7 thg 6, 2022

Nơi Hàn Mặc Tử sống lúc cuối đời

Làng phong Quy Hòa như tách biệt với bên ngoài, yên bình với tiếng sóng vỗ và bóng mát của những rặng phi lao cổ thụ.


Làng phong Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng, cách TP Quy Nhơn khoảng 7 km về phía Nam. Được xây dựng từ năm 1929, nay ngôi làng là bệnh viện điều trị bệnh phong - da liễu Quy Hòa. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã điều trị bệnh phong và qua đời tại làng năm 1940.

Khách vào làng phong Quy Hòa mua vé tham quan ở cổng giá 5.000 đồng một người, phí gửi xe từ 2.000 đồng. Đi từ cổng, bạn sẽ bắt gặp phù điêu người khắc khổ với dòng chữ "Nỗi đau của người mắc bệnh phong sẽ đi về dĩ vãng", lột tả nỗi khắc khổ về thể xác, dày vò về tinh thần của bệnh nhân phong trước sự xa lánh và kỳ thị của xã hội một thời.

Điểm dừng chân được nhiều người ghé thăm là nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử, căn phòng này trước kia là nơi nhà thơ sinh sống, điều trị bệnh phong và qua đời khi mới 28 tuổi. Vật dụng trong căn phòng vẫn được giữ nguyên, giường nhỏ, manh chiếu, tranh ảnh, bút tích... Căn phòng có 2 gian, phòng nhỏ có cửa sổ hướng ra biển Quy Hòa. Trước khi qua đời, thi sĩ vẫn thường ra biển ngắm cảnh và sáng tác thơ. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhịp sống ở làng phong Quy Hòa chậm rãi và nhẹ nhàng, người dân sống bằng đủ nghề buôn bán, bám biển. Thỉnh thoảng du khách sẽ gặp những người không trọn vẹn về thể xác, đi xe lăn, chống nạng... trên gương mặt nở nụ cười hiền hậu.

Ven biển là khu vực công viên Nhân Ái lúc nào cũng rợp bóng mát của những hàng phi lao cổ thụ.

Nơi này có cả một khu vườn tượng Danh nhân Y học Việt Nam và thế giới, ở chính giữa là tượng quả địa cầu. Dưới mỗi bức chân dung đều có ghi rõ họ tên, năm sinh - năm mất, quê quán và tóm tắt tiểu sử của danh nhân.

Biển Quy Hòa cát mịn, trong xanh. Nơi này cũng có một xóm chài nhỏ, từ đây du khách có thể nhìn rõ trung tâm TP Quy Nhơn đằng xa với những tòa nhà cao tầng.

Lưu ý từ tháng 10 đến tháng 3 Âm lịch, biển Quy Hòa có dòng nước xoáy nguy hiểm, khách không được tắm.

Các công trình tôn giáo như nhà thờ Quy Hòa, tu viện Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ vẫn giữ nguyên kiến trúc từ thời Pháp, có nét trầm mặc.

Huỳnh Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét