28 thg 6, 2022

Chùa Cầu trong ký ức người Hội An

Đến nay, Chùa Cầu vẫn là một hấp lực đối với các nhà nghiên cứu. Nhiều công trình trong nước, quốc tế về di tích này đã được thực hiện, công bố. Bên cạnh đó, trong ký ức người Hội An, những câu chuyện, kỷ niệm về Chùa Cầu là mạch nguồn tự nhiên, sâu thẳm vô cùng quý giá.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi ghi lại ký ức đời thường, mang đậm dấu ấn cá nhân của những người được sinh ra trong thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ XX từng gắn với Chùa Cầu. Họ là những người Hội An đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, có người vẫn gắn bó với Chùa Cầu từ lúc được sinh ra cho đến tận bây giờ; có người, nay đã chuyển ra sinh sống ở ngoài khu phố cổ Hội An, thậm chí có người đang sống nơi xa xôi như Mỹ, Úc nhưng trong trí nhớ của họ, kỷ niệm về Chùa Cầu vẫn tươi nguyên.

Những cuộc đời bên hói Chùa Cầu

Thật may mắn và hữu duyên cho chúng tôi khi tiếp cận những vị cao niên – nguồn “tư liệu sống” quý giá về Chùa Cầu xưa bởi hầu hết họ đều ở tuổi ngoài tám mươi nhưng tinh thần vô cùng phấn chấn khi nghe hỏi về kỷ niệm gắn với di tích này. Ông Thái Tế Thông (Vĩnh Tân con), người Hội An thường gọi là ông Chảy (sinh năm 1931) kể cho chúng tôi nghe về hai gia đình ông Nguyễn Lang, Nguyễn Lạc nhiều năm sống ở mảnh đất sát bên hói Chùa Cầu.

Trong những năm chiến tranh chống Pháp, theo đường sông, họ chống hai chiếc ghe xuống Hội An tản cư. Gia tài không có gì ngoài hai chiếc ghe nhỏ bé và sức vóc đang ở thì trai tráng. Họ cắm ghe ở ngay khe nước Ồ Ồ. Những lúc trời mưa to, họ đẩy ghe vào gầm Chùa Cầu để trú. Ban đêm, họ ngủ trong lòng ghe, núp dưới gầm Chùa Cầu, ban ngày họ lên bờ làm thuê, làm mướn và đi bán dạo.

Ông Thái Tế Thông với những hồi ức về hai gia đình ông Nguyễn Lang, Nguyễn Lạc nhiều năm sống ở mảnh đất sát bên hói Chùa Cầu.

Hồi đó, ông Thái Tế Thông đã theo cha chụp ảnh nên thường mướn anh em ông Lang, ông Lạc chở đồ, vác đồ. Những năm 1950 – 1960 gia đình ông Thái Tế Thông thuê mướn hai anh em ông Lang nhiều nhất. Dần dần hai anh em sắm được cái xe bò đậu ở ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Thái Học gần nhà ông Thái Tế Thông, hàng ngày đứng chờ người trong phố kêu chở đồ. Công việc ngày càng gặp nhiều thuận lợi hơn, họ có vợ, cũng là những người phụ nữ làm thuê làm mướn và bán dạo ở phố. Hai gia đình với những đứa trẻ lần lượt nối nhau ra đời, lòng ghe không đủ chỗ ở. Gia đình ông Nguyễn Như Vũ ở trên đường Duy Tân (cũ) sát bên hông Chùa Cầu (nay là số 1 Nguyễn Thị Minh Khai) đã cho hai anh em ông Lang, ông Lạc mượn mảnh đất trống ở sát bên hói Chùa Cầu dựng nhà tạm để sinh sống.

Ngoài việc làm thuê kiếm sống, ông Lang rất hay giúp đỡ người khác. Những người đi qua Chùa Cầu sơ ý làm rớt đồ, ổng cũng lặn xuống mò giúp. Ông Thái Tế Thông kể một lần ông Lang được người ta cậy nhờ lặn xuống dưới Chùa Cầu để vớt giúp món đồ lỡ đánh rơi. Món đồ đó tuy nhỏ nhưng có giá trị rất lớn nên ông Lang quyết tâm lặn sâu tìm cho kỳ được. Ngày hôm sau, ông Lang gọi ông lại, kể: “Hôm qua lặn sâu dưới đáy, tôi thấy dưới chân mấy cây trụ đá Chùa Cầu rất nhiều gỗ lim, nguyên khối, dày đến mấy gang tay”. Đặc tính của gỗ lim là cứng, nặng, khi chìm hẳn dưới nước, gỗ lim sẽ cứng như sắt. Có lẽ bởi vậy, khi làm cầu, người xưa đã dùng loại gỗ quý này để làm đế, tạo sự vững chãi cho các cây trụ đá những mong cây cầu bền vững với thời gian chăng?

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn dưới thời vua Tự Đức (1847 - 1883) chép rằng: “Cầu ở xã Cẩm Phô về phía tây phố Hội An, huyện Diên Phước, nước khe chảy về phía Nam đổ vào sông Cái, cầu bắc ở trên. Tương truyền cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm bảy gian lợp ngói.”. Ảnh: TL

Ông Thái Tế Thông nhắc tên, tuổi của cô Hoàng - một trong số những người con ông Lang. Theo chỉ dẫn của ông, tôi đi tìm cô Hoàng – người từng gắn bó hơn nửa cuộc đời với việc đổi nước ở chợ Hội An. Cô đã chuyển nhà nhưng một người hàng xóm cũ nhiệt tình chạy xe máy đi trước dẫn đường để rồi, sau một hồi vòng vèo qua những ngõ ngách nhỏ, tôi cũng đến được ngôi nhà mới của cô Hoàng – con gái ông Lang.

Cô Nguyễn Thị Hoàng sinh năm 1954 là một trong 6 người con của ông Nguyễn Lang. Theo lời kể của cô, gia đình ông Vũ cho nhà cô và nhà ông Lạc ở nhờ dễ chừng đến hơn 10 năm trên vạt đất nhỏ - giữa một bên sát hói Chùa Cầu, một bên là bức tường sát bên hông ngôi nhà của gia đình ông Vũ. Hàng ngày, mấy chị em cô tự chơi với nhau và làm việc nhà đỡ đần ba mẹ chứ không mấy khi được vui đùa cùng những trẻ xung quanh xóm Chùa Cầu. Có lẽ, do buồn và rảnh rỗi thành thử cô Hoàng hay quan sát xung quanh và nhớ được nhiều chuyện thời thơ ấu. Cô nhớ, hồi đó trên Chùa Cầu có bà Cai Dé, bà nuôi rất nhiều mèo. Không nghe ai nhắc đến chuyện chồng, con của bà. Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyên Ngọc: “Thời đó, “cai” là một chức trong quân đội, tương đương với chức tiểu đội”. Như vậy, phải chăng bà Cai Dé có mối quan hệ vợ chồng hoặc mẹ con với một ông cai nào đó?

Từ phải: Cô Hoàng, anh em ông Vũ - cô Thảo trên vạt đất sát nhà ông Vũ bên hói Chùa Cầu.

Cũng theo trí nhớ của nhà văn Nguyên Ngọc, trong kiệt gần nhà ông Cửu Cang có ông Cai Chưởng, sau lên chức Đội Chưởng, là chỉ huy trong đội lính tập. Chúng tôi không nghe những người Hội An “xưa nay hiếm” nhắc đến mối quan hệ của ông Cai Chưởng với bà Cai Dé, thay vào đó, hầu như mọi người đều nói chỉ thấy bà Cai Dé sống một mình, không ai biết nhà bà ở đâu.

Bà Cai Dé ban ngày coi sóc Chùa Cầu, tính bà rất kỹ dĩ, chỉn chu, ban đêm bà ngủ ở phía hậu tẩm của gian thờ ngài Bắc Đế Trấn Võ. Bà Cai Dé cưng mèo như con. Bầy mèo đông nhưng mỗi con được ăn trong từng cái chén riêng, chúng được ngủ cùng với bà. Cũng có lúc chúng chạy đi chơi, bà tìm, gọi “meo, meo ơi về ăn cơm” nhìn thấy rất thương. Sau này, ngoài việc coi sóc chùa, bà Cai Dé còn ngồi bán một số hàng quà vặt ngay chỗ Chùa Cầu cho trẻ con và khách nơi khác đến chơi, vãn cảnh. Cũng có lúc bà Cai Dé làm nền cho những người khách từ Sài Gòn ra Hội An dạo chơi chụp ảnh giống như ngày nay du khách thường chụp ảnh những người bán hàng rong khi đi trên phố.

Ông Vũ nói, bà Cai Dé khi đó được Ty Xã hội của chế độ cũ thuê trông coi Chùa Cầu, được nhận lương. Ông Nguyễn Lang, ba của cô Hoàng cũng có lúc được bà Cai Dé thuê quét dọn chùa và ông thường chạy đi tìm bà về nhận lễ vật dâng cúng của những người đến thắp hương tại Chùa Cầu. Người dân xung quanh đến thắp hương ở ban thờ ngài Bắc Đế Trấn Võ trong miếu thờ và ở tượng chó, tượng khỉ hai bên đầu cầu vào ngày rằm, mùng một. Trẻ con xung quanh xóm Chùa Cầu chơi trốn tìm hoặc rượt đuổi nhau ở trên, trong cầu chứ không ai dám bước chân vào khu vực thờ Thần Bắc Đế Trấn Võ, dù gian miếu thờ và cầu liền kề nhau, chỉ cách một ngạch cửa.

Chùa Cầu được xem là linh hồn của phố Hội, gắn với ký ức đông đảo thị dân Hội An. Ảnh: Báo Quảng Nam

Theo ông Võ Lộ (sinh năm 1954), vào khoảng những năm 1960-1970, ông có một thời gian dài sống ở nhà dì trên đường Duy Tân (cũ), nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, trong số nhiều người mưu sinh gần Chùa Cầu, ông ấn tượng nhất với bà Cai Dé. Ông kể, dáng bà nhỏ con, người ốm, cổ hơi nghinh một bên. Như thường lệ, ngày rằm, mồng một bà Cai Dé hay cúng vào ban đêm. Năm 1970-1971 nhà dì ông lúc đó có “năm ông đực rựa” ban đêm tập trung học chung để chuẩn bị thi tú tài: ông Võ Lộ, Lê N. H., Lê Th., Ngô Tr., TQH. Vào những ngày Rằm, mùng một, trước giờ giới nghiêm, ông cùng chúng bạn hay rảo một vòng quanh đường Cường Để (nay là đường Trần Phú), Lê Lợi, Nguyễn Thái Học... đôi khi tới tận đường Nguyễn Duy Hiệu, khi quay về thấy bà Cai Dé đang cúng, các ông bàn nhau lấy cắp bánh, chuối cúng để chọc bà.

Ông Lộ kể: “Cái khó là năm thằng bọn tôi ngủ trên tầng hai, xuống mở cửa sợ mọi người phát hiện. Chỉ còn cách mở cửa trên lầu hai theo cây cột hiên tụt xuống. Bàn nhau là làm liền, cứ đến ngày rằm, mùng một đứng trên ban công nhìn xuống Chùa Cầu thấy hương đèn sáng là bọn tôi tụt xuống đứng núp ngay bức tường Chùa Cầu, canh bà vừa vào trong thắp hương tụi tôi bò xuống núp ngay mâm cúng. Khi bà quỳ xuống lạy, bọn tôi bợ liền dĩa bánh, nải chuối đem đi. Lúc bà phát hiện thì chúng tôi đã ở ban công rồi. Cả xóm nghe bà chửi nhưng chẳng biết bà chửi chuyện chi. Lâu rồi cũng thành quen với tiếng chửi của bà nên chẳng còn ai để ý. Nó giống như một chuyện thường của ngày rằm, mồng một”.

Ông Võ Lộ xa Hội An từ 1972, đến năm 1974 ông quay về xóm Chùa Cầu vẫn còn thấy bà Cai Dé còn ở đó. Ông hỏi thăm bà và có biếu bà năm trăm đồng, những mong đền bù thiệt hại cho những trò quậy phá tuổi học trò xưa kia. Cũng trong lần trở về xóm Chùa Cầu ấy, ông nghe Chiến, một người bạn học của ông ở gần Chùa Cầu bảo “từ ngày bọn mi rời xóm Chùa Cầu, bà Cai Dé không còn chửi khi ngày rằm, mùng một nữa”. Cũng như nhiều người bạn cùng thời ở xóm Chùa Cầu, sau năm 1975, ông Võ Lộ không biết bà Cai Dé lưu lạc về đâu.

Đến nay, Chùa Cầu đã trải qua nhiều đợt tu bổ lớn. Ảnh: VNGoldenGate

Ông Trần Thanh Bình (sinh năm 1954), nhà ở trên đường Duy Tân (cũ) sát bên cạnh Chùa Cầu (nay là số 2 Nguyễn Thị Minh Khai) kể rằng trước đây, Chùa Cầu là nơi nhiều người bán hàng rong dừng chân nghỉ ngơi sau một chặng đường dài mỏi chân, mỏi vai vì gánh nặng. Cũng theo lời bà Hương (sinh năm 1953, trước đây ở Xóm Dinh, nay bà và chồng là ông Lê Chước đã ra đường Trần Văn Dư, phường Tân An cư trú), trên Chùa Cầu thường có bà Cây bán mì gánh. Mì của bà Cây là mì sứa, ngon nổi tiếng. Những người ở xung quanh xóm Chùa Cầu và xóm Dinh thường canh giờ bà Cây gánh gánh mì ngồi nghỉ chân ở Chùa Cầu để bưng tô ra mua. Nhiều hôm, bà Cây ngồi nghỉ ở Chùa Cầu mà bán hết gánh mì. Kể như vậy, đủ biết mì sứa bà Cây ngon đến mức nào. Nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa có thông tin thêm về bà và con cháu của bà Cây. Những người phố Hội xưa kể rằng bà Cây không phải người trong phố, họ nói có thể nhà bà ở Cẩm Phô đi lên phía trên nữa.

Chùa Cầu trước đây cũng là nơi nhiều người khùng, điên hay lảng vảng. Hồi đó có ông Mỳ điên, thường lượm đồ sống để ăn, đêm đêm có khi những người điên và vô gia cư còn ngủ ngay trên Chùa Cầu. Bọn trẻ con cùng lứa ông Bình vừa sợ vừa thích chọc giỡn những người điên. Nhưng những người điên ấy chỉ lảng vảng phía bên ngoài Chùa Cầu vì bà Cai Dé rất kỹ tính, không một người điên nào dám bén mảng vào khu vực gian thờ.

Chuyện những ông thầy bói

Gần Chùa Cầu ngày nay còn ông Phan A (chồng bà Gái bán bún ở gần Chùa Cầu) và ông Trần Tiến Tâm (anh ruột của ông Trần Thanh Bình) đều sinh vào những năm 1947 - 1948. Theo lời kể của hai ông và cô Hoàng, hồi trước ở Chùa Cầu có ông thầy bói tên là “ông Đoài”. Ông ngồi gần Chùa Cầu coi bói (thi thoảng có vợ ông, tên là Miên đi cùng). Khách coi bói của ông Đoài là những người từ nơi khác về Hội An. Trong lúc đến vãn cảnh ở Chùa Cầu, họ nhờ ông coi bói. Ông Đoài không phải người trong phố. Hàng ngày ông vào phố, ngồi trước Chùa Cầu hành nghề, tối ông về nhà. Không ai biết chính xác nhà ông ở đâu. Khi chúng tôi tìm được nhà ông ở trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Tân An thì ông bà đã mất, người con trai của ông bà tên là Tôn Thất Hát (người Hội An hay gọi là Nhi Mã Tà) cũng vừa qua đời tháng 9.2021.

Hình ảnh Chùa Cầu lung linh. Ảnh: Hồng Hoàng Sơn/Tuổi Trẻ

Theo giới thiệu của ông Vũ, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Chước (sinh năm 1948). Ông Chước ở trên đường Duy Tân (cũ) gần Chùa Cầu (nay là nhà số 5 Nguyễn Thị Minh Khai) từ lúc được sinh ra cho đến vài năm gần đây, khi mẹ ông chuyển nhượng căn nhà, gia đình ông chuyển ra sống ở phường Tân An. Theo lời kể của ông, bên cạnh ông thầy Đoài còn một ông thầy bói tên là Hải Hà. Ông Hải Hà mặc áo sơ mi, có một đặc điểm dễ nhận ra đó là lỗ mũi bị trịt xuống. Ông Thái Tế Thông kể ngoài những lúc ngồi ở bên Chùa Cầu, ông thầy bói này cũng hay đi dạo quanh các ngả đường trong phố. Cũng theo lời ông Thông, hồi đó, trẻ con trong phố vừa sợ vừa thích trêu chọc nên thấy ông từ xa, chúng hò nhau đọc câu vè: “Trùm trịt lỗ mũi thối hinh/ Dán giấy nhật trình đi cùng khắp phố”.

Ông Hải Hà thường dùng một miếng giấy để che khiếm khuyết ở mũi. Nhờ đặc điểm này, vào những năm 1968 – 1972, lúc học Văn khoa ở Sài Gòn, ông Lê Chước nhìn thấy ông Hải Hà ở đường Hàm Nghi khi đang hành nghề bói bên đường và nhận ra ngay. Ngoài ông Đoài và ông Hải Hà, lúc đó ở Chùa Cầu còn một ông thầy bói mù đã già, ông này hay mặc áo dài đen ngồi gần bên ông Đoài. Ông Chước kể, hồi đó ông thầy bói này đã lớn tuổi, thường mang theo cái tráp, ông ấy coi bói bằng cuốn sách viết bằng chữ Nho. Ông Chước học Văn khoa Sài Gòn nhưng đam mê chữ Nho và triết học phương Đông nên hay để ý đến ông thầy bói mặc áo dài đen. Trong một lần từ Sài Gòn về quê, ông Chước mua tặng cho ông thầy bói một cuốn sách được viết bằng chữ Nho. Dù tặng sách, ông Chước vẫn không dám hỏi tên ông thầy bói.

Vợ chồng ông Chước, bà Hương là hai nguồn “tư liệu sống” về Chùa Cầu.

Chị Hương vợ ông Chước, sinh năm 1953, là người xóm Dinh gần xóm Chùa Cầu kể “tụi nhỏ bọn chị chỉ dám đứng xa ngó chứ đâu dám lại gần ông ấy”. Theo lời ông Chước, nhiều hôm, cùng lúc ở Chùa Cầu có cả 3 ông thầy bói ngồi coi: Ông Đoài, ông Hải Hà và ông thầy bói mặc áo dài đen. Khách coi bói là những người thập phương như người Sài Gòn ra Hội An chơi, người trên Gò Nổi, Lai Nghi… xuống phố thăm bà con, mua sắm rồi ghé Chùa Cầu vãn cảnh, coi bói. Khách của ông thầy nào, ông thầy ấy coi, chưa khi nào ông Chước thấy chuyện xích mích hoặc nói qua nói lại giữa ba ông thầy bói. Thậm chí, các ông thầy bói có khi còn giỡn với nhau như trong câu chuyện mà ông Chước thường chứng kiến: Ông thầy mặc áo dài đen coi về bát quái nên hay nói “Càn – Khảm – Cấn – Chấn – Tốn – Ly – Khôn – Đoài”… với khách. Ông thầy bói tên Đoài nghe thấy vậy liền giỡn: “Răng ngày nào ông cũng réo tên tôi ra hoài vậy?”.

Đến nay chúng tôi chỉ mới tiếp cận được tấm ảnh đen trắng của gia đình ông Thái Tế Thông về hai ông thầy bói ngồi trước cổng Chùa Ông chứ chưa thấy hình ảnh nào về những ông thầy bói ngồi coi bói ở Chùa Cầu. Tuy nhiên, ngay cả những người Hội An được sinh trong thập niên 60 của thế kỷ XX cũng từng nhìn thấy họ ngồi bên Chùa Cầu và những câu chuyện, như đã kể ở trên, vẫn còn sâu đậm trong ký ức của lớp người sinh vào thập niên 40 – 50 của thế kỷ XX.

Quang cảnh xưa và những câu chuyện về hiện vật

Nhà văn Nguyên Ngọc (sinh năm 1932), thuở nhỏ học ở trường Viên Minh, ông cùng chúng bạn thường đi qua Chùa Cầu. Ông nói, hồi đó không có điều kiện so sánh với những nơi khác nên không thấy cầu có gì đặc biệt nhưng ông biết Chùa Cầu và Chùa Âm Bổn rất quan trọng, như để định vị, giới hạn về phạm vi khu phố trong câu nói của người dân Hội An: “Thượng Chùa Cầu, hạ Âm Bổn”. Tháng 12.1946 ông Nguyên Ngọc rời Hội An đi kháng chiến, lúc đó chưa thấy bãi bồi An Hội, từ Chùa Cầu, nhìn ra sông Thu Bồn rộng mênh mông đến tận Kim Bồng. Đến năm 1975 ông trở về Hội An thì đã thấy bãi bồi An Hội rộng lớn như ngày nay. Chứng tỏ, trong vòng 29 năm đó, sông Thu Bồn đã bồi rất nhiều, rất nhanh.

Phía sau Chùa Cầu, trong mảnh vườn nhà ông Trần Tiến Tâm trồng mấy cây dừa, ngọn cây lên cao hơn mái Chùa Cầu, rủ lá xuống mái Chùa trông rất thơ mộng. Ở miếng đất sát hói Chùa Cầu, gia đình ông Vũ trồng một cây long não rất lớn, gần đó có trồng hai bụi trúc. Cây long não giờ chỉ còn trong ký ức của ông Vũ, cô Hoàng. Sát bên hói Chùa Cầu có những bậc cấp làm bằng đá rất đẹp. Gia đình ông Lang thường xuống hói bằng những bậc cấp ấy để giặt sơ áo quần rồi mới mang lên bờ giặt lại bằng nước giếng.

Ngày đó, chưa có nước máy, hầu hết mọi người dùng nước giếng nên thường rửa, giặt sơ đồ đạc dưới sông sau đó mới dùng nước giếng giặt lại. Nước dưới chân Chùa Cầu khi trong, khi đục tùy theo mùa. Những khi nước trong, ông Vũ và chúng bạn có thể nhìn thấy rõ những con cá lia thia bơi lội, thấy cả những viên sỏi, đá dưới lòng kênh khi con nước cạn. Ông Vũ cùng các bạn ở xóm Chùa Cầu thường lội xuống bắt cá lia thia về chơi trò chọi cá.

Tác giả trong gian miếu thờ Bắc Đế Trấn Võ ở Chùa Cầu. Bức tượng được tạc bởi cha con nghệ nhân Huỳnh Ri, Huỳnh Sướng. Ảnh: CTV

Mỗi mùa lụt, khi nước sông dâng lên vạt đất sát hói Chùa Cầu, gia đình ông Lang, ông Lạc rời ngôi nhà tạm để lên trú trên Chùa Cầu. Lụt năm Thìn 1964, nước dâng cao, từ tầng hai ngôi nhà Phùng Hưng trên đường Duy Tân (cũ) - nay là số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, những người dân nhìn xuống thấy nước mênh mang, chỉ lòi ra cái mái của Chùa Cầu. Khi ấy, gia đình ông Lang, ông Lạc phải di tản đến nơi cao hơn, xa hơn tránh lụt.

Theo lời kể của ông Thái Tế Thông, trận lụt lịch sử ấy cuốn trôi tượng con chó ở đầu Chùa Cầu. Chừng hai ba năm sau trận lụt, một người Hội An có xe ô tô chuyên đi bỏ bánh mì cho các đồn Mỹ kể với ông rằng họ đã trông thấy tượng con chó ở đồn Mỹ trên Quế Sơn. Bọn Mỹ cho tượng con chó mặc áo, đội mũ của lính thủy quân lục chiến để ngồi dưới gốc trụ cờ trên đồn. Ông Thông nghĩ, nước lụt thì tượng phải trôi xuống chứ sao lại ngược lên trên (?). Nhưng sau ông suy đoán, có lẽ bọn Mỹ vớt được tượng ở vùng hạ lưu, thấy lạ và thích cộng với tính hiếu kỳ nên khi dời đơn vị, chúng mang theo như một món đồ chơi. Ông bàn với bạn tìm cách lấy lại tượng con chó: Hôm đó, ông Thông mặc đồ lính, rủ thêm một người nữa đi cùng. Lên đến đồn Mỹ, ông đứng nói chuyện với người đi cùng để đánh lạc hướng chú ý của tụi lính. Trong lúc đó, người lái xe nhanh chóng ôm tượng con chó bỏ lên xe rồi tất cả cùng chạy về Hội An.

Bức tượng con chó dường có sức mạnh thu hút sự tò mò của những người lính ngoại quốc cho nên, vào những năm sau này – theo lời kể của ông Võ Lộ - trong một trận lụt sơ (lụt nhỏ), lính Đại Hàn khi chạy xe ô tô ngang qua Chùa Cầu đã lấy bức tượng chó. Ông Hà Rê (hiện đang sống ở trên đường Bạch Đằng) đã cùng một người khác (giờ đang định cư ở Mỹ) lái ô tô lên đồn lính lấy lại được bức tượng. Nhờ đó, nhiều năm sau, ngành văn hóa của Hội An có cơ sở để tìm thợ lành nghề từ miền Bắc vào tạc lại một tượng chó theo nguyên mẫu. Ông Thái Tế Thông nhớ lại: “Hai người thợ đó từ Hà Nam vào, họ còn rất trẻ nhưng tay nghề cao đến mức tạc lại tượng mà trông bản sao giống y như bản gốc”.

Cũng do ảnh hưởng của những trận lũ lụt, tháng 7.1986, bức tượng Bắc Đế Trấn Võ nguyên gốc của Chùa Cầu đã bị hư hại nhiều và được mang về Bảo tàng Hội An trưng bày trong điều kiện đảm bảo tốt nhất cho hiện vật. Sau này, hai cha con nghệ nhân Huỳnh Ri, Huỳnh Sướng đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) mời tạc một pho tượng Bắc Đế Trấn Võ thay thế cho bức tượng cũ để thờ trong gian miếu. Anh Huỳnh Sướng khi được cùng cha tạc pho tượng này còn khá trẻ. Được cùng cha tạc pho tượng Bắc Đế Trấn Võ - chủ thể tâm linh của một công trình giá trị đặc biệt, anh Huỳnh Sướng cảm thấy rất tự hào.

Chùa Cầu luôn là một trong những địa chỉ thu hút du khách nhất khi tới Hội An. Ảnh tư liệu: Trung Dũng

Bức tượng được hoàn thành sau khoảng gần một tháng. Suốt quá trình tạc pho tượng anh thực hành ăn chay và giữ tâm thanh tịnh. Cuối cùng, pho tượng Bắc Đế Trấn Võ đã hoàn thành với vẻ trang nghiêm, uy nghi nhưng nhìn sâu và kỹ vào bức tượng sẽ cảm nhận được sự gần gũi, nhân từ. Bức tượng ấy hiện đang được thờ ở gian miếu trong Chùa Cầu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tìm ra thông tin về hai nghệ nhân trẻ người miền Bắc từng phục chế tượng con chó ở đầu cầu. Chúng tôi mong muốn thông qua bài viết này, có thể sẽ nhận được thông tin về họ.

Trải bao biến động của chiến tranh, của thời gian và những ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, không chỉ những hiện vật của Chùa Cầu bị hư hại mà công trình đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Những tư liệu hiện còn cho biết, đến nay Chùa Cầu đã được cộng đồng cư dân Hội An tu bổ lớn ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1815, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996. Những lớp người xưa ở Hội An cũng lần lượt ra đi, mang theo nhiều câu chuyện ký ức về Chùa Cầu chưa kịp kể.

Trong phạm vi bài viết này, do chưa gặp được hết những vị cao niên từng sinh sống ở xóm Chùa Cầu xưa nên đâu đó vẫn còn rất nhiều câu chuyện, ký ức khác về Chùa Cầu mà chúng tôi chưa được tiếp cận. Đó là những mảnh ghép ký ức lấp lánh, quý giá sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn, thu hút của Chùa Cầu vẫn chưa được tìm, được kể. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được những bổ sung, đóng góp của quý vị độc giả và cộng đồng Hội An về những ký ức gắn với Chùa Cầu để làm đầy thêm nguồn “tư liệu sống” về di tích được liệt hạng quốc gia vào đầu thế kỷ XX và không ngừng được thế giới đánh giá cao cho đến tận ngày nay.

Hơn 20 tỷ đồng tu bổ di tích Chùa Cầu

UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án tu bổ di tích Chùa Cầu với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng (ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách thành phố Hội An bố trí 50%). Thời gian thực hiện là năm 2021 - 2023.

Dự án sẽ bắt đầu vào khoảng quý III.2022. Dự kiến ngày 26.3 diễn ra lễ ký kết hỗ trợ nguồn nhân lực và kỹ thuật tu bổ Chùa Cầu giữa Nhật Bản với Hội An.

Một số tài liệu cho biết, Chùa Cầu được các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, nên còn được gọi là cầu Nhật Bản. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đã đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa “Cầu đón khách phương xa”.

Anh Tân

Bài và ảnh: Khiếu Thị Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét