10 thg 3, 2022

Những ngày đón Tết trong mây!

Trong những ngày xuân đến, đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) chìm vào khung cảnh mây khói mông lung và phảng phất cái lạnh sắt se của Đà Lạt mộng mơ. Những ai đã trải nghiệm tiết xuân trên đỉnh núi mù mây này, sẽ thông thể quên cảm giác nhẹ nhàng, thoát tục bởi sự hòa quyện giữa cảnh vật với lòng người.

Xuân của an yên

Có lẽ núi Cấm là nơi duy nhất ở miền Tây có cái sắc xuân lành lạnh của đất trời phương Bắc. Bởi thế, những du khách tại đồng bằng châu thổ đều mong muốn được một lần trải nghiệm mùa xuân mộng mơ ở nơi này. Đến núi Cấm mùa xuân, bạn sẽ thấy đất trời thay áo mới, với sắc xanh của lá, sắc thắm của hoa và chút miên man của mây ngàn hòa quyện vào khung cảnh nên thơ.

Dừng chân bên bờ hồ Thủy Liêm trong vắt, ngắm nhìn đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng khiến lòng người dịu lại, những muộn phiền của cuộc sống dường như tan biến. Thi thoảng, mấy đám mây ở đâu kéo về sà xuống khiến mặt hồ bỗng chốc bồng bềnh như cõi xa xăm. Với người mộng mơ, đó là khoảnh khắc đẹp đến nao lòng. Với người thực tế, đó là chút nhẹ nhàng khi tâm thức sống trọn cùng cảnh vật.


Mùa xuân, mấy chùm hoa sim tím rịm trên triền đồi xa xa khiến người ta dễ liên tưởng đến vùng cao nguyên nào đó, giữa một miền Tây đầy nắng và gió. Những ngày đầu năm mới, núi Cấm đón khách hành hương từ khắp mọi nơi đến chiêm ngưỡng cảnh vật và chiêm bái các đấng siêu nhiên. Họ đến đây để lắng nghe tiếng chuông chùa Vạn Linh ngân vang trong mùi hương thoang thoảng của trầm hương, ngắm nhìn nụ cười tự tại của đức Phật Di Lặc ngày xuân. Phút chốc, mọi muộn phiền của năm cũ như tan biến!

Anh Phạm Ngọc Vũ (thành viên Tổ hướng dẫn du lịch, Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm) cho biết: “Trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, núi Cấm là điểm đến lý tưởng của du khách bởi vẻ đẹp hài hòa, độc đáo. Cảm giác “thoát tục” là nét đặc trưng của núi Cấm, nó khiến du khách đến đây một lần sẽ khó quên! Những đám mây bồng bềnh, những công trình kiến trúc độc đáo và cái lạnh miên man khiến lòng người lắng dịu, nhẹ nhàng để buông bỏ những muộn phiền, hướng đến một năm mới an lành, hạnh phúc”.

Là “khách quen” của núi Cấm, tôi vô cùng thích thú với không khí mát mẻ pha lẫn mộng mơ của nơi này. Vào những buổi sáng mùa xuân, người ta dễ tìm được sự đồng điệu giữa cảnh vật và tâm hồn, khi lắng nghe tiếng thông reo nhè nhẹ bên hồ Thủy Liêm, hay đứng ngắm mấy cành đào mang hơi hướng của mùa xuân đất Bắc trong khuôn viên chùa Phật Lớn. Trong cái không gian mờ ảo ấy, những trai thanh gái lịch vui vẻ cùng nhau tận hưởng khung cảnh mộng mơ của mùa xuân. Người từng trải tìm kiếm sự an lành trong tâm trí, để hướng thiện và cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới.

Những năm qua, đơn vị quản lý và địa phương đã tích cực kiến tạo, thay đổi diện mạo của Khu trung tâm hành hương trên núi Cấm. Những vườn hoa, cây kiểng tốt tươi mang dáng dấp của một “Đà Lạt miền Tây” làm cho du khách ngày càng thích thú. Nó gieo vào lòng người những “điểm lặng” không ngờ, khiến chúng ta như hòa vào thiên nhiên bằng thứ cảm xúc tươi mới, nhẹ nhàng. Bởi thế, du khách luôn muốn đến đây để được “chạm” vào mùa xuân trên “nóc nhà miền Tây” hùng vĩ.

Tết của sơn dân

Giống như du khách, người dân định cư trên núi Cấm cũng có những ngày đón Tết trong mây. Tuy nhiên, do phải tranh thủ nguồn thu vào thời điểm khách đông nhất trong năm, người phải tạm gác việc tận hưởng không gian xuân tươi đẹp.

“Hồi chưa có dịch bệnh COVID-19, dân trên núi phải tranh thủ mấy ngày Tết để kiếm nguồn thu. Người thì chạy “xe ôm”, làm dịch vụ chụp ảnh hoặc buôn bán thức ăn, nước uống. Hầu như người nào cũng lo phục vụ cho du khách đi chơi Tết nhưng chẳng ai buồn, bởi nguồn thu cũng khá. Muốn ăn Tết, chúng tôi phải đợi đến… chiều. Đó là lúc dân trên núi nhớ tới cảm giác đoàn viên với người thân trong mấy ngày đầu năm” - ông Trần Văn Bảo (người dân sống lâu năm trên núi) chia sẻ. Theo ông Bảo, sau một ngày lao động cật lực, dân trên núi trở về với mái nhà ấm cúng của mình. Trong gian bếp mỗi nhà vẫn là nồi thịt kho, vài đòn bánh tét cho đúng cái phong vị ngày xuân. Khi ấy, ông Bảo mới có thể thắp nén nhang thành kính đến gia tiên để gian nhà ấm áp hơn giữa cái lạnh sắt se của núi rừng.

“Chợ mây” trên núi Cấm khá nhộn nhịp khi dịch bệnh COVID-19 chưa xuất hiện

Những năm trước, dân trên núi cũng “nhín” thời gian trang hoàng nhà cửa và thăm viếng xóm giềng vào dịp Tết. Bên ly rượu nồng nàn ngày xuân, câu chuyện mưu sinh của cánh đàn ông cứ rôm rả, xôm tụ không hồi kết. Trong khi phụ nữ cùng nhau nhắc lại những điều đã qua trong cuộc sống, với một năm đầy cố gắng. Cứ như thế, Tết của dân trên núi những ngày chưa có dịch bệnh COVID-19 diễn ra từ chiều đến tối, xoay quanh những cuộc gặp giản đơn mà ấm cúng. Khi ấy, không gian núi rừng vẫn bạt ngàn mây phủ!

“Có vui đến đâu thì dân trên núi cũng phải nhớ tới công việc làm ăn, bởi cả năm chỉ có mấy ngày Tết là “êm” nhất. Thật ra, chúng tôi quen với nếp sống tất bật những ngày Tết, nên ai cũng sẵn sàng cho dịp bội thu này. Bởi vậy, người ta cũng vui có chừng mực, chừa sức cho ngày lao động hôm sau. Có thể nói, Tết của dân trên núi Cấm tuy cực mà vui!” - ông Bảo thật tình.

Điều đặc biệt của dân trên núi Cấm là hay ăn Tết sớm. Họ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, thăm viếng họ hàng những ngày cuối tháng Chạp, để sau đêm giao thừa là bắt đầu bước vào cuộc mưu sinh hối hả. “Mấy ngày cuối năm ít khách nên ai cũng tranh thủ chuyện nhà cửa, gia đình. Đây là dịp chúng tôi tranh thủ thăm bà con, họ hàng ở xa để chúc mừng năm mới. Nhờ vậy mà chẳng ai “tiếc” mấy ngày xuân, bởi nhà nào cũng đã đón Tết đúng với truyền thống của ông bà. Vì nếp sống như vậy nên riết rồi cũng thành quen” - ông Bảo chia sẻ.

Tết này, chắc ông Bảo sẽ khó về quê để thăm viếng họ hàng vì dịch bệnh COVID-19, nhưng ông cũng không lấy đó làm buồn. Bởi, đỉnh núi mù mây này đã cho ông cuộc sống tươm tất hơn, để mỗi lần Tết đến, ông lại hớn hở khoe với du khách về nét đẹp đặc thù và khung cảnh nên thơ trên ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét