15 thg 6, 2022

Về bến Nhà Vuông thăm miếu Tiên sư

 

Đình, chùa, miếu, võ là những thiết chế văn hoá - tín ngưỡng ở Nam bộ xưa nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của cư dân từ những buổi đầu đi mở cõi. Trong đó, võ cũng gọi là võ Tiên sư, chính là miếu Tiên sư hay nhà vuông, một thiết chế quan trọng của làng xã xưa, vừa có chức năng hành chính, vừa có chức năng tín ngưỡng của lân ấp, phản ảnh sinh hoạt xã hội Nam bộ vào buổi đầu khẩn hoang.

Nhà vuông có chức năng là trạm thông tin, điểm canh, nơi họp dân, một thứ “công sở” của ấp. Do đó, nó thường được xây dựng nơi ngã ba, ngã tư, cạnh bờ sông, nơi thuận tiện giao thông. Nhà vuông còn là nơi làm lễ cầu an trong xóm, tống tiễn thần ôn hoàng dịch lệ vào đầu mùa viêm nhiệt; ngoài ra ở đây có thể làm nơi nghỉ cho khách bộ hành, ngồi chờ đỏ, xe, làm nơi hóng mát, tránh nắng.

Lễ cúng miếu Tiên sư diễn ra vào ngày 17 tháng giêng nông lịch hằng năm


Tiên sư thờ ở nhà vuông được hiểu là bậc thầy ngày trước của các nghề nói chung trong ấp, đồng thời người dân còn xem Tiên sư là vị thành hoàng, tiền hiền đã có công khai hoang, lập nên lân, ấp và dạy dân làm ăn sinh sống.

Vì nhiều lý do khác nhau như chiến tranh tàn phá, bị hư hại, sụp đổ qua thời gian nên số nhà vuông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn lại khả ít hoặc bị biến đổi về kiến trúc, đối tượng thờ tự hay chức năng ban đầu. Trăng Bàng là địa phương trong tỉnh còn nhiều dấu tích về nhà vuông, trong đó tiêu biểu nhất là nhà vuông (miếu Tiên sư) ở ấp Bình Quới, xã Phước Bình (trước khi sáp nhập địa giới hành chính, nhà vuông này thuộc xã cũ Bình Thạnh).


Miếu Tiên sư được dựng nên ở một ngã ba gần đó, có bến sông và chùa Linh Sơn mà dân gian vẫn quen gọi là chùa Cả Nhen. Do ở cạnh nhà vuông nên bến sông nơi đây được người dân gọi là “bến Nhà Vuông”, nối với sông Vàm Cỏ Đông.

Mặt bằng của miếu Tiên sư có hình vuông vức nên được gọi là nhà vuông, ban đầu được dựng bằng cột gỗ, mái lợp ngói có kết cấu theo kiểu tứ trụ, có 4 cột lớn ở chính giữa rồi phát triển rộng ra hai mái trước và hai chái hai bên, tổng cộng 16 cột, giống kiểu kiến trúc dinh, miễu phổ biến ở Nam bộ. Miếu có 5 ban thờ chính gồm có Tiên sư, Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiển và chiến sĩ trận vong.

“Minh niên xuân thủ kỳ an” hay theo lịch trình “xuân cầu thu báo” mà trong dân gian vẫn duy trì lệ cổ cúng Kỳ yên (cầu an) hay cúng đình, cúng miếu vào dịp mùa xuân. Nơi xã biên giới cánh Tây Trảng Bảng, ở bến Nhà Vuông hằng năm đều diễn ra lễ cúng miếu Tiên sư vào ngày 17 tháng giềng nông lịch, trước tưởng nhớ tiền nhân có công khẩn hoang lập ấp, sau cầu cho cư dân nơi đây năm mới an cư lạc nghiệp. Những năm chưa có dịch bệnh, nhà vuông đều cúng và đãi khách đến hơn 10 bàn. Đặc biệt, trong lễ cúng Tiên sư có phần cúng tổng ôn trước khi kết thúc lễ.

Ban hội miếu khiêng thuyền tống ôn ra bến Nhà Vuông

Trong ngày này, ngoài các ban thờ chính ở nhà vuông còn bảy thêm một bản trước sân để thực hiện nghi thức tống ôn. Ở ban thờ này có đặt 4 bài vị được viết trên giấy hồng đơn có nội dung “Cung thỉnh Hồng Hoàng Cao Các Linh Thần Bổn Cảnh Linh Thần Thổ Địa tại vị”, “Cung thỉnh Triệu Vương Hành Khiển Tam Thất Lục Phương Hàng Binh Chi Thần Khúc Tào Phán Quan tại vị”, “Cung thỉnh Ngũ Đạo Trường Sa Khao Binh Sĩ Tướng Âm Binh Chiến Sĩ tại vị”, “Cung thỉnh Chúa Hổ Sơn Lâm tại vị”.

Lễ vật cúng ở các ban thờ gồm có hương, hoa, đăng, trà, rượu, quả, trầu cau, bộ tam sên (thịt, tôm khô, trứng luộc), giấy tiền vàng bạc, mâm cơm canh, riêng ở ban thờ Tiên sư có 1 con heo quay, ban thờ tổng ôn có 1 con heo, vào những năm cúng nhỏ thì có bộ thủ, vĩ (đầu và đuôi heo) hay khi xưa người dân trong xóm nhà có nuôi trâu, heo hoặc gà, vịt thì mần mang đến cúng Tiên sư để trả lễ ông đã phủ hộ trong suốt một năm qua và cầu sự bình an, may mắn và sức khoẻ cho năm mới. Ngoài ra, còn có hai mâm cơm canh để cúng đất đai, binh gia, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn.

Đặc biệt, bên cạnh ban thờ tổng ôn có đặt một chiếc thuyền được làm bằng bè chuối, khung tre, dán giấy và trên thuyền có dán hình nhân binh sĩ. Trên thuyền có vẽ mắt, dán một biển kiểm soát, ở đầu mũi thuyền có gắn một trụ cờ và dùng giấy nhiều màu sặc sỡ để trang trí trên thuyền.

Các nghi thức cúng kiếng tại nhà vuông xưa nay đều do các thầy pháp trong vùng phụ trách chính. Hiện nay, do thầy pháp Lê Văn Tân (Út Tân) đã hơn 70 tuổi cúng. Ông được biết đến là vị thầy pháp “cao tay ấn” hay “sắc” tức là giỏi nhất trong vùng, ông là đời thứ 3 trong gia đình theo nghiệp này, nhà cũng ở cạnh bên nhà vuông.

Chiều ngày 16 tháng giêng, Ban Hội miếu cùng chẻ xôi và bà con trong xóm quây quần lại với nhau, sinh hoạt văn hoá tại nhà vuông. Qua sáng sớm ngày hôm sau là lễ cúng chính, khi lễ vật đã được bày biện sẵn, đúng 7 giờ, Ban Hội miếu đánh ba hồi trống, thầy pháp bước vào đứng trước bàn thờ Tiên sư gõ ba hồi mô sừng trâu rồi đại diện Ban Hội miếu và người dân cầu nguyện, thầy pháp gõ tiếp ba hồi mô sừng trâu rồi sang van vái ở các ban thờ khác.

Khi cúng xong các ban thờ trong miếu, thầy pháp sang ra cái bàn ngoài để cúng tổng ôn. Hình thức cúng cũng đơn giản và tương tự như ở các ban thờ khác, thầy pháp gõ ba hồi mõ rồi khấn tên các vị trong bài vị, thỉnh các ngải về ăn uống và phủ hộ cho bà con, bá tánh trong xóm ấp được mạnh giỏi, sau khi cầu nguyện, thầy pháp gõ ba hồi mõ, rồi cầm nhang khoán ở đầu chiếc thuyền, điểm nhãn cho mắt thuyền, mọi người lấy đồ cúng trên bàn tống ôn đặt vào thuyền với các thứ đồ ăn, bánh, trái cây, trầu, cau, gạo, muối... và tiền thật, còn vàng mã được hoá trước bàn cúng tổng ôn. Thuyền tổng ôn được khiêng ra bến Nhà Vuông cách 
đó không xa, để ghe chở thuyền tống ôn từ con rạch nhỏ này ra sông Vàm Cỏ Đông thả cho trôi về phía hạ lưu.

Ban hội miếu đưa thuyền tống ôn lên ghe, ra sông Vàm Cỏ Đông thả cho trôi về phía hạ lưu

Đây là dịp cầu an đầu năm của bà con trong ấp, với mong muốn một năm được sung túc, làm ăn thuận lợi, mọi nhà được bình an và tống đi những điều xui rủi, không may. Nghi thức tổng ôn này trong tâm thức người dân địa phương còn là dịp để khao binh tướng thuỷ quân đã hy sinh ở sông, biển.

Về bến Nhà Vuông thăm miếu Tiên sư, nhất là vào dịp cúng miếu, các vị cao niên thường ngồi kể lại những chuyện xưa cho người trẻ biết, ở nhà vuông trước đây mà nay thường gọi là miếu Tiên sư là nơi hội họp của ấp, khi xưa vào những năm không mưa, làng tổ chức thỉnh thầy pháp về làm khoa, ngồi nghinh từ nhà vuông đi kêu mưa hú gió ở các miếu, đỉnh. Đây cũng là nét đẹp ở miếu Tiên sư nơi bến Nhà Vuông nhằm giáo dục cho thế hệ tiếp nối về truyền thống, văn hoá- một cách học sử địa phương trong dân gian.

Bài, ảnh: PHÍ THÀNH PHÁT - Thiết kế: TƯỜNG VI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét