22 thg 3, 2022

Có một An Giang “miễn phí”

Với nhiều du khách, An Giang là nơi của non nước hữu tình và những huyền tích linh thiêng. Cùng với đó, sự mến khách đặc trưng của vùng đất này còn nằm ở từ “miễn phí”.

Sẽ không bất ngờ, nếu lần nào đó vô tình du khách thấy những tấm bảng ghi từ “miễn phí” ở An Giang, nhất là điểm du lịch tâm linh vùng Bảy Núi. Người viết đã trao đổi với nhiều du khách, đa phần họ yêu mến cảnh sắc An Giang và có niềm tin đối với các bậc siêu nhiên. Bên cạnh đó, điều làm họ ấn tượng không kém chính là từ “miễn phí”. Cần khẳng định rằng, “miễn phí” ở đây không hàm chứa nghĩa "bố thí", mà đó là sự “gieo duyên”. Và đây trở thành nét đẹp trong suy nghĩ của du khách khi đến với vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long.
Đã nhiều lần hành hương ở An Giang, anh Huỳnh Phong (ngụ tỉnh Bình Dương) khá ấn tượng với từ “miễn phí”. Anh Phong chia sẻ: “Không nói đến tinh thần “Tương thân tương ái” của dân tộc mình thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Xã hội hiện nay, hầu như ít ai “cho không” ai cái gì, tất cả đều phải dùng tiền để mua. Từng đến An Giang nhiều lần, tôi khá thích từ “miễn phí”. Trước hết là cơm chay miễn phí, gần đây là bãi đậu xe miễn phí! Thật ra, những điều mà người An Giang “miễn phí” không quá nặng về vật chất, nhưng nó nặng về nghĩa tình và để lại ấn tượng khá tốt trong lòng du khách thập phương”.

Bãi xe miễn phí phục vụ du khách tại miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp

Đến với miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên), du khách sẽ thấy 2 từ “miễn phí” xuất hiện khá nhiều. Trưởng ban Hội miễu Miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp Trần Văn Bền cho hay: “Để phục vụ người dân tới đây chiêm bái, chúng tôi mở thêm các bãi xe miễn phí nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và tạo cảnh quan văn minh, lịch sự chào đón du khách. Miễu Bà là cơ sở tín ngưỡng cộng đồng nên Ban Hội miễu cố gắng hết sức để phục vụ bà con tốt nhất. Khi thấy chúng tôi tổ chức bãi xe khách miễn phí, nhiều hộ dân có sân rộng gần khu vực miễu cũng tình nguyện tham gia. Nhờ đó, đã nhận được tình cảm tốt đẹp của du khách khi đến đây viếng Bà!”.

Cũng theo ông Trần Văn Bền, bếp cơm miễn phí trong khu vực miễu phục vụ du khách từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và hiện duy trì khá tốt. Du khách đến đây không phải chỉ để dùng cơm miễn phí, mà quan trọng là họ cảm nhận được cái tình của người An Giang. “Nhiều du khách ăn cơm miễn phí nhưng thật ra họ không thiếu tiền, mà chủ yếu là muốn “gieo duyên” với Bà Chúa xứ và vùng đất này, để năm sau còn quay trở lại. Về phía Ban Hội miễu cố gắng tổ chức những bữa cơm chay tươm tất để du khách ấm lòng, tiếp tục chặng đường hành hương” - ông Trần Văn Bền chia sẻ thêm.

Ngoài miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp, du khách có thể đến Thiền viện Đông Lai (xã An Phú, huyện Tịnh Biên) để được ăn bánh xèo chay miễn phí. Có lẽ, do nét đẹp từ việc mời du khách thưởng thức bánh xèo chay miễn phí đã nhiều năm, nên thay vì tên gọi Thiền viện Đông Lai, người dân và du khách lại thích gọi theo kiểu dân gian là "chùa Bánh Xèo".


Có đến chùa Bánh Xèo, du khách mới cảm nhận được nét đặc trưng của chiếc bánh xèo chay nơi này. Những người tình nguyện tham gia đổ bánh phục vụ du khách ở "chùa Bánh Xèo" xứng đáng được gọi là “thợ”. Mỗi người có thể canh lửa cả chục chảo bánh xèo cùng lúc. Mồ hôi nhễ nhại, đôi tay nhanh nhảu, họ “tả xung hữu đột” giữa bốn bề khói lửa, để cho ra những chiếc bánh thơm giòn phục vụ du khách gần xa. Chứng kiến kỹ năng tuyệt vời của người đổ bánh và thưởng thức thành phẩm từ những đôi bàn tay khéo léo, thực sự là trải nghiệm đáng nhớ cho du khách về vùng đất An Giang.

Vì là miễn phí nên du khách sẽ tự phục vụ và đa số họ đều cảm thấy vui vẻ, khi vừa viếng Phật, vừa được dùng bữa ăn đạm bạc nhưng ấm lòng. Chị Lữ Ngọc Thủy (người dân ở TP. Châu Đốc) thật tình: “Gia đình tôi hay về vùng Bảy Núi và thường ghé "chùa Bánh Xèo", chùa Lầu để hành hương và thưởng thức những bữa ăn miễn phí. Tuy nhiên, lần nào tôi cũng ủng hộ công đức trở lại để nhà chùa có điều kiện phục vụ khách thập phương tốt hơn. Bản thân tôi cảm thấy việc “miễn phí” ở các chùa, miếu tại xứ mình mang ý nghĩa về triết lý “cho đi” của nhà Phật. Người thân của tôi ở TP. Hồ Chí Minh mỗi dịp về quê đều ghé viếng các chùa và dùng cơm miễn phí. Bao giờ họ cũng thành tâm đóng góp công đức trở lại để phục vụ cộng đồng”.

Thực tế, không phải tất cả mọi thứ ở An Giang đều “miễn phí”. Du khách đến An Giang không phải chỉ để tận hưởng sự “miễn phí” đó. Tuy nhiên, “miễn phí” đang từng bước trở thành nét đẹp trong văn hóa cộng đồng, góp phần níu chân du khách quay trở lại vùng đất non nước hữu tình trong thời gian tới.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét