17 thg 6, 2017

Cận cảnh nhà cổ bằng gỗ quý tròn 123 tuổi

Ngày 24.2, ngôi nhà cổ Đốc phủ sứ - Nguyễn Văn Kiên tròn 123 năm tuổi ở Tây Ninh đã chính thức được UBND tỉnh Tây Ninh ký quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.


Ngôi nhà cổ 2 tầng bằng gỗ quý tại số 39, Phan Chu Trinh, KP.2, P.1 (TP.Tây Ninh) được xây dựng từ năm 1894. 

Theo tài liệu lưu giữ qua nhiều thế hệ, người khởi công xây dựng ngôi nhà là ông Nguyễn Văn Kiên (còn gọi Nguyễn Tâm Kiên, 1854-1914), người miền Trung vào Nam bộ, từng giữ chức Đốc Phủ sứ - một chức quan lớn thời Pháp thuộc. 

Bà Trần Ngọc Sương (79 tuổi, cháu đời thứ 4 của Đốc phủ sứ) là người đang trông nom, giữ gìn ngôi nhà. ẢNH: GIANG PHƯƠNG 

Hiện bà Trần Ngọc Sương (79 tuổi, cháu đời thứ 4 của Đốc phủ sứ) là người đang trông nom, giữ gìn ngôi nhà trên. Theo bà Sương, nhờ tấm biển gỗ phía sau căn nhà khắc rõ ngày 17.1.1894 vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay bằng tiếng Pháp và Hán nên bà mới biết được chính xác thời điểm ngôi nhà được xây dựng đến nay đã 123 năm. 

Tấm biển gỗ phía sau căn nhà khắc ngày xây dựng căn nhà 17.1.1894. ẢNH: GIANG PHƯƠNG 

Tổng thể ngôi nhà được xây dựng theo kiểu chữ Đinh xưa hướng mặt ra bờ rạch Tây Ninh, nhìn thẳng về núi Bà Đen. Căn nhà rộng khoảng 240 m2 (ngang 12 m, dài 20 m) gồm 1 trệt và gác. Đặc biệt ở chỗ, nhà chữ Đinh thường không có gác nhưng ngôi nhà này lại được xây dựng thêm một gác gỗ theo phong cách Tây Âu. 

Cặp liễng đối bằng chữ Hán giữa nhà. ẢNH: GIANG PHƯƠNG 

Thế nhưng, bên trong ngôi nhà được chủ bày trí đậm chất thuần Việt. Trong đó, gian giữa được bố trí làm nơi thờ tự với các bàn hương án, khám thờ, liễng đối, đều làm bằng gỗ khảm xà cừ. Giữa ngôi nhà là bộ trường kỷ, hai bên được bố trí bộ ván ngựa dày 10cm và các bàn nhỏ dùng để tiếp khách. 

Gian sau được sử dụng để phục vụ sinh hoạt, nấu nướng, nghỉ ngơi. Ngoài ra ngôi nhà còn có sân nắng phía sau để lấy ánh sáng và gió tự nhiên. 

Tất cả cột, kèo, vách cửa cho đến lan can đều được chạm trổ thủ công công phu. ẢNH: GIANG PHƯƠNG 

Sự độc đáo, hiếm có ở ngôi nhà là tất cả cột, kèo, vách cửa cho đến lan can đều được chạm trổ thủ công công phu. Trên các lam cửa đều chạm trổ những hình ảnh gần gũi với người Việt Nam một cách tinh xảo, hiếm thấy như: long, lân, quy, phụng, sen, cúc, trúc, dơi, thỏ, chim công, sóc…. 

Tường nhà được xây bằng loại gạch nung vẫn còn tồn tại nguyên bản. ẢNH: GIANG PHƯƠNG 

Nền nhà được lót bằng gạch tàu hình lục giác. ẢNH: GIANG PHƯƠNG 

Tường nhà được xây bằng loại gạch nung vẫn còn tồn tại nguyên bản. Nền nhà được lót bằng gạch tàu hình lục giác, mái được lát bằng ngói âm dương, 

Cửa chính và cửa phụ bằng gỗ những vẫn khít vào nhau dù trãi qua 123 năm. ẢNH: GIANG PHƯƠNG 

Ở chính diện ngôi nhà, dãy gỗ trên dàn cửa ra vào gian chính dù đã bị bạc màu theo năm tháng nhưng vẫn cứng cáp, khít từng khung gỗ ghép vào nhau. Ngoài 4 cánh cửa ở gian chính căn nhà là 8 cánh cửa phụ chia đều 2 bên. Nổi bật nhất trong ngôi nhà là cặp liễng đối bằng chữ Hán được chạm trổ tinh xảo. Chính giữa gian này là bàn thờ Đốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên được bố trí uy nghiêm. 

Căn nhà liền phía sau đang được gia đình phục dựng ẢNH: GIANG PHƯƠNG 

Hiện gia đình đang phục dựng nhà gian nhà sau để sinh hoạt và để dành gian trước cho khách tham quan. 

Giang Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét