25 thg 3, 2022

Đường chùa

Trên quốc lộ 51 từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, nếu để ý bạn sẽ thấy bên đường có rất nhiều chùa. Cụ thể hơn, đó là đoạn từ Long Thành (Đồng Nai) tới Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), và phía bên tay trái nhiều chùa hơn tay phải. Tui thường gọi đoạn đường này là đường chùa.

Ở phía Đồng Nai, ta kể sơ sơ cho chẵn chục đi nhé!

1 - 2. Chùa Phật Tích Tòng Lâm và chùa Bạch Liên

Hai ngôi chùa này có liên quan mật thiết với nhau và ở cạnh nhau. Thật ra, 2 ngôi chùa này ở An Phước, Long Thành, tức là chưa tới nơi có các cụm chùa dày đặc mà tui muốn kể tới (Phước Thái, Long Thành) nhưng cũng ở Long Thành và trên đường đi nên kể luôn. Đây là 2 ngôi chùa rất đẹp, thu hút nhiều khách thập phương và Phật tử.


Chùa Bạch Liên

Dọc quốc lộ 51 ta sẽ đi ngang qua nhiều ngôi chùa khác, như: chùa Thập Phương (Long Đức, Long Thành), chùa Thanh Lạc (vừa qua khỏi cao tốc, Long An, Long Thành), tịnh xá Ngọc Y, chùa Quang Minh (Long An, Long Thành), chùa Long Phước Thọ, chùa Quốc Ân Khải Tường, tịnh thất Thanh Vân, chùa Bửu Nghiêm, chùa Long Phước Điền (Long Phước, Long Thành), Bửu Hoa ni viện, chùa Tam Bảo (Phước Thái, Long Thành)... Tạm thời ta lướt qua đi nghen (chớ dừng lại thì có nước tới tối chưa tới nơi), giờ tới Phước Thái, khu vực tập trung nhiều chùa lớn rồi đây.

Dọc quốc lộ 51 đoạn qua Phước Thái, Long Thành có rất nhiều thiền viện (đặc biệt là trong tên gọi thiền viện đa số đều có chữ Chiếu: Thường Chiếu, Linh Chiếu, Tịch Chiếu, Huệ Chiếu, Phổ Chiếu....

Các thiền viện này tu tập theo thiền phái Trúc Lâm, do Đức vua Trần Nhân Tôn khai sáng từ thế kỷ XIII và Thiền sư Hòa thượng Thích Thanh Từ khôi phục phát triển từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Ta sẽ viếng thăm một số thiền viện.

3. Thiền viện Linh Chiếu:

Tọa lạc tại xã Phước Thái, do hòa thượng Thích Thanh Từ thành lập từ tháng 4/1980.


4. Thiền viện Thường Chiếu

Thiền viện Thường Chiếu tọa lạc lọt lòng trong cây số 76-77, quốc lộ 51, thuộc ấp 1C, xã Phước Thái. Thiền viện mang tên một danh sư Việt Nam đời nhà Lý, do Hòa thượng Thích Thanh Từ tạo dựng vào năm 1974. Đây là một trong những trung tâm Thiền học lớn nhất của Việt Nam.


5. Thiền viện Viên Chiếu:

Thiền viện tọa lạc tại ấp 3, xã Phước Bình, huyện Long Thành. Thiền viện được xây dựng năm 1975, đây là một trong những Thiền viện đầu tiên của phái Thiền Trúc Lâm được hình thành tại Đồng Nai.


6. Thiền viện Tuệ Thông:

Tọa lạc tại ấp 1C, xã Phước Thái. Thiền viện Tuệ Thông gốc là chùa Bửu Sơn, tọa lạc trên núi Tao Phùng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Năm 1986, ngôi chùa nằm trong khu quân sự nên bị giải tỏa, chùa chuyển xuống núi đến xã Thái Thiện (nay là Phước Thái), huyện Long Thành cất một ngôi chùa nhỏ trên khu đất rộng 2.000 m².

Năm 2000, được sự chấp thuận của Giáo Hội, chùa Bửu Sơn đổi tên thành Thiền viện Tuệ Thông, tên một đại sư nhà Trần (vua Trần Nghệ Tông) thế kỷ XIV.


7. Thiền viện Liễu Đức:

Thiền viện Liễu Đức tọa lạc tại ấp 1, xã Phước Thái, do hai Ni sư Thích nữ Như Đạo và Thích nữ Như Hạnh (là con nhà chú, bác) khai sơn năm 1984


8. Thiền viện Hương Hải

Tọa lạc tại ấp 1C, xã Phước Thái, xây dựng năm 1975 trên khu đất rộng 5.000 m².


9. Thiền viện Đạo Huệ

Tọa lạc tại ấp Hiền Hòa, xã Phước Thái, xây dựng năm 1975 trên khu đất rộng 6.300 m².


10. Tu viện Phước Hải

Đây chính là chùa Bún Riêu mà tui đã từng giới thiệu trong vài bài trước. Tu viện tọa lạc tại ấp 1A, xã Phước Thái, trong khuôn viên khu công Nghiệp Gò Dầu. Khách thập hương thường đến viếng chùa vì có khu cảnh đẹp, thoáng mát và đặc biệt là luôn luôn phục vụ bữa ăn miễn phí.


Rồi, tới đây đã là ranh giới Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, và nếu bạn muốn đi hành hương 10 chùa ở Long Thành, Đồng Nai thì đây là một gợi ý. Đi tới chút nữa là ta qua huyện Tân Thành thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu. Dọc đường ta cũng thấy rất nhiều chùa. 
Ở đây thay vì kể tên các ngôi chùa như ở Long Thành thì tui chỉ xin kể 2 cụm chùa dọc quốc lộ 51 thôi.

Thứ nhất là chùa Đại Tòng Lâm. Đây là ngôi chùa rất lớn mà có lẽ nhiều người đã biết. Chùa tọa lạc tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành trên khu đất rộng đến 57 ha. Chùa sở hữu nhiều kỷ lục quốc gia về Phật giáo, như: Ngôi chùa có chánh điện lớn nhất Việt Nam, ngôi chùa có số tượng Phật nhiều nhất Việt Nam, tượng Bồ tát Di Lặc bằng đá hoa cương nguyên khối lớn nhất Việt Nam, chùa có khóa An cư kiết hạ có số Tăng Ni tập trung nhiều nhất Việt Nam. (Bạn có thể đọc thêm tại đây)


Chùa Đại Tòng Lâm

Đi dọc bên hông khuôn viên chùa đến phía sau là ta tới Ni viện Thiện Hòa, đây chính là ngôi chùa Bánh Xèo nổi tiếng, nơi khách có thể đến dừng bữa miễn phí, với món ngon đặc biệt là bánh xèo chay. (Bạn có thể đọc thêm tại đây)


Ni viện Thiện Hòa

Điều thú vị chính là con đường bên hông Đại Tòng Lâm để đi đến chùa Bánh Xèo. Trên đoạn đường ấy, bạn đi qua hàng chục ngôi chùa, ngôi chùa nào cũng bề thế, trang trọng. Có thể kể: chùa Diệu Nghiêm, chùa Bảo Châu, chùa Phổ Minh, thiền viện Trúc Lâm Phổ Quang, thiền viện Huệ Chiếu, Tường Vân ni tự, chùa Pháp Âm, chùa Viên Quang, tịnh thất Hải Đức, thiền viện Viên Thông...

Thiền viện Huệ Chiếu, một trong những ngôi tự viện ở bên hông Đại Tòng Lâm tự

Nếu bạn là người muốn đi hành hương 10 chùa, mà lại không có thời giờ đi xa, thì tui chỉ bạn nơi này, chỉ cần đi từ cổng trước tới cổng sau Đại Tòng Lâm Tự là đã hơn 10 chùa rồi!

Cụm chùa thứ hai ở dọc quốc lộ 51, đoạn qua Tân Thành mà tui muốn nhắc tới là cụm chùa ở núi Thị Vải, cách Đại Tòng Lâm không xa. Số chùa ở đây, nếu kể cả các chùa ở trên núi thì thiệt không biết bao nhiêu mà nói.

Ngôi chùa nổi tiếng nhất ở đây là Linh Sơn Bửu Thiền có niên đại hơn 200 năm, còn được gọi là chùa Tổ, nằm trên đỉnh núi Thị Vải. Để lên được Linh Sơn Bửu Thiền tự phải qua 1.340 bậc tam cấp quanh co được xây bằng đá và 2 ngôi chùa là chùa Liên Trì (ở chân núi), chùa Hồng Phúc (chùa Trung ở giữa núi). Vậy là 3 ngôi chùa rồi héng.

Quang cảnh chùa Linh Sơn Bửu Thiền

Tui chưa có dịp (và hông biết khi có dịp thì có đủ sức không nữa) khám phá các chùa trên núi Thị Vải, nhưng qua đọc tài liệu, hỏi thăm bạn bè và coi Google Maps thì thấy trên đó nhiều quá trời chùa. Chưa kể là ở lân cận chân núi cũng khá nhiều chùa lớn.

Kế cận núi Thị Vải là núi Dinh (cả 2 cùng nằm trong dãy Núi Dinh). Ở đây cũng có nhiều chùa, trong đó ngôi chùa được nhắc tới nhiều nhất là Linh Sơn cổ tự - tổ đình của phái Liên Tông Tịnh độ Non Bồng (xin đừng lầm với Linh Sơn cổ tự ở TP Vũng Tàu).

Tổ đình Linh Sơn ở núi Dinh

Vậy đó, không biết các bạn có đồng ý không, chớ tui thích gọi đoạn quốc lộ 51 qua Phước Thái - Tân Thành là đường chùa.

Và như đã nói ở trên, nếu bạn muốn đi hành hương thập tự, thì có thể đi dọc quốc lộ 51 qua Long Thành theo danh sách 10 chùa đã nêu ở trên, nếu muốn tốc hành (hương) thập tự thì đi 10 chùa ở kế bên Đại Tòng Lâm. Nếu sung sức thì lên núi Thị Vải, đi 10 chùa trên núi. Còn nếu quá dồi dào sinh lực, thì cứ đi hết các chùa dọc đường chùa, qua Long Thành, Tân Thành, lên cả núi Thị Vải lẫn Núi Dinh, giá chót cũng được ngũ thập tự à nghen!


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét