23 thg 6, 2017

Mẹ Quan Âm - Bạc Liêu

Từ lâu lắm rồi, tôi vẫn nghe nhiều người đến Bạc Liêu để viếng Mẹ Quan Âm. Ở đó, nơi ven biển có tượng Phật Bà Quan Âm đứng nhìn ra biển, che chở ngư dân được bình an, qua khỏi những cơn sóng gió. Người dân ở đây gọi tượng đài bằng cái tên kính yêu và thân thiết: Mẹ Quan ÂmRồi người nối người, những khách phương xa, không phải ngư dân cũng đến đây khấn cầu sự bình an trong cuộc sống, trong tâm hồn. Mẹ Quan Âm hiền từ đứng uy nghiêm day mặt ra biển che chở chúng sinh.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm được xây dựng từ năm 1973 ở 
ấp Nhà Mát xã Hiệp Thành (nay là phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu), cơ bản hoàn thành vào đầu năm 1975. Tượng cao 11 mét (chưa kể chân đế), đứng sừng sững bên bờ biển Đông, sát mé biển và mặt xoay ra biển.Tượng đài tuy giản đơn, nhưng cảnh quan rất hùng vĩ và trang nghiêm dễ gây sự chú ý và ngưỡng mộ cho mọi người.

Tôi vẫn mong một ngày đến ngắm nhìn cảnh quan thiêng liêng này. Mãi đến tháng 4/2017 mới có dịp...

Tượng Mẹ Quan Âm

Những hình dung trong đầu của tôi về một bức tượng Phật Bà Quan Âm đứng sừng sững uy nghiêm nhìn ra biển khơi bỗng dưng thay đổi...

Tượng Mẹ Quan Âm vẫn đứng sừng sững kia, bên chân tượng vẫn có người sì sụp khấn vái, có hoa, nhang, đèn... nghi ngút. Nhưng... biển đâu? Trước mặt là những cụm tượng bố trí rải rác. Hai bên là những điện thờ hoành tráng (và có phần sặc sỡ) với những điêu khắc, kiến trúc đa dạng phía trước. Sau lưng, chỗ cổng tam quan vừa đi qua là... nơi mua bán tấp nập.

Cổng tam quan, từ trong nhìn ra

Biển đâu rồi? Biển vẫn ở trước mặt. Nhưng ngày xưa khi mới xây dựng lúc thủy triều lên nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế tượng, còn bây giờ do sự bồi đắp của thiên nhiên, mép biển đã lùi ra xa hàng cây số, nhìn ra hướng ấy chỉ thấy bụi rậm và bãi bùn.

Lại biết rằng năm 2004 UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án và cho phép Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu xây dựng Quán Âm Phật Đài trên diện tích 25.000 m² chung quanh vị trí cũ của tượng đài với nhiều hạng mục khác nhau.

Bây giờ bên trái tượng đài (theo hướng nhìn của tượng đài) là Điện Địa Tạng.




Một số hình ảnh bên ngoài và bên trong Điện Địa Tạng

Bên tay phải tượng đài là Điện Quan Âm, hay còn còn gọi là Điện Thiên Thủ, nơi thờ Quan Thế Âm Thiên Thủ.




Một số hình ảnh bên ngoài và bên trong Điện Quan Âm

Rải rác phía xa, về hướng biển là các tượng thể hiện 32 hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở một số vị trí, nhìn phía xa ta có thể thấy những vùng trũng nước, nhưng vẫn chưa phải là biển. Một số tượng đã bị xuống cấp, nứt vỡ.











Còn một công trình nữa chưa được hoàn thành, là núi Quan Âm, cao 45 met, ngang 90 met, rộng 49 met.


Có thể sự thất vọng vì những điều mình thấy không giống như tưởng tượng ban đầu khiến tôi không cảm thấy yêu thích Quan Âm Phật Đài mới này. Những tượng điêu khắc quá nhiều, mang màu sắc khá sặc sỡ và giống chùa người Hoa (mà cũng phải thôi, vì Bạc Liêu có đông người Hoa mà). Công trình núi Quan Âm hoành tráng đến mức có vẻ như phô trương. Trong tôi thoáng gợn lên cảm giác một di tích cũ được tân trang cho trở thành hoành tráng hiện đại và mất đi sự cổ kính vốn có.

Đó chỉ là những suy nghĩ cá nhân, có phần thiên lệch. Nếu bạn thấy không hài lòng xin hãy bỏ qua cho. Và dù sao, Quan Âm Phật Đài cũng là một công trình văn hóa tâm linh đáng để cho ta đến chiêm ngưỡng khi có dịp đến thăm thành phố Bạc Liêu này.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét