Trương Định và lập được nhiều chiến công. Năm 1862, ông được Trương Định phong làm Phó tướng và đổi thành họ Trương.

Đoàn viên, thanh, thiếu nhi huyện Gò Công Đông trong một lần viếng mộ Trương Công Luận.

Sau khi Trương Định tuẫn tiết vào ngày 20-8-1864, ông Luận tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp tại vùng Gò Công. Với lối đánh phục kích, khi ẩn khi hiện, nghĩa quân đã gây nhiều tổn thất cho thực dân Pháp. Thực dân Pháp thường xuyên tổ chức lùng sục, bố ráp nghĩa quân, nên cuối cùng ông rơi vào tay giặc. Chiêu hàng không thành, thực dân Pháp đã xử tử ông vào ngày 6-5-1865. Nhân dân địa phương đưa ông về yên nghỉ tại Xóm Gò (nay là khu phố Xóm Gò, thị trấn Tân Hòa, huyện Gò Công Đông).

Trước đây, mộ ông được xây dựng đơn sơ trên diện tích khoảng 5 m², gần mộ có miếu thờ nhỏ. Năm 2009, vào dịp Lễ kỷ niệm 145 năm Ngày Trương Định tuẫn tiết (20-8-1864 - 20-8-2009), mộ của ông được trùng tu lại khang trang theo kiểu ngưu miên (trâu ngủ) bằng đá. Chính quyền địa phương khoanh vùng bảo vệ ngôi mộ và miếu thờ, lập hồ sơ di tích đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận di tích. Đến năm 2000, mộ ông Trương Công Luận được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

NƠI GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC

Thời gian qua, ngôi mộ của ông Trương Công Luận luôn được nhân dân trong vùng chăm sóc, bảo quản và nhang khói. Được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Huyện ủy và UBND huyện Gò Công Đông đã trùng tu, nâng cấp nhiều di tích trên địa bàn, trong đó có đền thờ ông Trương Công Luận. Hằng năm, vào các ngày lễ lớn, Huyện đoàn, các trường học trên địa bàn huyện thường tổ chức cho thế hệ trẻ đến đây thắp hương và nghe kể về tiểu sử, cuộc đời và những chiến công của ông, nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước của dân tộc.

Bí thư Huyện đoàn Gò Công Đông Võ Thị Mỵ Nương cho biết, việc tổ chức cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi đến thắp hương, nghe kể về tiểu sử, cuộc đời, những chiến công của ông Trương Công Luận để hiểu biết về lịch sử đấu tranh gian khổ và hào hùng của ông và nghĩa quân Trương Định. Qua đó, càng thêm tự hào và quyết tâm phấn đấu trong học tập, rèn luyện, cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gò Công Đông Nguyễn Tuấn Duy cho biết, địa chỉ này còn gắn kết với Di tích Chiến thắng Xóm Gò (huyện Gò Công Đông). Ngoài việc giáo dục truyền thống yêu nước, tương lai các điểm này còn là nơi đón nhận khách tham quan du lịch, gắn với biển Tân Thành và một số di tích khác trên địa bàn.

CÁT TƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét