12 thg 12, 2014

Mùa nước 'ói', về đầm Ô Loan săn lịch huyết, cua gạch

Từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa mưa lũ, nước từ nhánh sông Kỳ Lộ đổ về làm cho nước trong đầm Ô Loan dâng cao, đục ngầu, người dân quanh vùng gọi là mùa nước “ói”. Mùa này lịch huyết, cua gạch - những đặc sản nổi tiếng của đầm Ô Loan, rất ngon.

Chợ Cồn mùa nước “ói” 

Chợ Cồn ven đầm Ô Loan 

Ô Loan là đầm nước lợ nổi tiếng ở Phú Yên, có diện tích mặt nước hơn 1.200ha, giữa đầm có những hòn núi đá nhỏ gọi là Hòn Lao, Hòn Chùa, Hòn Khô. Cạnh đó có Vũng Lắm, Vũng Diều… mực nước sâu. Từ tháng 10 đến tháng 12 là mùa mưa lũ, nước từ nhánh sông Kỳ Lộ đổ về làm cho nước trong đầm dâng cao, đục ngầu, người dân quanh vùng gọi là mùa nước “ói”. Mùa mưa nước từ nhánh sông đổ về nhiều, lịch huyết, cua sống trong đầm nước lợ bị sốc nước ngọt, trồi đầu lên. Lúc này người dân sống ven đầm bơi sõng câu (một loại xuồng nhỏ) bắt lịch huyết, cua gạch- đặc sản trong đầm. 

Xóm nhà ở Hòn Lao nằm giữa đầm 

Nhiều người đến câu cá trên vũng Lắm 

Xóm nhà của người dân 5 xã (An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp) sống ven đầm đều ngửa mặt ra đầm. Người dân ở đây còn giữ “dấu xưa” nghề truyền thống chong đèn, đóng chấn bắt lịch huyết. Ban đêm đi đóng chấn, một tấm chấn cắm 3 cây sào, 2 cây cắm ở miệng chấn và 1 cây cắm ở yếm chấn (rốn chấn). Còn đèn chấn là dùng đèn dầu đặt lên trên tấm gỗ nhỏ, lấy chai nhựa cắt bỏ phần đít chai đậy đèn lại cho khỏi tắt. Thấy ánh sáng từ đèn, lịch huyết sẽ “bắt mắt” bơi đến lọt vào rốn chấn. 

Quăng chài trên đầm Ô Loan 

Lịch huyết là món ăn tuyệt hảo nhưng hiếm có vì sống trong hang, duỗi dưới lớp bùn non ăn mồi chìm, vì thế không có mùa nước ói thì không tài nào bắt được lịch huyết! Mờ sáng, chiếc sõng câu chở lịch huyết cập bến. Bắt lịch bỏ vào trong thùng gánh nước, lấy lá duối chà xát cho sạch nhớt, sau đó trở sống dao dần sơ cho mềm xương rồi chặt thành nhiều khúc. Ướp hành, tiêu, nghệ với nước mắm nhĩ, dùng lá vông đồng hay lá lốt cuốn lịch huyết đem nướng trên bếp than hồng hoặc đem um chuối cây, khô keo. Ăn xong uống nước, vị ngon vẫn còn phảng phất ở đầu lưỡi.

Ngoài lịch huyết, mùa nước ói ngư dân quanh đầm còn ra vũng Lắm, vũng Diều quăng chài, thả lưới bắt cua. Cua gạnh ở đầm Ô Loan nổi tiếng ngon, béo. Cua chui sống dưới kẽ đá hồ nuôi tôm, có những mùa nước ói người dân quanh vùng bắt được “cụ cua” nặng gần ký.

Cua gạch đầm Ô Loan xếp vào dạng thượng hạng. Không cầu kỳ chế biến mà chỉ cần hấp, luộc, nướng, gạch cua có vị béo thanh tao, chấm muối giã ớt xiêm với lá é trắng, ăn một lần thèm dài dài.

Mùa nước ói, quanh đầm Ô Loan nhộn nhịp, tờ mờ sáng khi chưa nhìn rõ mặt người thì chợ xổm rải rác quanh đầm nhóm họp. Một điểm chợ xổm họp 4-5 người. Sở dĩ có chợ xổm ít người này là vì truyền thống lâu nay cứ 4 người đi đánh bắt hải sản trên đầm là “bạn hàng ruột” của một người mua hải sản nhỏ lẻ. Tại chợ xổm người thu gom hải sản “mua đi” nhanh gọn rồi hối hả chạy ra chợ Cồn (xã An Cư) “bán lại” cho thương lái. 

Chợ xổm ven đầm họp 4- 5 người 

Chợ Cồn nằm trên doi đất nhô cao cạnh “miệng đầm”, nơi nhánh sông Kỳ Lộ đổ nước vào Ô Loan. Ở xóm Đập Bà Câu (xã An Cư) nhà cách nhau mỏm đá, ngoài lịch huyết, cua gạch thì người dân còn bắt hàu, điệp. Sáng, những người phụ nữ gánh một đầu ky hàu, một đầu thúng điệp “đầu treo, đầu trễ” đến chợ Cồn. Có người bưng rổ tôm đất tươi rói ngồi bán. Đứng trên cầu Long Phú (bắc qua đầm Ô Loan) du khách nhìn xuống con đường ven đầm cảm nhận sâu lắng hình ảnh “đi chợ” thân thương làng quê ven đầm.

Làng nghề và “tài sản” đá 

Con đường đá nối từ nhà ra mặt nước đầm 

Ngoài đánh bắt hải sản, người dân quanh đầm còn nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Hồ nuôi tôm ở đây “mười hồ như chục” đều có “quy mô” bằng đá. Xung quanh hồ, đá xếp chồng lên nhau làm bờ hồ. Có những gia đình hồ nuôi tôm liền kề nhau nên “tài sản chung” của họ là bờ đá! Bờ đá của hồ nuôi tôm cũng là lối đi hằng ngày ra chòi canh và cũng là nơi chiếc sõng câu cập vào sau khi bơi vãi thức ăn cho tôm. 

Hồ nuôi tôm có quy mô bằng đá 

Đá xếp từng dãy tỉ mẩn, công phu ôm gọn căn chòi nhỏ nhô ra giữa đầm. Cạnh đó những ngôi nhà chòm ra mặt đầm được ốp móng bằng đá.

Qua xã An Hiệp, An Hòa dọc theo con đường cạnh mé đầm, đá xếp thành dãy dài như “nối vòng tay” ôm bờ đầm, chiều dưới cái nắng hoàng hôn mặt đầm ánh lên sắc màu từ đá. Từ không gian đá này người xa đến “nghiệm ra” rằng, người dân đầu xóm “giáp lòng” (cùng chung ý chí) với người dân cuối xóm hòa hợp nhau trong đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản phát triển kinh tế gia đình. 

Những đứa bé theo con đường đá ra đầm buổi sáng 

Người dân sống ven đầm còn lưu giữ “dấu xưa”, đó là làng nghề đan chiếu cói (thôn Phú Tân, xã An Cư) tồn tại hàng trăm năm nay. Những người phụ nữ sáng sớm đi chợ bán hải sản về ngồi bên mé đầm chăm chỉ đan chiếu cói, còn trẻ em nhuộm màu, phơi cói. Một ngày làng nghề có gần 500 lao động chủ yếu là phụ nữ và các em nhỏ làm các công đoạn thủ công đan chiếu cói. 

Người dân quanh đầm lưu giữ nghề đan chiếu cói truyền thống 

Vào mùa nước ói, chiều thong dong trên con đường đi vòng qua 5 xã ven đầm, nhìn vào xóm nhà cạnh mé đầm, phụ nữ, trẻ em tỉ mẩn đan chiếu cót, còn đàn ông ngồi uống nước trà trước hàng ba, bên góc sân là đèn dầu, tấm chấn, lưới chài để sẵn chuẩn bị ra đầm mưu sinh.

MẠNH HOÀI NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét