16 thg 11, 2019

Quốc Hương và bài hát “Du kích Long Phú”

Quốc Hương tên thật là Nguyễn Quốc Hương, sinh năm 1920 tại xã Kiến Thái, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi, ông vào miền Trung, sau đó vào Sài Gòn và ông làm nhiều việc để mưu sinh như: công nhân xe lửa, thủy thủ, bốc vác… 

NSND Quốc Hương

Năm 1944, Quốc Hương là một trong những người đầu tiên hát vang bài “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, Sài Gòn. Năm 1945, ông tham gia Ban Tuyên truyền Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiệm vụ là ca hát những bài ca yêu nước. Khi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ tại miền Nam, ông gia nhập Vệ quốc quân, làm tiểu đội trưởng, ca hát và chiến đấu ở khắp các chiến trường Quân khu 7, Quân khu 8 và Quân khu 9. Thời gian này, ông còn tham gia giảng dạy lớp nhạc do Quân khu 9 mở.

Một lần ông được cử về Sóc Trăng và đến các xã Cù Lao Dung (lúc đó là huyện Long Phú) công tác. Đến đây, ông được nghe nhân dân và tận mắt chứng kiến những chiến công của Đội du kích Long Phú, nhất là những thành tích gan dạ, dũng cảm của người đội viên du kích Sơn Ton. Mến phục và xúc cảm trước những hoạt động của Đội du kích Long Phú, chỉ sau một đêm ông đã sáng tác xong bài hát “Du kích Long Phú” và bản thân ông đã hát tặng ngay cho đồng bào, bà con Long Phú trong khoảng thời gian công tác nơi đây.

Bài hát “Du kích Long Phú” trở thành hồi kèn tiến quân, làm tăng thêm uy danh của đội quân du kích Long Phú. Từ đó, có thể nói đội quân du kích Long Phú ra quân là chiến thắng, làm cho kẻ thù khiếp sợ. Cán bộ và nhân dân Long Phú nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung càng tự hào hăng say giết giặc, lập công. 

Năm 1954, Quốc Hương tập kết ra miền Bắc, sau đó ông đã tu nghiệp tại Nhạc viện Budapest – Hungary. Sau khi về nước, Quốc Hương làm việc tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, Quốc Hương vẫn thích đi vào các chiến trường để tiếp tục ca hát phục vụ chiến sĩ và nhân dân trong vùng giải phóng.

Năm 1975, đất nước thống nhất, Quốc Hương chuyển về TP. Hồ Chí Minh làm ca sĩ cho Đoàn Nghệ thuật Bông Sen. Thời gian này, dù đã lớn tuổi, nhưng ông vẫn tiếp tục công việc ca hát và giảng dạy nghệ thuật. Đến năm 1984, Quốc Hương được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt đầu tiên (cùng với nghệ sĩ ngâm thơ Châu Loan, nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn và ca sĩ Thanh Tuyền).

Quốc Hương không những hát hay mà còn là một nhạc sĩ lớn với những tác phẩm nhớ đời, sống mãi với thời gian như bài: Du kích Long Phú, Cô gái Vĩnh Hanh, Đoàn người đi tòng quân, Tầm Vu (viết cùng Đắc Nhẫn)… và người đời, nhất là người dân quê hương Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) gọi ông là “ông 307”. Nhạc sĩ Phan Nhân nhận xét về ông: “Yêu mến quê hương, yêu mến tiếng ca Quốc Hương, đã vượt qua sông Cửu Long, đã qua đến bến Rạch Già. Bài ca anh viết lên còn vang mãi mùa thu đến. Thêm xanh nước Hậu Giang, thêm tươi đất Hậu Giang”.

Năm 1987, Quốc Hương đã từ biệt cỏi đời nhưng lời ca, tiếng hát của ông vẫn còn sống mãi với thời gian.

Lê Trúc Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét