17 thg 12, 2014

Dạy nghề nơi cửa Phật

Nằm giữa một vùng cây cổ thụ rợp bóng, chùa KomPongChrây (còn gọi là chùa Hang) không chỉ nổi tiếng là một trong những ngôi cổ tự đẹp nhất tỉnh Trà Vinh, mà còn được giới Phật tử biết đến là nơi dạy nghề điêu khắc gỗ cho con em đồng bào Khmer ở miền Tây Nam bộ. 

Chùa Hang được xây dựng từ năm 1637 ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Chùa được người dân tỉnh Trà Vinh ví là “Ngôi trường nghề đặc biệt nơi cửa thiền”. Năm 2002, khi chùa Hang xây dựng lại ngôi chánh điện đã mời nghệ nhân Thạch Buôl ở xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long về vẽ các hoa văn, họa tiết và thực hiện điêu khắc một vài tác phẩm để trang trí. Nhìn thấy các tác phẩm điêu khắc từ gỗ rất đẹp của nghệ nhân Thạch Buôl, sư cả Thạch Suông đã mời ông ở lại để truyền nghề cho các vị sư trẻ. Lớp học đầu tiên có bốn vị sư trẻ theo học. Sau hai năm miệt mài học nghề, những vị sư này đều lành nghề. Dần dần, người học trước truyền nghề lại cho người đến sau. 

Chùa KomPongChrây (còn gọi là chùa Hang) nổi tiếng với nghề dạy điêu khắc gỗ cho con em đồng bào Khmer.


Nghề điêu khắc gỗ ở chùa Hang đã tồn tại và nổi tiếng hơn 12 năm qua.

Từ những bộ gốc cây tưởng chừng bỏ đi, các nghệ nhân chùa Hang đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Dựa vào hình thù tự nhiên sẵn có của mỗi gốc cây, các nghệ nhân chùa Hang sẽ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật khác nhau.

Mọi công đoạn chế tác đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công.

Một nhà sư ở chùa Hang đang tạc tượng con chim công lớn.

Nghề điêu khác đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và khéo tay của người thợ.

Nghề được truyền từ người này sang người khác.

Tính đến nay đã có hơn 60 thanh niên dân tộc Khmer đã được đào tạo thành nghề.

Bộ dụng cụ đơn giản của các nghệ nhân nghề mộc ở chùa Hang. 

Trường nghề chùa Hang trong quá trình đào tạo đã gây tiếng vang khắp vùng, thu hút ngày càng đông các vị sư sãi, thanh niên Khmer trong tỉnh tìm đến học. Tiếng lành đồn xa, con em Phật tử từ các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang… cũng tìm đến chùa Hang xin theo học nghề. Tính đến nay, hơn 60 thanh niên dân tộc Khmer đã được đào tạo để thành nghề. Em Thị Sơ Mỳ, sinh năm 1990, mới vào chùa học được 2 tháng chia sẻ: “Dù là con gái nhưng em rất thích học nghề này, bởi nhìn những tác phẩm hoàn thành bằng chính đôi tay của mình, em càng muốn gắn bó để trở thành nghệ nhân điêu khắc gỗ”.

Sư cả Thạch Suông, trụ trì chùa Hang tâm sự: “Điêu khắc gỗ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer nên rất cần được được truyền dạy lại để bảo tồn và phát huy. Hơn nữa, đây là nghề mang lại thu nhập ổn định, khi hoàn tục ra khỏi chùa, thanh niên Khmer có để tạo dựng cuộc sống cho mình”.

Từ những bộ gốc cây tưởng chừng bỏ đi, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân chùa Hang đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật. Tại chùa Hang, rất nhiều tác phẩm điêu khắc như Long, Lân, Quy, Phụng hay các loài chim thú, nhiều tác phẩm mô tả về sinh hoạt đời sống, sản xuất của người Khmer Nam bộ… được trưng bày tại ngôi chánh điện, tăng xá, phòng khách, phòng học...

Năm 2005, sư cả Thạch Suông đứng ra thành lập Câu lạc bộ điêu khắc chùa Hang với hơn 10 thành viên là những vị sư có tay nghề cao. Đến nay, Câu lạc bộ điêu khắc chùa Hang đã cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật theo đơn đặt hàng của du khách xa gần. Tiếng lành bay xa, các tác phẩm nghệ thuật của Câu lạc bộ điêu khắc chùa Hang nhanh chóng được du khách trong và ngoài nước yêu thích đón nhận. Đặc biệt, có tác phẩm có giá lên tới cả trăm triệu đồng được khách từ Campuchia sang đặt hàng. Một trong những tác phẩm độc đáo, hoành tráng, nổi tiếng nhất của Câu lạc bộ có sức thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng khi đặt chân đến Trà Vinh là tác phẩm "Cửu Long tranh châu", có kích thước 3,5m x 3,5m, được kết ghép điêu khắc từ 9 bộ rễ cây cổ thụ.

Nghề điêu khắc gỗ không chỉ giúp cho nhiều thanh niên Khmer tạo dựng cuộc sống tốt hơn mà còn góp phần bảo tồn một giá trị truyền thống. Vì thế, chùa Hang giờ là điểm tham quan thú vị khi du khách tới Trà Vinh.

Một số tác phẩm điêu khắc gỗ của các nghệ nhân chùa Hang





Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét