12 thg 12, 2014

Về mảnh sân nhỏ ngày xưa của Bác Hồ

Từ thành phố Vinh, theo tỉnh lộ 49 đến km 13, gặp ngã ba Mậu Tài (tên xưa của làng Sài, quê cụ Hà Thị Hy, bà nội Bác Hồ), rẽ trái, theo đường nhựa khoảng 1km là làng Hoàng Trù, quê ngoại của Bác Hồ.


Như bao làng quê khác của Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ, làng Chùa (tên địa phương của làng Hoàng Trù) bình dị với cây đa, bến nước, những hàng dâm bụt cùng lũy tre xanh ngắt...

Băng qua khu chợ ồn ào, tấp nập người mua kẻ bán với đủ thứ hàng hóa la liệt, từ đồ lưu niệm đến hàng quán ăn uống, trước mắt chúng tôi hiện ra một khoảng không gian thanh khiết và tĩnh lặng đến bất ngờ: Nhà Bác.

Qua cái cổng nhỏ bằng tre quen thuộc, đi giữa hai hàng cây duối xén tỉa gọn ghẽ, chúng tôi đặt chân lên mảnh sân nhỏ bằng đất nện mà hơn một thế kỷ trước, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã từng chạy nhảy, nô đùa. Ngôi nhà tranh 3 gian mộc mạc, với tường liếp, mái lợp tranh, qua bao dãi dầu mưa nắng đã bạc phếch màu thời gian. 


Tất cả vật dụng trong nhà đều còn nguyên vẹn, từ chiếc án thư đến hai cái ghế dài đan bằng tre đã lên nước láng bóng, từ chiếc chõng tre cũ kỹ đến khung cửi mà người mẹ tảo tần của Bác một thuở vừa bế con vừa dệt vải, chiếc gường gỗ trải chiếu đơn sơ… Trong gian bếp ám khói vẫn còn chạn bát, cái mâm, chiếc rương gỗ đựng lúa, ngô. Phía sau nhà, cây mít cổ thụ vẫn đang lúc lỉu quả. 


Đi một vòng quanh nhà, chúng tôi ra vườn. Dưới bóng râm trong khu vườn rợp mát những hàng cau và những cây dâu, tiếng cô tiếp viên thì thầm bằng chất giọng xứ Nghệ ngọt ngào và sâu lắng: “Vậy đấy! Một vĩ nhân, một người làm xoay vần cả lịch sử dân tộc, một tấm gương sáng ngời muôn thuở lại được sinh ra tại ngôi nhà tranh đơn sơ, giản dị nhường này, như nhà ta, như nhà của hàng triệu nông dân trên khắp đất nước này...”. Nghe, mà lòng rưng rưng cảm xúc. 


Rời khỏi Hoàng Trù, đi tiếp 2km, chúng tôi đến làng Sen, quê nội của Bác. Ngôi nhà ở làng Sen hay còn gọi là làng Kim Liên, rộng rãi và khang trang hơn. Đây là ngôi nhà 5 gian được dựng bằng tre và gỗ, lợp tranh. Ngôi nhà được dựng nhờ công sức, tiền của do dân làng góp lại làm quà tặng cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác, khi cụ đỗ Phó bảng, đem vinh dự về cho quê hương Kim Liên.

Trong ngôi nhà này, cụ Sắc dành hai gian để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc với bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ. Đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước trà xanh…

Các kỷ vật trong ngôi nhà hiện còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn: hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ Phó bảng và hai con trai, chiếc giường là của bà Thanh, con gái cụ, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen…

Xung quanh nhà Bác không có hoa hay cây cảnh mà chỉ là những luống khoai lang xanh tốt. Cô tiếp viên giải thích: có lần Bác Hồ về thăm quê. Khi ấy, nước ta còn rất nghèo. Bác khuyên nên trồng khoai lang, một loại cây lương thực dễ trồng. Củ và lá đều dùng vào bữa ăn hàng ngày. Từ đó, theo lời dặn của Người, mọi vạt đất quanh nhà đều trồng khoai lang. 


Từ nhà Bác, đi theo con đường nhựa rợp bóng cây quanh co trong làng, chúng tôi đến thăm khu Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên. Một khuôn viên rộng lớn rợp mát bóng cây đa hàng trăm tuổi và rất nhiều những loại cây cổ thụ, các khu nhà tưởng niệm và trưng bày di vật của Bác trong dáng vẻ những ngôi chùa, những khoảng sân rộng lát đá trắng, những vườn hoa rực rỡ sắc hương… 


Lang thang trong khu tưởng niệm, chúng tôi chợt cảm nhận sâu sắc rằng, Bác Hồ vẫn đang sống với người dân Việt Nam không chỉ bằng sự tưởng niệm và tấm lòng, bằng ký ức và kỷ niệm, mà bằng cả những công trình kiến trúc thể hiện niềm tôn kính vô bờ đối với vị lãnh tụ đã hi sinh cả đời mình cho dân tộc. 


Bài và ảnh: GIAO THỦY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét