16 thg 6, 2022

Pháp chiếm Tây Ninh và câu chuyện về miếu thờ “ông Gốc” ở Thanh Điền

 

Sách Tây Ninh xưa của tác giả Huỳnh Minh (Nxb Thanh niên, tái bản năm 2001) có bài kể về miếu thờ ông Gốc - một vị anh hùng ẩn danh kháng Pháp (trang 58-60).
Chuyện rằng: “Vào thời kỳ quân Pháp chiếm lấy tỉnh Tây Ninh, quân ta bị thất trận, tản lạc tứ phía. Có một võ quan tên Nguyễn Phương Hồng từ đâu kéo đến một đoàn binh đóng tại ngọn rạch Cái Răng vào tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông thuộc về làng Thanh Điền (ấp Thanh Trung) để mai danh, chờ cơ hội phục thù…”.


Đọc đoạn này, có thể độc giả sẽ thấy có gì đó sai! Như tên vị võ quan ấy rõ ràng là Nguyễn Phương Hồng, đâu phải là ẩn danh. Và quan trọng nhất là cái tên rạch “Cái Răng” khiến ta dễ lầm lẫn với một vùng quê nào đó ở miền Tây. Như quận Cái Răng nay thuộc TP. Cần Thơ. Sự thật thế nào, bạn đọc tìm hiểu thêm thì sẽ rõ.

Thời kỳ quân Pháp chiếm tỉnh Tây Ninh? Thì đấy là vào năm 1861. Nghiên cứu về giai đoạn này trong sách “Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam", tác giả Dương Công Đức cho biết: Ngày 24.2.1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công đại đồn Chí Hoà. Quân đội triều Nguyễn do Nguyễn Tri Phương chỉ huy cầm cự được một ngày thì thành mất. Sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn cũng ghi lại vắn tắt diễn biến trận này, với: “Suốt 2 ngày đêm (từ đêm 14 đến ngày 16 (tháng 11 năm Tân Dậu) chống chọi không nổi rồi tan vỡ. Tán lý là Nguyễn Duy, tán tưởng là Tôn Thất Trí đều chết trận. Tổng thống quân vụ là Nguyễn Tri Phương cũng trúng đạn bị thương. Bèn cùng Tham tán Tôn Thất Cáp, Phạm Thế Hiển lui về đóng ở tỉnh tạm".


Tỉnh tạm ở đây trước tiên là Tây Ninh, sau chuyển qua Biên Hoà để tiện việc liên hệ với triều đình theo đường thiên lý Bắc Nam (nay là quốc lộ 1).

Theo sách trên, thì: “Khi đã đủ lực và đánh chiếm được Đại đồn Chí Hoà, Thuận Kiều, Tây Thái, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đưa quân theo đường sông Vàm Cỏ Đông tiến chiếm thành phủ Tây Ninh (nay là trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) và giao cho Đại uỷ Guys giữ. Quân Pháp cho tu sửa lại thành phủ Tây Ninh để làm căn cứ án ngữ bảo vệ và trú đóng lâu dài trên hành lang Tây Bắc của Gia Định thông sang Cao Miên". Sách “Cuộc viễn chinh Nam kỳ 1861" của Trung uý Hải quân Pháp- Leopold de Pallu đã chép lại sự kiện ấy là: “Thành Tây Ninh gần biên giới với Cao Miên được sửa chữa lại mở rộng thêm và trang bị thật mạnh súng ống và chiến cụ..". Sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 2005)", (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2001) cũng xác nhận sự kiện Tây Ninh bị chiếm đóng ngay từ năm 1861 chứ không phải đợi đến sau ngày 5.6.1862- ngày ký hoà ước giữa triều Nguyễn và quân Pháp như một số tư liệu về Tây Ninh đã viết, bằng một câu: “Sau đó trong thế thắng, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến ra các tỉnh miền Đông, chúng chiếm Trảng Bàng, Tây Ninh" (trang 25).




Đấy cũng là mở đầu cho những năm người dân Tây Ninh chịu nhiều đau thương mất mát.


Hồi ký của cụ Đốc phủ sứ Nguyễn Vạng Bửu (1853-1944), nguyên Tri phủ Tân An (nay là tỉnh Long An) quê ở An Tịnh, Trảng Bàng, có ghi lại đoạn này. Đấy là: “Năm 1861, người Pháp chiếm Trảng Bàng; sau khi đó thì nhơn dân đồ khổ vì ly loạn/ Một mặt người Pháp là tân trào. Một mặt đội quân An Nam là cựu trào, bên tân trào bắt đặng thì phạt nặng nề, có khi bị tịch thâu tài sản, có khi phạt cả xóm, dân chúng phải hùn tiền lại (nộp) phạt cho đủ số. Còn bên cựu trảo, các đội quản muốn ở nhà ai thì tới ở, chủ nhà phải nhường nhà đi chỗ khác, đợi họ đi rồi mới dám trở về. Họ đi tới đâu thì quyên tiền và mượn lúa tới đó./ Gom góp riết, nhơn dân suy sụp hết.. Hương chức trong làng không làm sao trị nổi họ, ban đêm thì làm cùng các đội quản cựu trào, ban ngày thi làm cùng với tân trào, nặng lo khó liệu cho họ quá..."

Chú ý rằng, cụ Vạng Bửu ghi lại hồi ký với tư cách là người đã phục vụ cho chính quyền thực dân lúc bấy giờ, nên không khỏi có những ý tử không hay về những nghĩa quân “đàng cựu" (cựu trào). Còn tình hình trên phủ Tây Ninh, dưới góc nhìn và ghi chép lại của cụ Nguyễn Hồng Phan - một cán bộ lão thành cách mạng huyện Châu Thành, qua lời kể của các cụ nội ngoại trong họ tộc, thì: “Nghĩa quân (tức binh lính đang cựu minh) chạy đến đâu là quy dân lập ấp đến đó. dùng vợ con, gia đình nghĩa quân làm liên lạc với đồng bào trong vùng Tây chiếm đóng để mua lương thực tiếp tế và lấy tin tức. Ít lâu sau, quân Pháp nhờ có người theo chúng dẫn đường đến bất thình lình đánh úp các đồn trại của quân ta.. Nghĩa quân bị tan rã, kẻ chết, người còn sống sót trốn thoát được. Giặc Pháp tàn ác, dã man, tàn sát nhân dân các làng ấp của ta. Chúng giết tất cả đàn bà con nít, bắn giết hết trầu bò nhà của lúa thóc của đồng bào. Nghĩa quân không còn người cầm đầu tan rã hết. Ít tháng sau, Pháp dò biết không còn ai chống chúng nữa, chúng ra lệnh chiêu an, cho phép nghĩa quân còn sống sót và gia đình nghĩa quân ở đâu thì được phép ở đó lo làm ăn, đừng làm giặc nữa.." (Lưu bút Nguyễn Hồng Phan (1913-1994), do Nguyễn Lạc Hồng biên soạn, năm 1995).


Tới đây, xin trở lại với câu chuyện của Huỳnh Minh sưu khảo được tại Thanh Điền: “Ông ẩn tích nơi đây đã lâu (rạch Cái Răng). Quân Pháp hay tin, đến vây đánh. Quân ta lương thảo ít, binh sĩ đói, ghe thuyền thiếu, trước mặt là sông. Phía sau binh giặc đuổi gấp. Túng thế, ông cho giải tán binh lính, truyền chôn giấu súng ống để khỏi rơi vào tay giặc. Hồ chôn súng hiện còn dấu tích, cạnh sông, cách rạch lối 20m, Giữa tình thế cấp bách, ông bèn chia lương thực cho binh sĩ, bảo họ về quê hoặc tìm chỗ ở lo làm ăn. Phần ông, ông gieo mình xuống nước huỷ mình tử tiết, không để cho giặc bắt, cái hy sinh của ông vì non nước muôn đời vẫn còn sáng chói…”.

Sau câu chuyện này, thì “ông Gốc” xuất hiện. “Ông" là “một gốc cây to trôi lờ đờ trên mặt nước.", về sau, nhiều người nằm mộng được thấy ông tỏ bày tự sự, nhân dân càng thêm kinh trọng. Từ đây, mới có miếu thờ “ông Gốc” nằm cặp mé bờ sông và vàm rạch bên bờ tả ngạn Vàm Cỏ Đông, thuộc ấp Thanh Trung.

Gần đây, khi được xem để góp ý cho một để cương kịch bản phim HTV dự kiến làm thấy có một tập mang tên “Rạch Cái Răng". Trước đây không lâu, cũng có tác giả viết về rạch Tây Ninh, nhưng với cái tên ngồ ngộ, mang chất miền Tây như đã kể, mới thấy sự cần thiết phải đính chính lại về địa danh này. Thực ra, ông Huỳnh Minh cũng không viết rạch Tây Ninh chính là “Cái Răng”. Ông chỉ viết là võ quan Nguyễn Phương Hồng dẫn binh tới tại ngọn rạch Cái Răng, vào tả ngạn sông mà thôi. Nhờ thêm một chi tiết là: "Sau này đến năm 1920, có người khách trú Hoa Kiều mua miếng đất nơi ấy để trồng mía và lập hãng đường”, nên chúng tôi mới tìm ra được. Thì nơi ấy cách cầu Gò Chai về phía thượng nguồn khoảng 500 m. Nghĩa là vàm rạch này cách vàm rạch Tây Ninh khoảng gần 1km. Vàm rạch Tây Ninh ở phía hạ lưu cầu Gò Chai. Vậy cái tên nào mới là tên chính xác? Ông Trương Văn Thuốc (Ba Thuốc), sinh năm 1935, ở ấp Thanh Trung cho biết, ông và bà con vẫn kêu là rạch Sai-Răng. Trên đường từ bến cũ phà Gò Chai men theo bờ sông tìm tới, hỏi thêm 2 người nông dân, Thì một người bảo đấy là Kha Răng, người khác nữa cũng kêu là Sai Răng. Có thể trong quá trình tìm hiểu câu chuyện ông Gốc, tác giả Huỳnh Minh ghi không chính xác lời kể, mà chép thành “Cái Răng"- một cái tên mà chưa người dân nào ở ấp Thanh Trung từng gọi.

Bài, ảnh: TRẦN VŨ - Đ.H.T - Thiết kế: TƯỜNG VI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét