26 thg 6, 2017

Lễ hội Rija Praung của người Chăm

Lễ hội Rija Praung được tái hiện tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô - Sơn Tây (Hà Nội) đã thu hút được đông đảo du khách tới tìm hiểu. Rija Praung là một lễ hội thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của tộc họ đối với thần linh, thượng đế, đất trời đã giúp người Chăm ở Ninh Thuận vượt qua bệnh tật. 

Lễ hội Rija Praung là lễ hội múa lớn nằm trong hệ thống lễ hội dân gian của người Chăm, gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật múa Chăm đặc sắc. Đây là lễ hội do tộc họ tổ chức, có ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo từ Malaysia.

Theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, khi trong tộc họ có người bị bệnh tật, gặp phải tai ương, đã chữa trị bằng nhiều phương cách nhưng không khỏi thì người Chăm tổ chức lễ Rija Praung để cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ cho người bệnh tai qua nạn khỏi.

Ngoài ra, người Chăm còn tổ chức lễ Rija Praung để tôn chức vũ sư cho bà vũ sư dòng họ, hoặc khi các nghệ nhân đánh trống Baranưng, trống Ginăng, hay nghệ nhân thổi kèn Saranai… thăng quan, tiến chức. 

Vị sư cả người Chăm chuẩn bị các lễ vật để dâng lên tổ tiên, thần linh và thượng đế trong lễ hội Rija Praung.


Mân cơm được dâng cúng lên tổ tiên và các vị thần.

Tái hiện cảnh dân làng đội lễ dâng lên các vị thần.

Những người phụ nữ Chăm đội lễ lên đền thờ trong lễ Rija Praung.

Thuyền giấy là lễ vật không thể thiếu trong nghi lễ dâng lên các vị thần và thượng đế.

Nghi lễ múa dâng “thôn Hala" mở đầu buổi lễ Rija Praung.

Nghi thức cúng thần biển (Atuw tathi) trong lễ Rija Praung.

Sư cả và bà bóng tiến hành nghi lễ cúng tâu lên các vị thần linh và thượng đế.

Sư cả làm lễ trong nghi lễ Palao Ahaok.

Bà bóng cầu nguyện với thần linh trong nghi lễ Paradi Atuw.

Đối trống lễ của người Chăm trong lễ Rija Praung.

Một nghi thức múa thể hiện âm dương giao hòa khá vui nhộn ở lễ hội.

Nghi thức múa dân gian nện Cột Du trong lễ hội.

Điệu múa bắt cá vui nhộn của người Chăm ở lễ hội Rija Praung. 

Trong lễ Rija Praung, người Chăm phải làm hàng trăm cây nến sáp ong, trong đó có hàng chục cây nến lớn. Trong nhà lễ có bục giảng kinh và treo một vuông vải trắng gọi là “lam linh”, tượng trưng cho bầu trời và là nơi trú ngụ của thần linh. Cứ mỗi lần vũ sư học xong một điệu múa, lại có lễ ăn phép.

Điều đặc sắc là lễ hội Rija Praung chứa đựng một tập hợp những điệu múa thiêng và múa truyền thống dân gian Chăm. Lúc thực hiện nghi lễ dâng trầu thì có múa dâng “thôn hala”, lúc múa đồng thì có các điệu Biyen, Chahya, điệu Patra, lễ múa xít đu…

Lễ hội Rija Praung kết thúc với phần tiễn đưa thuyền ra sông về với biển, đúng với ý nghĩa của lễ hội được tổ chức từ ngàn xưa đến nay. Rija Praung là một lễ hội do dòng họ tổ chức, nhưng chứa đựng trong nó là cả một không gian văn hoá đậm chất dân gian Chăm.

Bài & ảnh: Trịnh Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét