23 thg 6, 2022

Đình làng An Thạnh: Nơi lưu giữ nét văn hóa xưa

Đình làng An Thạnh, ở thôn An Thạnh, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) có từ lâu đời, lưu giữ nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương qua nhiều thế hệ.

Theo lời kể của các bậc cao niên, đình làng An Thạnh được người dân địa phương góp tiền, của xây dựng cách đây hơn trăm năm trước, để thờ Thành hoàng, các vị thần cai quản làng và các bậc tiền nhân. Đình làng không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu của người dân, mà còn ghi dấu nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng từ thời xa xưa được lưu truyền cho đến ngày nay. Hằng năm, vào dịp tiết Thanh minh (tháng Ba âm lịch), người dân dọn vệ sinh, sửa sang lại khu vực đình làng, sắm sửa nhiều lễ vật để tổ chức lễ cúng, thể hiện lòng thành kính tri ân các vị thần và bậc tiền nhân đã có công dựng làng, lập ấp xưa kia.

Phía trước cổng đình làng An Thạnh có cây sộp hàng trăm năm tuổi. Ảnh: An Nhiên

Ông Phạm Kiệu (95 tuổi), ở thôn An Thạnh, là người chủ trì lễ cúng hằng năm tại đình làng An Thạnh cho biết, trước đây, mỗi lần thu hoạch mùa vụ xong là người dân 7 xã trong vùng tập trung về đình làng An Thạnh dâng lễ cúng, tỏ lòng thành tri ân các vị thần đã che chở, đem lại mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống ấm no. Thời đó, mỗi lần dâng lễ cúng là kèn trống nổi lên vang cả một vùng. Khuôn viên đình làng An Thạnh là một cụm kiến trúc gồm có ngôi đình lớn và miếu nhỏ, nhiều bia nằm rải rác trên triền đồi. Trên các bia đắp nổi những linh vật như rồng, cọp... tôn thêm sự linh thiêng tại ngôi đình. Đình làng được phân thành thượng đình và hạ đình. Phía trước đình có một cây sộp rất to, ước chừng hàng trăm tuổi.

Một văn bia cổ trong khuôn viên đình làng An Thạnh. Ảnh: An Nhiên

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đình làng An Thạnh là địa điểm liên lạc, trú ẩn của bộ đội và nhân dân. “Thời kháng chiến chống Mỹ, ngôi đình đã trở thành lớp học của trẻ con trong làng. Những năm 1967, 1968, ngày nào giặc Mỹ cũng càn quét khu vực quanh đình làng An Thạnh vì chúng nghi ngờ quân ta ẩn nấp ở đây", bà Phạm Thị Đào, ở thôn An Thạnh, kể lại.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình làng An Thạnh bị xuống cấp nghiêm trọng. Riêng ngôi đình lớn đã bị tàn phá, chỉ còn lại miếu và các văn bia. Người dân trong vùng đã quyên góp tiền của, công sức để trùng tu, sửa chữa lại phần miếu thờ trong đình làng. Đồng thời, xây dựng một nhà thờ bên cạnh ngôi đình đã bị tàn phá để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Nét kiến trúc xưa vẫn còn lưu giữ trên từng bia đá, miếu thờ ở đình làng An Thạnh. Hiện nay, tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh chạy ngang qua khu vực đình làng An Thạnh, tạo thuận lợi cho nhiều người đến tìm hiểu, nghiên cứu nét văn hóa, kiến trúc cổ xưa còn lại trên bia, miếu của đình làng An Thạnh. Người dân địa phương mong muốn ngành văn hóa, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư tôn tạo đình làng An Thạnh, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với đình làng.

AN NHIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét