20 thg 6, 2017

Chùa cổ Bối Khê

Được xây dựng năm 1338 dưới thời vua Trần Hiến Tông, chùa Bối Khê với tên chữ Đại Bi Tự tọa lạc ở làng Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Trải qua thăng trầm của lịch sử, chùa Bối Khê vẫn được xem là một trong ngôi chùa cổ đẹp nhất của Việt Nam. 

Thăm chùa Bối Khê, bước qua cổng ngũ quan, qua chiếc cầu nhỏ là đến cổng tam quan, nơi được thiết kế hai tầng tám mái, phía trên có hai quả chuông đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Đứng từ gác chuông, nhìn bao quát không gian chùa được bao quanh bởi những hàng cây cổ thụ và vườn hoa cây cảnh. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có trồng 3 cây hoa sen đất là loài cây quý thường được trồng ở đình, chùa, miếu mạo.

Chùa Bối Khê được thiết kế theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”. Nhà tiền đường và tam bảo được dựng theo kiểu chữ Quốc. Nhà hậu đường được kết hợp với điện thờ thánh làm chữ Công. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính.

Một góc chùa cổ Bối Khê.


Chùa Bối Khê hiện là một trong số ít ngôi chùa vừa có tam quan vừa có nghi môn. Nghi môn chùa Bối Khê (còn được gọi là Ngũ Không Môn) được xây hoàn toàn bằng gạch gồm có 5 cổng.

Bức tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn, pho tượng cổ quý hiếm nhất ở chùa.

Cây nhang án có niên đại tự năm 1382 được chạm khắc từ 1 khối đá cẩm thạch cũng được coi là một trong những hiện vật cổ nhất của chùa.

Trong chùa có nhiều pho tượng cổ được các nhà nghiên cứu đánh giá thuộc loại quý, hiếm.

Cận cảnh một pho tượng cổ trong chùa Bối Khê.

Cận cảnh một pho tượng cổ trong chùa Bối Khê

Những pho tượng đặt tại gian thờ Phật ở chùa Bối Khê.

Những bức tranh chạm khắc sinh động tại hành lang đại bái.

Những viên gạch trang trí có họa tiết trang trí là các linh vật trên nền chùa. 

Chùa Bối Khê vẫn còn giữ được những nét chạm khắc họa tiết trang trí kiến trúc thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), thời Lê Sơ - Mạc (thế kỷ XV - XVI), thời Nguyễn (thế kỷ XIX, XX). Điều này có thể rất rõ khi bước vào trong nhà thời tam bảo với hai cột kèo giữa còn mang phong cách nghệ thuật Trần. Phía bên ngoài các đầu bẩy đỡ mái chạm khắc hình rồng và chim thần Garuda. Ngoài ra, ở bên trong nhà điện thờ thánh cũng có những họa tiết được chạm khắc theo bộ tứ linh tứ quý, cùng các loại họa tiết hình học…

Không chỉ giữ được những nét cổ trong kiến trúc, chùa Bối Khê còn giữ lại được nhiều hiện vật quý như tượng bằng đá được chạm khắc hình rồng, chim thần hoa lá…có niên đại từ thế kỷ XIV. Trong chùa có 58 pho tượng, đáng chú ý nhất là pho tượng Phật Quan âm 12 tay, cao chừng 2m ngồi trên tòa sen, được đặt ở nhà tam bảo.

Đến nay, chùa Bối Khê vẫn giữ được nhiều nghi thức tôn giáo của phái Trúc lâm. Đặc biệt chùa thờ vị thánh người quê hương là Nguyễn Bình An. Ông có công xây dựng chùa và đã tổ chức dân vùng Tiên Lữ đánh lại quân xâm lược phương Bắc. Hàng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng giêng âm lịch đón du khách thập phương hành hương đầu năm.

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét