19 thg 6, 2017

Chén Kiểu - ngôi chùa đoàn kết của người Khmer

Nhiều người đến lễ chùa Sà Lôn nhìn thấy cách thiết kế ngôi chùa bằng chén, bát, đĩa rất ấn tượng, lạ mắt nên gọi với một tên khác là chùa Chén Kiểu. Những chén, bát, đĩa trang trí quanh chùa là do người dân trong vùng quyên góp để xây dựng nên chùa Chén Kiểu là biểu tượng của tình đoàn kết của người Khmer ở Sóc Trăng. 

Chùa Chén Kiểu tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, cách Tp Sóc Trăng khoảng 12km. Chùa vừa là một công trình Phật giáo tâm linh của đồng bào Khmer, vừa là điểm tham quan, khám phá thú vị dành cho du khách thập phương.

Theo ông Trịnh Tiền, thành viên Ban Quản trị chùa Chén Kiểu, ngôi chùa được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19. Theo thời gian, ngôi chính điện của chùa bị hư hại nên phải xây dựng lại. Đến năm 1969, sư cả Tăng Túc (Trụ trì đời thứ 9) phát động xậy dựng lại ngôi chùa với nhiều hạng mục: Chính điện, tăng sá, sala, tháp, các bức vách, hàng cột được xây dựng bằng gạch men cổ của Nhật Bản sản xuất với màu sắc rất nổi bật.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thì hết loại gạch này, nên vị sư cả đã nảy ra sáng kiến vận động bà con Khmer sinh sống ở các phum, sóc gần chùa đóng góp các loại chén, đĩa, bình sành sứ… còn nguyên vẹn hay đã bị bể để tiếp tục xây chùa. Thế là rất đông bà con trong vùng tự nguyện góp các loại chén, đĩa của họ để các người thợ cũng như các vị tăng sư trong chùa tiếp tục công việc của mình. 

Chùa Sà Lôn thường được nhiều người biết với tên gọi chùa Chén Kiểu, tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, cách thành phố Sóc Trăng khoảng 12km.


Một mặt bức vách Chánh điện được trang trí bằng các loại chén, đĩa đủ loại màu sắc.

Nóc chùa được thiết kế theo một tổng thể hình tam giác cân, mái chùa có ba cấp, có tháp nhọn trên nóc.

Các loại chén, đĩa kết hợp với loại gạch men Nhật đã vô tình làm nổi bật ngôi chánh điện với những gam màu tươi sáng.

Những chiếc đĩa được ốp trên các bức vách một cách cân xứng, hài hòa, tạo được điểm nhấn độc đáo.

Hơn 40 năm xây dựng cho đến nay, những miếng gạch men cùng các loại chén, đĩa vẫn luôn giữ được màu sắc tươi tắn, bền đẹp theo thời gian.

Phần chính của gian chánh điện có diện tích 30x15m, có 16 cây cột to chia làm hai hàng để làm cột đỡ bên trong gian chánh điện.

Chùa Chén Kiểu còn lưu giữ một số đồ vật quý giá của ông Trần Trinh Huy - thường gọi là công tử Bạc Liêu, người nổi tiếng một thời của vùng Tây Nam Bộ.

Phần mặt tường phía hàng rào của ngôi chính điện là nơi được ốp nhiều loại chén, đĩa nhất. Ngoài ra, ở các cầu thang, tay vịnh, hàng rào bao bọc chính điện cũng đều có ốp một số loại chén, đĩa đã bị sứt mẽ. Các loại chén, đĩa kết hợp với loại gạch men Nhật đã vô tình làm nổi bật lên màu sắc ngôi chính điện, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa thể hiện sự sáng tạo của Sư trụ trì, cũng như tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Khmer, luôn hướng về ngôi chùa, là một nơi rất thiêng liêng đối với họ.

Hơn 40 năm kể từ khi xây dựng đến nay, những miếng gạch men cùng các loại chén, đĩa vẫn luôn giữ được màu sắc tươi tắn, làm cho ngôi chính điện luôn nổi bật nhất trong khuôn viên chùa. Ngoài ra, Sư trụ trì Tăng Túc còn dùng những chén, đĩa để ốp lên trần nhà trai đường và một số khu vực khác.

Chùa có 20 tượng Phật lớn nhỏ với các tư thế khác nhau được thờ ở đây. Hai bên vách tường có nhiều bức tranh vẽ kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca, từ khi sinh ra cho đến khi đắc đạo.

Chùa Chén Kiểu có tổng diện tích 2,1ha. Phía sau chùa là Khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của đức Phật.

Có nhiều bức tượng Phật có kích thước nhỏ được thờ trong khu tăng xá.

Những bình gốm sứ cũng được tận dụng để trang trí cho hàng rào xung quanh ngôi chánh điện.

Người thợ xây dựng sáng tạo trên bức vách với các loại chén đĩa, kích thước hình dáng khác nhau.

Những chiếc đĩa còn được trang trí lên các bề mặt của trụ cột bên trong ngôi chùa.

Những cái chén được úp lại với nhau, chồng lên nhau thành cột dùng làm vách rào bao quanh ngôi chánh điện.

Các linh vật bên ngoài sân chùa cùng được chạm khắc và trang trí những mảnh gạch, sành rất độc đáo.

Một góc bức vách ngôi chánh điện được trang trí với đủ loại chén, đĩa, mảnh sành.

Hàng cột và bức vách được trang trí dày đặc các loại chén, đĩa.

Những cái chén được úp lại với nhau, chồng lên nhau thành những thành cột dùng làm vách rào hai bên bậc thang.

Tô màu, sắp đặt những mảnh sành, chén, đĩa vỡ lên bức vách tạo ấn tượng mạnh.

Một bức vách được trang trí bằng nhiều loại chén, đĩa các loại rất sáng tạo. 

Đến với chùa Chén Kiểu, ngoài việc tham quan, chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, tìm hiểu văn hóa cộng đồng Khmer, du khách còn có thể chiêm ngưỡng một phần gia sản của ông Trần Trinh Huy – thường gọi là công tử Bạc Liêu, nổi tiếng một thời của vùng Tây Nam Bộ, gồm: chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ Trường kỷ, hai chiếc giường ngủ mùa Đông và mùa Hè được chạm, khảm rất tinh tế, do nhà chùa mua lại và lưu giữ cho đến nay.

Ngày nay, ngoài cộng đồng phật tử là người Khmer thường xuyên đến chùa, thì chùa Chén Kiểu còn thu hút đông đảo du khách gần xa đến hành hương, tham quan và tìm hiểu về ngôi chùa độc đáo này.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét