29 thg 6, 2017

Về Bạc Liêu thăm cụ Sáu Lầu

Ông Cao văn Lầu (thường gọi là Sáu Lầu) sinh năm 1892 ở huyện Vàm Cỏ, Long An và mất năm 1976 tại TPHCM. Tuy nhiên năm lên 4 tuổi ông đã theo cha sống ở Bạc Liêu và gần như cả cuộc đời đã gắn bó với mảnh đất này. Hơn hết, tác phẩm Dạ cổ hoài lang bất hủ của ông đã ra đời tại đây. Vì vậy Bạc Liêu xem ông là người con yêu quý của quê hương.

Biểu tượng các loại nhạc cụ tại Khu Lưu niệm Nhạc sĩ Cao văn Lầu

Mộ ông Cao văn Lầu nằm tại phường 2, TP Bạc Liêu. Tại nơi đây, Bạc Liêu đã xây dựng thành Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đã được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1997. Năm 2014, sau khi UBND tỉnh Bạc Liêu xây dựng mở rộng khu lưu niệm này thì nơi đây đã được Bộ VHTT& DL công nhận là Di tích cấp Quốc gia.

Phần dưới đây là tui trích tư liệu từ UBND tỉnh Bạc Liêu để giới thiệu về Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Hình ảnh và chú thích ảnh là của tui.

Năm 2008, di tích được tu bổ một số hạng mục: Cổng Tam quan, nhà bao che khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu; nhà trưng bày bổ sung di tích; sân khấu ngoài trời và nhà đón tiếp khách, nhà bảo vệ di tích.

Khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu gồm 4 ngôi mộ: mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mộ bà Trần Thị Tấn – vợ của nhạc sĩ, mộ song thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu – ông Cao Văn Giỏi và bà Võ Thị Tài

Để tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng là cách để khẳng định Bạc Liêu là một trong những “chiếc nôi” đã hình thành và phát triển đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung. Ngày 29 tháng 10 năm 2013, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mở rộng Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Dự án có tổng mức đầu tư 71,799 tỷ đồng, quy mô và ý tưởng thiết kế như sau:

Dự án xây dựng trên nền đất cũ của khu lưu niệm, nay được mở rộng về hướng khu dân cư phường 2, thành phố Bạc Liêu. Tổng diện tích khu đất xây dựng các hạng mục công trình khoảng 12.500 m2 (phần mở rộng đến hơn 10.200 m2). Nhiều hạng mục được xây mới như: Cổng chính, hàng rào; nhà trưng bày về thân thế sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Nhà Trưng bày Đờn ca tài tử cải lương (được cải tạo lại); nhà sân khấu biểu diễn loại hình đờn ca tài tử; biểu tượng đàn kìm (phía dưới là khu hành chính làm việc của Ban quản lý di tích); tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc; nhà nghỉ chân cho du khách; căn tin và hệ thống cây xanh thảm cỏ; điện chiếu sáng; đài phun nước nghệ thuật…


Biểu tượng cây đờn kìm

Các khối công trình được tổ chức đối xứng qua một trục xuyên suốt tổng mặt bằng toàn khu:

  • Phía ngoài cổng chính bố trí bãi xe để thuận tiện cho khách tham quan
  • Qua cổng chính, hai bên trồng cổ thụ và hai công viên thoáng mát với hồ nước bố trí ở giữa kết hợp với ánh sáng nghệ thuật vào ban đêm
  • Tiếp theo là biểu tượng cây đàn kìm



Ngay bên biểu tượng đờn kìm là tượng ông Cao văn Lầu đang đánh đờn, sau lưng ông là bài Dạ cổ hoài lang
  • Ở giữa được kết hợp với các hồ sen lối đi dạo và nhà nghỉ chân hai bên
  • Sau biểu tượng đàn kìm là khu công viên với các biểu tượng các loại nhạc cụ, gọi là tứ tuyệt. Bên trái là khu trưng bày hình ảnh các ông tổ của nền cải lương Nam bộ; bên phải là khu dịch vụ và lưu niệm
Trong khu công viên với biểu tượng nhạc cụ
  • Tiếp theo là Quảng trường lớn được bao quanh bởi các khối công trình. Bên trái là nhà trưng bày lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; bên phải là các khối phục vụ; phía cuối của dự án là khối nhà biểu diễn loại hình đờn ca tài tử bố trí nằm trên hồ sen.
Bàn thờ ông Cao văn Lầu tại nhà lưu niệm.

Tượng sáp ông Cao văn Lầu, rất sinh động



Tượng sáp và mô hình mô tả khung cảnh đờn ca tài tử ở miền quê Nam bộ

Đặc biệt, trong khuôn viên công trình, tại biểu tượng đài ống tre, lối vào chính phía trên của nhà hành chính là cầu thang lên khu vực biểu tượng chiếc đàn kìm – biểu tượng của đờn ca tài tử Nam bộ - gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người con của tỉnh Bạc Liêu. Chiếc đàn kìm được cách điệu từ đốt tre, phần đàn kìm được đục lõm tạo sự huyền bí, thiêng liêng, gợi lên sự hoài niệm và tưởng nhớ về những người đã khuất. Xung quanh vòng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ như 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn.

Đây cũng là nơi hành lễ tưởng niệm, nơi đặt lư hương. Điểm nổi bật tại đây để tạo thêm tính thiêng liêng, huyền bí là các bậc thang lên đài ống tre được bố trí các số bậc: 2,4,8,16,32 và 64, tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Đó là: nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi

Thẻ căn cước của ông Cao văn Lầu

Bản chép tay bài vọng cổ khi mới chế ra (tức là bài Dạ cổ hoài lang)

Dẫn lên đài tre là lan can cầu thang bằng đá xanh được khắc họa hình dáng rồng hướng lên theo bậc thang kết hợp với vân mây, tạo nên sự sinh động hài hòa vì Bạc Liêu được ví như là cái nôi đờn ca tài tử, phát triển mạnh nhất của Nam bộ, sức mạnh này được ví như rồng. Đứng trên đài tre nhìn xuống du khách sẽ nhìn thấy tổng thể khu vực đặt tượng nhạc cụ được thể hiện hình chữ Trí (bằng chữ Hán) đặt 12 loại nhạc cụ dân tộc được khắc bằng đá xanh.

Quạt và vương miện nghệ sĩ ưu tú Thanh Nguyệt sử dụng trong tuồng cải lương Rạng ngọc Côn Sơn, Phù dung đáy nước (tại nhà trưng bày nhạc cụ, dụng cụ... phục vụ cải lương)


Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể từ tháng 12/2013.

Nếu bạn đến Bạc Liêu và là người có tấm lòng yêu mến cổ nhạc Nam bộ thì đây là điểm đến không thể bỏ qua. Nơi đây vừa là nhà lưu niệm, vừa là một bảo tàng thu nhỏ để ta hiểu và nhớ đến những con người và thời đại đã tạo nên một di sản văn hóa quý giá cho đời sau.

Ờ, nhưng mà tui cảm thấy có chút gì đó chưa ổn. Biết sao hông? Nhìn hình là có thể thấy tui tới đây vào buổi trưa, trời nắng quá. Và cái nóng khiến ta chợt nhận ra công trình này... bê tông nhiều quá, và hơi ít cái đặc trưng của miền Tây Nam bộ là cây xanh bóng mát, là sông nước lặng lờ...

Nóng quá nói vậy thôi, chớ hổng phải càm ràm gì đâu nghen. Các bạn có tới thăm nơi này nhớ đi lúc trời mát!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét