14 thg 6, 2022

Hoang sơ núi Bể

Rừng tràm bạt ngàn dưới chân núi Bể thuộc huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Luân

Tham quan ngôi nhà trên cây cổ thụ, khám phá thác Cam Ly, hang Dơi, hầm cá Lăng, bắt cua đá trên núi Bể và tận hưởng thiên nhiên trong lành, mát mẻ chốn rừng núi hoang sơ là những trải nghiệm khó quên khi đi “phượt” đến ngọn núi này.

Núi Bể cao 570m so với mực nước biển, thuộc địa phận huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và giáp ranh với huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 170km. Từ TP.HCM đi về hướng Đông theo quốc lộ 51 qua địa phận các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, đến địa phận huyện Xuyên Mộc thì đi theo đường tỉnh lộ 329 để đến núi Bể. Một đường khác là từ thị xã Lagi (tỉnh Bình Thuận) theo quốc lộ 55 về phía Bắc tới Suối nước nóng Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) thì hỏi thăm người dân địa phương đường vô núi Bể, cách đó khoảng 30km nữa.




Nên đi bằng xe máy để di chuyển đến ngọn núi này vì các con đường dưới chân núi là đường rừng ngoằn ngoèo, nhiều dốc đá và con suối. Núi Bể còn khá mới lạ trong bản đồ du lịch địa phương bởi đây là vùng núi thuộc khu vực có chức năng khôi phục và bảo vệ rừng của địa phương, còn khá hoang sơ với địa hình hiểm trở, còn nhiều cây thứ sinh, đá voi, đá tảng, nhiều hang động nhỏ và thác nước, phía dưới chân núi là cánh rừng tràm bạt ngàn thuộc công ty Lâm nghiệp Hàm Tân quản lý. Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ và những người yêu thích du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm từ nhiều nơi tìm đến chinh phục ngọn núi này.

Trong một lần đi du lịch ở Bình Thuận, chúng tôi đã có dịp chinh phục ngọn núi con nhiều bí ẩn này. Do không rành đường, chúng tôi được ông Minh Hiền, một nông dân ở địa phương dẫn đoàn chúng tôi đi khám phá ngọn núi này. Trước khi tới núi Bể, trên đường đi chúng tôi có đi ngang một chòi gác trên cây cầy cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm. Chòi gác này được làm bằng khung thép kết hợp với cây gỗ rất chắc chắn, cao 22m, thuộc Chốt Kiểm lâm Suối Dứa, có chức năng dùng để trực gác từ trên cao đề phòng cháy rừng vào mùa nắng. Các thành viên đang trực ở chòi gác khi chúng tôi đến cho biết, nhiều người dân và khách vãng lai đi ngang đây đều trầm trồ thích thú quay phim chụp ảnh chòi gác này, và được mời lên chòi trải nghiệm cảm giác sống trong ngôi nhà trên cây.

Rời chòi gác, chúng tôi đến chân núi Bể và gửi xe máy ở một nhà dân làm rẫy để tiếp tục đi bộ lên đỉnh núi. Mục tiêu của chúng tôi trong chuyến đi “phượt” lần này là khám phá thác Cam Ly và hang Dơi trên núi. Để đến được con thác, chúng tôi phải đi theo lối mòn dọc theo con thác. Đang vào mùa nắng, lượng nước trên thác đã giảm nên nhiều đoạn có thể đi dưới lòng thác với những hòn đá nhiều hình thù kì lạ nhập nhô. Đường lên thác nhiều cây gai và đá nhọn rất khó đi, đòi hỏi người leo núi phải có sức khỏe và thật cẩn thận. Thác nước này bắt nguồn từ trên đỉnh núi Bể và chia ra làm ba tầng thác, tầng thứ 3 ở trên cùng được cho là đẹp nhất vì lượng nước nhiều và đá núi to phẳng rất đẹp mắt. Nước ở trên thác mát lạnh và trong veo, chúng tôi nghỉ mệt khi lên tới thác trước khi hòa mình tắm dưới dòng nước đang tung bọt trắng xóa, tận hướng cảm giác mát lành mà thiên nhiên ban tặng. Chúng tôi còn bắt được những con cua đá nằm lẫn dưới những tảng đá lớn nhỏ - một đặc sản của núi rừng nơi đây. Theo nhiều người dân sống dưới chân núi, thì có nhiều nhóm bạn trẻ mang theo thức ăn, đồ uống lên thác tổ chức nướng đồ ăn và cắm trại ngủ lại qua đêm, trải nghiệm cảm giác sống giữa núi rừng hoang sơ vắng lặng.






Anh Lê Cao Tùng, một dân phượt từ Hải Dương đã chinh phục núi Bể và tham gia trải nghiệm thu hoạch chuối với các hộ trồng chuối dưới chân núi. Ảnh: Sơn Nghĩa Cũng trên cung đường lên thác, chúng tôi tìm đến hang Dơi, là nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi núi. Đây là những hang đá có cửa hang nằm lộ thiên và khi vào sâu bên trong có rất nhiều ngõ ngách cũng như kích cỡ hang lớn nhỏ khác nhau. Trong đó có một hang rất rộng, có nhiều ngõ ngách và lối thông ra, đi vô trong hang phải dùng đèn chiếu sáng mới thấy đường di chuyển. Nhiều người bản địa vào mùa nắng sẽ đem xe vào múc phân dơi chở về bón cho cây trồng vì lượng phân dơi thải ra trong hang rất nhiều.

Chúng tôi ra lại cửa hang Dơi thì trời cũng đã tối. Quay về nhà dân dưới chân núi, chúng tôi được chủ nhà mời ở lại qua đêm. Đêm xuống, mọi người quay quần bên ánh lửa cháy bập bùng, cùng ăn uống những món ăn đơn sơ nhưng thấm đậm tình nghĩa núi rừng, cùng giao lưu văn nghệ hay chia sẻ những câu chuyện ấn tượng trong cuộc sống, rồi ngủ thiếp đi trong trong lán trại. Chúng tôi dậy rất sớm vào sáng hôm sau, để ngắm bình minh trên núi và tận hưởng không khí trong lành của núi vào buổi sáng tinh sương, bên chén trà và những người bạn đồng hành, trước khi về lại điểm xuất phát.

Núi Bể còn khá hoang sơ và trong lành, một địa chỉ hấp dẫn cho những ai yêu thích du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá khi đến với vùng núi rừng Bình Thuận.

Núi Bể có nhiều điểm khám phá còn rất bí ẩn và hoang sơ, được người bản địa giới thiệu, có thể kể đến như: hầm cá Lăng, hang Dơi, thác Cam Ly; trong ảnh là một trong các hang Dơi trên núi Bể. Ảnh: Nguyễn Luân

Thực hiện: Sơn Nghĩa – Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét