26 thg 6, 2017

Văn Miếu Trấn Biên

Kể từ khi xây dựng vào năm 1715, Văn Miếu Trấn Biên (Biên Hòa - Đồng Nai) đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của xứ Đàng Trong trong thời kỳ phong kiến. Ngày nay, Văn Miếu Trấn Biên là một địa điểm du lịch lý thú để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt xưa trên bước đường khai phá vùng đất phương Nam. 

Năm 1715, sau khi lập nên dinh Trấn Biên, nhằm có nơi để bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục của dân tộc Việt trên vùng đất mới, Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) đã sai Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn Miếu Trấn Biên. Đây chính là Văn Miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả Văn Miếu Huế (1808).

Sách Đại Nam nhất thống chí, bộ sách dư địa chí Việt nam viết bằng chữ Hán, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào thời vua Tự Đức, có viết: "Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp, phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía Bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt. Bên trong rường cột chạm trổ, tinh xảo...". 

Cổng vào Văn Miếu Trấn Biên ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.


Cổng Đại Thành Môn của Văn Miếu Trấn Biên.

Toàn cảnh Văn Miếu Trấn Biên nhìn từ trên cao.

Được xây dựng vào năm 1715, Văn Miếu Trấn Biên ở Biên Hòa - Đồng Nai đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của xứ Đàng Trong.

Khuê Văn Các trong Văn Miếu Trấn Biên.

Kiến trúc nổi bật với những vòm mái cong lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc bằng gốm tráng men.

Năm 1998, Văn Miếu Trấn Biên đã được khởi công khôi phục lại trên nền đất cũ và hoàn thiện vào năm 2002.

Hình tượng rồng được trang trí trên mái ngói trong Văn Miếu Trấn Biên.

Văn Miếu Trấn Biên là nơi thờ phụng các danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước.

Án thờ nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784).

Tượng đức Khổng Tử.

Văn Miếu Trấn Biên là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của người dân đất phương Nam. 
Trong gian thờ chính của Văn Miếu Trấn Biên có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước được mang về từ đền Hùng (Phú Thọ), biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Vào năm 1794, Văn Miếu Trấn Biên được trùng tu và mở rộng quy mô với nhiều hạng mục: Đại thành điện, Đại thành môn, Thần miếu, Dục Thánh từ, Khuê Văn các, Dụng lễ đường, Sùng văn đường... Trước khi lên ngôi năm 1802, hàng năm chúa Nguyễn Phúc Ánh đều đến Văn Miếu Trấn Biên để hành lễ hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Nhưng thời gian sau đó, quan Tổng trấn thành Gia Định đã thay mặt vua, cùng với Trấn quan Biên Hòa và quan Đốc học đến hành lễ.

Cùng với những biến động của lịch sử, Văn Miếu Trấn Biên phải trải qua nhiều lần trùng tu. Đến năm 1998, nhân kỷ niệm Biên Hòa 300 năm hình thành và phát triển, Văn Miếu Trấn Biên đã được khởi công khôi phục lại trên nền đất cũ. Sau khi xây dựng hoàn thiện vào năm 2002, Văn Miếu Trấn Biên trở thành một tổng thể kiến trúc – nghệ thuật uy nghi, đẹp đẽ thuộc phường Bửu Long, Tp. Biên Hòa (Đồng Nai).

Đến Văn Miếu Trấn Biên, du khách sẽ được tham quan các hạng mục như: Nhà Bia, Khuê Văn Các, hồ Thiên Quang Tỉnh, cổng Đại Thành, nhà thờ Đức Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính. Thông qua bài văn bia khắc trên hai mặt đá của Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu biên soạn, du khách sẽ hiểu khái quát được truyền thống văn hóa, giáo dục của dân tộc và của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Văn Miếu Trấn Biên đặt gian trung tâm để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), vị Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Sau lưng tượng thờ Chủ tịch là hình ảnh Trống đồng Ngọc Lũ, biểu tượng cho nền văn hóa Việt Nam. Phía gian bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn… Gian bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu.

Mỗi năm, Văn Miếu Trấn Biên đón gần 200.000 lượt khách tham quan. Tại đây, cũng diễn ra các hoạt động có ý nghĩa như: Lễ viếng các bậc tiền nhân, Lễ báo công, Tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực, các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thả thuyền trên hồ...

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét