1 thg 3, 2022

Bí ẩn tượng đá "ông Phật" đồ sộ trên đỉnh núi Chư Pao ở Gia Lai

Núi Chư Pao nổi tiếng là khu vực có nhiều tảng đá đồ sộ, xưa kia, đây là nơi bộ đội làm công sự trong chiến tranh. Trong đó, có tượng đá hình "ông Phật" gắn với những câu chuyện kỳ bí.

Núi Chư Pao được biết đến là nơi xảy ra trận đánh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với một địa hình có nhiều tảng đá lớn và hang động nên Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) đã dùng làm căn cứ, công sự kháng chiến.

Ba tượng đá khổng lồ đứng sừng sững trên đỉnh núi Chư Pao.

Vào buổi sáng tinh mơ, chúng tôi đến thôn Đại An 1 (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, Gia Lai) để tìm hiểu về những tảng đá kỳ lạ trên núi Chư Pao. Nhìn từ dưới chân núi, Chư Pao sừng sững giữa không trung với nhiều tảng đá có kích thước lớn và hình thù độc đáo.

Dẫn chúng tôi leo lên đỉnh núi, anh Đào Hoàng Vũ - Trưởng thôn Đại An 1 đã không ngần ngại kể về trận đánh năm xưa và những câu chuyện kỳ bí xoay quanh núi Chư Pao.

Tượng đá "ông Phật" được định hình có 3 phần giống con người gồm: Đầu, thân, chân.

"Vào năm 1984, tôi và hàng trăm người từ Quảng Nam vào đây sinh sống đã thấy các tảng đá với nhiều hình thù kỳ lạ trên đỉnh núi Chư Pao. Tôi cũng được nghe nhiều người dân bản địa kể về những câu chuyện thú vị chỉ có ở núi Chư Pao", anh Vũ kể.

Để lên được những tảng đá khổng lồ, chúng tôi phải đi leo bộ trên các sườn dốc dựng đứng. Thành viên trong đoàn ai nấy đều không bỏ cuộc khi nhìn lên đích là các tượng đá có hình thù kỳ bí, hấp dẫn.

Sau 20 phút trèo trên các sườn núi, chúng tôi đặt chân đến đỉnh Chư Pao, nơi có nhiều tảng đá to lớn. Tại đây có hàng chục tảng đá cao 10-30 m, đường kính 10-20 m, khối lượng hàng trăm tấn. Nhiều tảng đá lớn bằng phẳng, nhiều cây cổ thụ mọc xung quanh, rễ cây tua tủa bao bọc chằng chịt bám chặt rất độc đáo và đẹp mắt. 

Sau những giờ làm vất vả, bà con thường đến các tảng đá lớn để nghỉ trưa.

Theo anh Vũ, trên đỉnh núi Chư Pao có 3 tảng đá to lớn, đứng song song cao khoảng 30 m, trông giống những ngọn tháp khổng lồ. Có một tảng đá được người dân định hình 3 phần rõ ràng gồm: Đầu, thân và 2 chân. Đặc biệt, tượng đá này bề mặt xù xì, giống như chiếc vảy rắn khổng lồ. Thế đứng thẳng hiên ngang và hướng xuống về phía con đường quốc lộ 14 và thôn Đại An 1. Nhìn từ xa, tảng đá trông giống hình dáng người, nên người dân trong vùng gọi tảng đá khổng lồ này với tên đặc biệt là tượng "ông Phật".

Anh Vũ chia sẻ: "Người dân truyền tai nhau về câu chuyện có một con rắn hổ mang chúa khổng lồ bảo vệ tượng "ông Phật". Tương truyền, trong lúc lên núi thì một người đàn ông phát hiện tại tượng "ông Phật" có con rắn hổ mang chúa rất to nằm trong hang đá nên đã gọi nhiều người tới bắt.

Đây dần là nơi thiêng liêng với nhiều câu chuyện kỳ bí xoay quanh.

Sau khi bắt được và bán, nhiều người cùng nhau bắt rắn trước đó bị ốm đau triền miên. Biết sự việc đó, có một phật tử ở dưới chân núi Chư Pao mua lại rồi đem thả ở một khu rừng khác cách hàng chục cây số. Thế nhưng, vì nhớ tượng "ông Phật" nên con rắn hổ mang chúa đã trở về chỗ cũ. Từ đó, nhiều người dân quanh núi vẫn thấy con rắn đó xuất hiện và họ không dám đả động đến nó".

Xuống dưới dốc tượng đá, chúng tôi bắt gặp người dân đang trồng cây bời lời tươi tốt. Ông Rơ Châm A Yut (làng Pok, xã Ia Khươl) đã canh tác khu vực núi Chư Pao hàng chục năm nay cho rằng, trải qua sự bào mòn của mưa gió, thiên nhiên đã tạo ra các tảng đá tại núi Chư Pao có hình thù kỳ lạ, đẹp mắt.

"Từ nhiều năm trước, tượng đá khổng lồ này có 2 hòn đá lớn trên đỉnh. Tuy nhiên, trong một cuộc chiến của bộ đội ta, một hòn đá đã rơi xuống. Vì thế, tượng có kết cấu 3 phần như con người và được gọi là tượng "ông Phật" như bây giờ", ông A Yut chia sẻ.

Nhiều hình thù kỳ lạ như vảy rắn trên tượng đá.

Cũng theo ông A Yút, không chỉ tạo nên cảnh quan độc đáo, tượng đá còn trở thành nơi linh thiêng. Vào các ngày lễ, nhiều phật tử và bà con trong vùng đến tại tượng "ông Phật" hành lễ cầu mong bình an và may mắn trong cuộc sống.

Khi ánh mặt trời dần buông xuống, cũng là lúc chúng tôi xuống núi thì tình cờ gặp ông Ksor Túi - nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh. Ông đã phụ trách quản lý rừng tại khu vực núi Chư Pao hơn 30 năm nay.

Ông Túi cho biết: "Núi Chư Pao nổi tiếng là nơi trú ngụ của bộ đội để đánh giặc thời chiến tranh nên ở đây thường chứng kiến nhiều mưa bom, bão đạn nằm rải rác. Ngoài các tảng đá khổng lồ, núi Chư Pao còn có rất nhiều hang động, thác nước hoang sơ chưa ai biết đến. Cũng vì thế, vào các ngày lễ, nhiều bạn trẻ ở nhiều nơi thường qua đây khám phá, vui chơi, tổ chức dã ngoại…".

Khi đứng trên đỉnh, chúng ta sẽ nhìn được những trang trại cà phê, cao su xanh mướt bao quanh chân núi và xa xa là những ngôi nhà đơn sơ xen lẫn ngồi nhà khang trang của các hộ dân xã Ia Khươl, rồi dần dần theo ánh hoàng hôn buông xuống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét