29 thg 6, 2017

Khám phá đồ thờ Công giáo xưa

Trong không gian cổ ngoạn Nhà truyền thống Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh (số 6 Tôn Đức Thắng, Quận 1), Linh mục Nguyễn Hữu Triết đã giới thiệu đến công chúng Bộ sưu tập “Đồ thờ Công giáo cổ và xưa” độc đáo và rất có giá trị. Bộ sưu tập mang thông điệp về bảo tồn văn hóa Kitô giáo và văn hóa dân tộc mà chủ nhân muốn gửi gắm đến khách tham quan.

Tham quan Bộ sưu tập, công chúng và giáo dân được chiêm ngưỡng hơn 200 hiện vật có giá trị mỹ thuật từng dùng trong các nghi lễ, nghi thức Công giáo.

Bước vào không gian trưng bày, công chúng được chiêm ngắm bức tượng chúa Jesus chịu nạn trên cây thập giá cao 2m có xuất xứ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định từ đầu thế kỷ 20. Bức tượng này được ông thợ Phó Giáo nổi tiếng là người tạc tượng gỗ giỏi nhất Việt Nam thời bấy giờ. Theo linh mục Nguyễn Hữu Triết, những sản phẩm tượng gỗ do ông Phó Giáo và học trò của ông cung cấp được dùng nhiều trong các nhà thờ ở Việt Nam.

Không gian trưng bày bộ sưu tập “Đồ thờ Công giáo cổ và xưa” tại Nhà truyền thống Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Luân


Bộ sưu tập “Đồ thờ Công giáo cổ và xưa” thu hút khách tham quan. Ảnh: Nguyễn Luân

Công chúng được chiêm ngưỡng hơn 200 hiện vật có giá trị mỹ thuật cao từng dùng trong các nghi lễ Công giáo. Ảnh: Nguyễn Luân

Linh mục Nguyễn Hữu Triết giới thiệu bộ sưu tập “Đồ thờ Công giáo cổ và xưa”. Ảnh: Thành Đạt 

Trong hơn 200 hiện vật đồ thờ cúng Công giáo, tủ thờ bằng gỗ mun đen cẩn xà cừ được linh mục Nguyễn Hữu Triết rất trân trọng. Chủ nhân đầu tiên của chiếc tủ này vốn của ông Hội đồng tỉnh Bình Dương có từ thế kỷ 19. Sau khi ông mất, gia đình ông đem biếu cho cha Phaolô Nguyễn Xuân Đĩnh, Chánh xứ Giáo xứ Thái Hòa, Giáo hạt Chí Hòa (Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh), rồi cha Đĩnh lại hiến tặng lại cho Nhà truyền thống Tổng Giáo phận.

Theo cha Triết cho biết, chiếc tủ thờ là hiện vật độc nhất vô nhị ở Việt Nam và trên thế giới bởi được thiết kế theo văn hóa Việt Nam mà vẫn được cẩn những chi tiết có hình ảnh Công giáo. Trên tủ thờ tượng Đức Mẹ bồng Chúa Jesus hài đồng làm bằng gốm Biên Hòa. Bức tượng này cũng rất quý bởi những lò gốm nổi tiếng ở miền Nam bây giờ là Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa hầu như không làm đồ thờ phụng Công giáo.

Nhiều hiện vật trong Bộ sưu tập có tính hội nhập văn hóa Đông - Tây từ rất xưa như tượng Chúa hài đồng mặc áo theo phong cách phương Đông. Bên cạnh đó, tính hội trong tôn giáo nhập còn được thể hiện bởi sự kết hợp giữa Tam giáo (Phật giáo – Nho giáo – Đạo giáo) với Công giáo.

Ngoài những hiện vật có nguồn gốc trong nước, khách tham quan rất thích thú khi chiêm ngưỡng tượng Đức Mẹ có nguồn gốc từ Italia vào thế kỷ 19 rất quý giá bằng cẩm thạch, các chi tiết của tượng được điêu khắc rất tinh xảo.

Ông Nguyễn Khắc Tâm, một giáo dân ở quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bộ sưu tập là những hiện vật rất có giá trị, phản ánh khá đầy đủ các đồ thờ cúng của Công giáo mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với bộ tủ thờ bằng gỗ quý độc đáo và đẹp mắt”.

Tượng Đức Mẹ bằng gỗ giổi, Nhà thờ Bè, địa phận Đàng Ngoài, thế kỷ 18. Ảnh: Nguyễn Luân

Bộ tượng Giáng sinh đất nung, xuất xứ Pháp, thế kỷ 19. Ảnh: Nguyễn Luân

Tượng chúa Kitô bằng đất nung của ông Phó Trọng (Phát Diệm) thực hiện năm 1925. Ảnh: Nguyễn Luân

Tượng Đức Mẹ Maria bằng đồng, xuất xứ Pháp, Thế kỷ 19. Ảnh: Nguyễn Luân

Bộ bát bửu bằng gỗ giổi, sơn son thếp vàng cuối TK 19 đầu TK 20. Ảnh: Nguyễn Luân

Tượng Đức Mẹ La Vang bằng gỗ. Ảnh: Nguyễn Luân

Chân nến bằng đồng, xuất xứ châu Âu, TK 19 - 20. Ảnh: Nguyễn Luân

Tượng chúa hài đồng bằng gỗ, thập niên 70 Thế kỷ 20. Ảnh: Nguyễn Luân

Thánh giá cẩn xà cừ. Ảnh: Nguyễn Luân

Mặt nhật đồng, Pháp, đầu TK 20. Ảnh: Thành Đạt

Tượng Thánh Giuse bằng gỗ và giấy bồi. Ảnh: Thành Đạt

Tượng Đức Mẹ và chúa Jesus bằng gỗ. Ảnh: Thành Đạt

Đầu tượng thánh Phêrô bằng gốm. Ảnh: Thành Đạt

Phù điêu mang hình chúa Giesus bằng gỗ. Ảnh: Thành Đạt 

Bài: Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân, Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét