21 thg 6, 2017

Bình vôi trong văn hóa Việt

Không đơn thuần là một vật chứa vôi phục vụ tập tục ăn trầu, bình vôi trải qua bao đời còn có mối liên hệ khăng khít với truyền thống và văn hoá, đặc biệt sự tích trầu cau và tục ăn trầu của người Việt.

Không chỉ với người Việt, ăn trầu còn là một tập tục xuất hiện từ rất lâu đời ở khu vực Đông Nam Á. Miếng trầu còn là cầu nối trong các mối quan hệ xã hội ở mọi cấp độ. Ca dao Việt Nam có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhất là trong dịp cưới hỏi, trầu cau bao đời nay đã là một hình thức tượng trưng cho ước nguyện gắn bó bên nhau son sắt trọn đời của đôi trẻ. Các cụ hai bên gia đình sẽ ăn trầu, quét vôi với cau tươi, từ đó mà bình vôi lần lượt ra đời, cái nhỏ có thể bỏ trong bóp, khay cho đến những cái lớn có thể chứa cả mấy ký vôi.

Bình vôi thường có hình cầu, trên thân bình có một miệng nhỏ, nơi để lấy vôi từ bình ra bằng chiếc chìa vôi. Mỗi khi chiếc chìa vôi đi qua miệng bình, hoặc do chủ ý của người sử dụng mà vôi bị quệt lại miệng bình. Theo thời gian, miệng bình sẽ dày lên hình thành cổ bình, thậm chí lấp kín miệng bình, đó cũng là lúc bình vôi không còn sử dụng được nữa. Trong đời sống các gia đình Việt Nam, bình vôi thường được sử dụng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Khi đã sử dụng lâu, vôi trong bình cứng hoặc bình rạn nứt thì chủ nhà sẽ mua bình mới. Bình vôi cũ được mang ra đặt cạnh các cây đa cổ thụ hoặc cạnh miếu thờ, đền thờ…

Bình vôi có niên đại từ thời nhà Lý (1009 - 1225).


Bình vôi có niên đại từ đầu thời nhà Trần (1226 - 1400).

Bình vôi thể hiện sự giao lưu văn hóa Trần – Chăm-Pa, giai đoạn công chúa Huyền Trân được vua Trần gả cho vua Chăm-Pa đầu thế kỷ 14.

Bình vôi có niên đại nhà Mạc (1527 - 1592).

Bình vôi còn vôi có niên đại từ thời Hậu Lê (1427-1789) làm bằng đất nung.

Bình vôi có niên đại từ thời nhà Nguyễn (1802-1945).

Bình vôi bằng gốm Cây Mai còn nguyên màu men xanh đặc trưng.

Màu men gốm trên bình vôi vẫn còn nguyên qua hàng trăm năm.

Bình vôi có kích cỡ lớn.

Bình vôi có thể được làm từ các chất liệu như bằng gốm sứ có tráng men.

Cách trang trí trên bình vôi cũng rất phong phú với nhiều họa tiết khác nhau.




Bình vôi có quai xách được thiết kế khác nhau qua các thời đại.

Các loại bình vôi đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ. 

Bình vôi có thể được làm từ các chất liệu khác nhau như gốm sứ có tráng men trắng, xanh hay bằng đồng; có quai xách hoặc không có quai xách. Kích thước của bình vôi cũng rất đa dạng, có chiếc là bình cá nhân, kích cỡ vừa phải, nhưng có những chiếc bình thuộc nghi lễ, thường có kích cỡ rất lớn. Họa tiết trang trí trên bình vôi cũng rất phong phú với nhiều họa tiết hoặc những hình vẽ màu nhẹ nhàng, thơ mộng. Cũng có loại bình mang hình ấm tích, hay chiếc lọ tùy theo ngẫu hứng của nghệ nhân làm bình vôi.

Không đơn thuần là một vật chứa vôi phục vụ tập tục ăn trầu, bình vôi trải qua bao đời còn có mối liên hệ khăng khít với truyền thống và văn hoá Việt. Đặc biệt, khi nói tới bình vôi, người Việt thường dùng đại từ “ông” thay vì dùng lượng từ “cái” hoặc “chiếc” thông thường. Khi gọi bình vôi là “ông bình vôi” là người ta đã sử dụng biện pháp nhân cách hoá chiếc bình, ở đây là thể hiện sự tôn trọng của người Việt, coi bình vôi như một thành viên trong gia đình. Và tất nhiên, “ông bình vôi” giữ một vị trí quan trọng, thân tình trong cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình.

Hình ảnh “ông bình vôi” nhiều khi dễ làm con người ta gợi nhớ đến hình ảnh thân thương của người bà, người mẹ; nhớ đến những đám cưới hỏi mọi người quây quần xúm lại bổ cau, quệt vôi, têm trầu với tiếng cười, câu chuyện râm ran… Tất cả đều là những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của người Việt qua bao thế hệ.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét