17 thg 6, 2017

Nhịp điệu kiến trúc Nhà thờ Ka Đơn

Cả một vùng thiên nhiên ở thôn Krăng Gọ 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) như được hòa nhịp với không gian kiến trúc Nhà thờ Ka Đơn - một công trình tôn giáo độc đáo mang những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc bản địa Churu. 

Nằm ẩn mình giữa những tàng thông, gió cao nguyên lồng lộng, ít ai nghĩ rằng, với kiến trúc đơn sơ ấy, Nhà thờ Ka Đơn đã giành giải Nhì trong Cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế lần thứ 6 - năm 2016 được công bố tại Tp. Pavia (Italia). Từ năm 2011, khi còn trên giấy, bản thiết kế của Nhà thờ cũng đã nhận được giải thưởng Kiến trúc Thánh châu Âu.

Người nêu ý tưởng ban đầu cho thiết kế Nhà thờ Ka Đơn chính là Linh mục Nguyễn Đức Ngọc, người đã có 45 năm gắn bó với đồng bào dân tộc Churu ở Ka Đơn nên hiểu rõ về văn hóa bản địa. Ý tưởng này được Linh mục Nguyễn Đức Ngọc truyền tải cho vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Dũng và chị Vũ Thị Thu Hương (Đại học kỹ thuật Berlin) khi họ về Đơn Dương để tìm ý tưởng thiết kế công trình cho luận văn cao học của mình. 
Linh mục Costantino Ruggeri (1925 - 2007), vừa là họa sĩ, vừa là điêu khắc gia, là người sáng lập và Chủ tịch của Quỹ Frate Sole. Quỹ Frate Sole được tạo ra với mục đích tôn vinh sự cống hiến trong quá trình kiến tạo không gian thánh lễ (hay còn gọi là Cuộc thi Kiến trúc Thánh quốc tế). Cuộc thi dành cho tất cả các sinh viên đã thực hiện đồ án tốt nghiệp; các kiến trúc sư và kỹ sư thực hiện một luận án tiến sĩ hoặc luận văn thạc sĩ về chủ đề thiết kế một nhà thờ đều được tham dự.
 
(Thông tin do Linh mục Nguyễn Đức Ngọc, quản xứ Giáo xứ  Ka Đơn cung cấp cho Báo Thanh niên)
    
Nhà thờ Ka Đơn được xây dựng trong 4 năm và đến tháng 7/2014 thì hoàn thành. Vật liệu chính để thi công Nhà thờ là nguồn gỗ thông bản địa và mái ngói đỏ. Trên nên chất liệu và tổng thể kiến trúc, Nhà thờ Ka Đơn gắn liền với không gian rừng thông xung quanh, cảm giác như Nhà thờ đang hòa vào thiên nhiên và trở thành một phần của cảnh vật nơi đây. 

Nhà thờ Ka Đơn như điểm nhấn cho vẻ đẹp của rừng thông huyện Đơn Dương. 

Nhà thờ Ka Đơn là nơi sinh hoạt tôn giáo của 5.000 giáo dân ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Ảnh: Vũ An

Nơi hành lễ của linh mục trong thánh đường Nhà thờ Ka Đơn. 

Những bức tường Nhà thờ được xây dựng bởi hàng nghìn thanh gỗ thông, tạo không gian gần gũi với các giáo dân Churu.

Tường bao và trần nhà là hệ thống thanh gỗ thông xếp song song nhau tạo được không gian linh thiêng, thoáng rộng nhưng gần gũi. Đây chính là những tiết tấu, nhịp điệu của phần “rèm” nan gỗ.

Hai bên hiên Nhà thờ là mái che rất rộng, được thiết kế trên ý tưởng như vòng tay của người mẹ
sẵn sàng che chở, ôm ấp đàn con. 

Nhà thờ sử dụng vật liệu khung sắt, lợp ngói, lót đá tự nhiên, bao quanh là những nan gỗ dán và lớp kính trong suốt dọc từ trên xuống.

Thánh giá và tượng Chúa Giê-su được trang trí trên tường ghép thanh gỗ thông nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghiêm, trang trọng.

Nét độc đáo là Nhà thờ không có cửa sổ, không có cửa chính, thay vào đó là những tấm phên gỗ kéo qua kéo lại.

Kiến trúc của nhà thờ Ka Đơn tạo không gian hành lễ thoáng rộng cho giáo dân. Ảnh: Vũ An

Khung cảnh bình yên trong không gian kiến trúc Nhà thờ Ka Đơn. Ảnh: Vũ An 

Thông thường, các nhà thờ Công giáo nói chung và các công trình tôn giáo nói riêng trên thế giới có không gian kiến trúc mang màu sắc huyền bí, thiêng liêng. Với Nhà thờ Ka Đơn, kiến trúc vừa giản dị, gần gũi mà vẫn tạo được sự linh thiêng. Trông qua có vẻ đơn điệu nhưng đó là điểm nhấn trong kiến trúc Nhà thờ, dễ khiến du khách bị hấp dẫn bởi các thanh gỗ xếp song song được ví như bức “rèm” cách điệu, thể hiện nét kiến trúc hiện đại mà vẫn gần gũi với truyền thống văn hóa bản địa.

Với không gian kiến trúc mở, Nhà thờ Ka Đơn cùng lúc đón nhận hơn hơn 5.000 người trong mỗi dịp thánh lễ. Giáo dân hành lễ có thể đứng trong chánh điện, ngoài mái hiên, hay đứng ngoài sân mà vẫn có thể nhìn thấy linh mục giảng đạo phía trên bục của chánh điện. Ngược lại, linh mục cũng có thể nhìn bao quát được tất cả các giáo dân dự lễ từ trong cho đến ngoài sân nhà thờ. Riêng phần nền chánh điện nhà thờ Ka Đơn cũng có sự khác biệt là không có bậc tam cấp mà chỉ làm nền rộng tôn cao bằng đá, thể hiện sự bao dung, quảng đại và một đức tin tôn giáo mãi trường tồn.

Với vẻ đẹp tinh tế, hòa nhịp với thiên nhiên, Nhà thờ Ka Đơn đã góp phần tôn vinh những nét đẹp văn hóa của đồng bào Churu trên mảnh đất họ đã gắn bó, sinh sống từ ngàn đời. Giờ đây, không chỉ của huyện Đơn Dương, Nhà thờ Ka Đơn còn trở thành một phần cảnh quan của cao nguyên Lâm Đồng. Du khách nhờ đó cũng có thêm một điểm tham quan mới lạ, độc đáo khi đến với vùng đất này và có thêm cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa Churu.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt, Vũ An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét