27 thg 12, 2014

Săn lùng cua da

Mấy năm trước, cứ độ heo may về, ở các quãng sông Thương chạy qua địa phận các xã Tư Mại, Thắng Cương, Yên Lư, Đồng Việt, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), người dân thường rủ nhau đi bắt cua da. Thế nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, những ngư dân thạo nghề nhất trong vùng cũng hiếm khi kiếm nổi chục con để hấp bia đãi khách.


Đặc sản lừng danh

Cua da, thứ đặc sản có thời kỳ từng bị ngư dân Yên Dũng xem thường đến mức chỉ dùng để nấu cám cho lợn, nay đã trở thành món "thượng vàng" trong những nhà hàng sang trọng, dù có giá trị kinh tế cao nhưng ngày càng hiếm.

Anh Trần Thế Cường (35 tuổi), ở thôn Thắng Cương, xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng, từng gắn bó hơn 20 năm với những quãng sông Cầu ở đây, giới thiệu: "Cua da nhiều chất đạm nên tanh lắm, ngày xưa các cụ chẳng biết chế biến nên rất sợ ăn chúng. Mỗi khi cua vướng vào cắn rách lưới nên bà con thường gỡ vứt đi, thậm chí lấy đá đập nát hoặc mang về nấu cám lợn. Giờ thì chẳng ai dại gì nấu cua da cho lợn, vì chúng đã trở thành đặc sản. Với những ai đã được ăn cua da đúng kiểu thì cỡ ghẹ biển chỉ xếp hàng sau".

Cua đã hiếm, giá lại cao (từ 200 - 350 nghìn đồng/kg tùy theo cua to hay nhỏ), nên dù mỗi hôm có bắt được chục con cua đi nữa thì cũng rất ít người dám tặc lưỡi tự thưởng cho mình một bữa ra trò mà đa phần tích cóp đến khi nhiều thì bán cho thương lái.

Theo người dân giải thích, cua ngon là loại phải vừa mới lột, chân chúng thụt vào, người vẫn còn dính đầy bùn đất, có con nặng tới 300gr. Khi cua lột chúng rất hung dữ và nếu vướng vào lưới mà không gỡ ra ngay thì chúng cắn cho tan tành.

Chiếc thuyền của ông Thành nằm im lìm nhiều ngày không ra sông vì nguồn nước ô nhiễm, cá tôm chết sạch

Người dân địa phương gọi là cua da bởi vì loài cua này có một lớp da trên càng. Đó là điểm rất khác biệt so với các loài cua biển, cua đồng. Điểm khác biệt nữa của cua da là nhiều thịt, ăn có vị ngọt và to hơn nhiều lần so với cua đồng, chỉ cần vài ba con là đã có một nồi canh cua chất lượng, 5 con cua to cân được một ký.

Thứ nữa là loài này chỉ có thể bắt được ở sông từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, sau đó chúng "mai danh ẩn tích" đến tận mùa thu sang năm mới chịu chui đầu ra. Cua da thường sống ở những ghềnh đá dưới đáy sông, để bắt chúng phải dùng lưới, trước đây gặp may mỗi đêm có thể đánh được dăm bảy cân, không thì vài ba cân.

Còn 3 năm nay, khách quen muốn ăn phải đặt trước 5 ngày. Theo anh Cường, trước đây bắt cua da rất dễ vì cứ thả lưới là chúng vướng vào, nhất là hôm nào trời càng giá rét càng sẵn, nhưng giống này cứ gió đông nồm to thì khi bị bắt lên bờ chúng sẽ không chịu được và chết.

Mấy chục năm gắn bó với sông Cầu, anh Cường hiểu từng ngõ ngách, trên bến dưới thuyền từng đoạn sông ở đây, thế mà giờ anh gặp khó khăn khi mưu sinh trên khúc sông này. Anh tâm sự: "Ngày xưa các cụ có câu "Sông Cầu nước chảy lơ thơ”, vậy mà giờ khác xưa lắm, nước sông lên xuống thất thường và độ chênh lệch giữa ban ngày và đêm tới vài mét nên những tấm lưới thường khó có thể bắt nổi cua da mà phải dùng lưới bát quái, có hôm nước chảy xiết còn cuốn trôi cả lưới".

Lênh đênh trên sông Thương hơn một giờ đồng hồ, gió bắc thồi ào ạt, sóng vỗ mạnh khiến chiếc thuyền nan chao đảo, những tấm lưới dài tới vài chục mét, dọ cua được quăng ra phủ một quãng sông nhưng cả buổi sáng cũng chỉ được vài ba con rô, con diếc chứ cua da chẳng thấy đâu.

Ngư dân dùng lưới bát quái bắt cua

Tôi, anh Cường và Phó bí thư Đảng ủy xã Thắng Cương Nguyễn Ngọc Lâm phải đánh lái xuôi thuyền về phía gần Kiếp Bạc, nghe nói dân ở đây vẫn thường bắt được cua da. Nước sông đoạn này có vẻ bình lặng hơn, trời gần trưa, gió cũng ngớt dần, lưới và dọ cua lại được buông.

Chờ đợi mãi, ngoài ít tôm, cá, cuối cùng 4 con cua da cũng dính vào lưới, ai nấy đều phần khởi. Gặp anh Lê Văn Khóa, người ở Bắc Ninh sang bên này bắt cua da, anh cho hay, đoạn sông này ít ô nhiễm hơn phía trên, có hôm trở trời bắt được chục cân cua da, nhưng cũng có hôm chẳng được con nào.

Món ngon nhớ lâu

Tôi còn nhớ cỡ tầm này cách đây 3 năm, khi về Yên Dũng được bạn bè mời một bữa đặc sản cua da đầu mùa khó quên bởi cái vị ngọt đậm đà và ngậy ngậy.

Nhớ hương vị ấy, năm nay tôi có ý định hỏi mua một ít cua da làm quà nhưng ngay cả với một người dày dạn kinh nghiệm sông nước, gia đình ba đời làm ngư dân như ông Nguyễn Văn Thành, 54 tuổi, ở thôn Nham Sơn, xã Nham Sơn cũng lắc đầu nguầy nguậy.

Trong thực đơn ở nhà hàng Lã Vọng, TP. Bắc Giang có nhiều món được chế biến từ cua da như cua da hấp bia, chiên chua ngọt, rang muối... Cách ăn không khác ghẹ biển, thường người sành ăn thích cua cái vừa lột bởi trên mai và yếm của chúng có nhiều gạch và béo.

Những ai đã được thưởng thức cua da thì không dễ gì quên được hương vị, thịt cua nhiều và ngọt, lớp vỏ ở chân cua, càng cua khá mềm nên có thể dùng tay cũng tách ra được dễ dàng.

Nguồn nước có vấn đề

Ông Thành bảo, có thể đặt hàng cua da ở dưới Bắc Ninh hoặc Hải Dương mang lên tận nơi vì nghe nói mạn dưới đó người ta đã nuôi giống cua này nhiều lắm, nhưng kể ra cua bắt tự nhiên ngoài sông vẫn ngon hơn nhiều.

"Trước đây, mấy anh em tôi đều đi sông mò cua da, đánh tôm, cá làm nguồn sống nhưng giờ chỉ còn mình tôi theo nghề, và cũng "buổi đực buổi cái" vì nguồn thủy sinh của sông Cầu đã bị hủy diệt ghê gớm, có hôm đi sông cho đỡ nhớ nghề thôi chứ làm chẳng đủ tiền xăng dầu", người đàn ông này chia sẻ.


Chỉ về mạn trên, ông Thành nói, sông Cầu giờ ô nhiễm lắm, trung bình mỗi năm có khoảng 3 - 4 đợt các nhà máy giấy, nhà máy kính ở bên Bắc Ninh xả thải thì chúng tôi chỉ cần cái rổ là vớt được hàng bao cá, tôm.

Anh Hoàng Văn Thuận, một người chuyên đi gom nhặt cua da dọc tuyến sông Thương từ Yên Lư đến Phả Lại (Hải Dương), cho biết: "Mọi năm cua da được chúng tôi bán cho các nhà hàng ở Bắc Ninh, Hà Nội và Bắc Giang. Năm nay người dân bỏ hết nghề đi sông nên khan hàng lắm, khách quen và trả giá cao cũng phải đặt hàng trước một tuần mới có một mẻ để giao".

Phó bí thư Đảng ủy xã Thắng Cương bức xúc: "Vào những ngày các nhà máy bên Bắc Ninh xả thải, cá, tôm chết trắng sông, khiến nghề đi sông của bà con gặp nhiều khó khăn vì nguồn thủy sinh cạn kiệt dần. Đã nhiều lần chính quyền xã làm công văn kiến nghị lên tỉnh nhưng được trả lời là các nhà máy xả chất độc nằm bên địa phận tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang đã gửi văn bản, kiến nghị của người dân đến lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và đoàn đại biểu Quốc hội hai tỉnh nhưng đến nay chưa thấy chuyển biến".

KIM SA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét