29 thg 6, 2017

Đào Xá vang danh nghề làm đàn

Chỉ cần đến đầu làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, Huyện Ứng Hoà, Hà Nội hỏi thăm cụ Đào Soạn, tên đầy đủ là Đào Ngọc Soạn, nghệ nhân làm đàn thì ai cũng biết. Với người làng Đào Xá, cụ Đào Soạn không chỉ là nghệ nhân làm nhạc cụ truyền thống nổi tiếng, mà còn là một người thầy, một người luôn nặng tình làng, nghĩa xóm.

Cụ Soạn đón tôi bằng cử chỉ niềm nở và hiếu khách. Giữa những tiếng đục, tiếng bào của cơ sở làm đàn truyền thống dòng họ Đào, cụ Soạn chậm rãi kể cho tôi nghe về lịch sử làng nghề này. Theo cụ, nghề làm nhạc cụ truyền thống của làng tính đến nay dễ cũng đã đến hơn 200 năm. Gia đình cụ làm đàn đã được 4 thế hệ.

Với người Đào Xá, nghề làm đàn gắn với họ như một thứ duyên phận, nó không chỉ đem đến miếng cơm manh áo mà còn đánh thức tài năng nghệ sĩ của những người nông dân chân chất quanh năm chân lấm tay bùn. Traiir qua thời gian, người nọ truyền nghề cho người kia, từ đó nghề làm nhạc cụ trở thành nghề truyền thống của làng Đào Xá.

Làng Đào Xá sản xuất đủ thứ đàn như đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tì bà, đàn nhị, đàn hồ, đàn líu... Gỗ làm đàn thường là gỗ trắc, gỗ vông đồng và gỗ nhãn. Kỹ thuật làm đàn cũng rất công phu với nhiều công đoạn như cưa, đục, bào, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, chạm khắc, khảm trai, lên dây, thử tiếng...

Nghệ nhân Đào Ngọc Soạn, người làm rạng danh nghề làm đàn truyền thống Đào Xá.


Cụ đã có thâm niên hơn 50 năm trong nghề làm các loại đàn truyền thống.

Những cây đàn do cụ làm ra luôn được giới trong nghề đánh giá rất cao.

Cụ Soạn ngắm nghía căn chỉ từng chi tiết cho chiếc đàn.

Cụ Soạn lên dây một chiếc đàn tranh vừa mới đóng xong.

Công việc làm đàn đòi hỏi phải tỉ mỉ và kiên nhẫn với từng chi tiết.

Nghệ nhân Đào Soạn chỉnh âm cho một chiếc đàn mới.

Các loại đàn truyền thống của cụ Soạn nói riêng và của làng Đào Xá nói chung giờ đã trở nên nổi tiếng trong giới âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước. 

Tiếng lành đồn xa, các loại đàn truyền thống của Đào Xá giờ đã trở nên rất nổi tiếng đối với giới âm nhạc truyền thống Việt Nam. Riêng với nghệ nhân Đào Soạn, những cây đàn do ông làm ra luôn được giới trong nghề đánh giá cao vì chất lượng tốt, âm thanh hay và chuẩn.

Cụ Soạn tự hào cho biết, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trao cho cụ bằng ghi nhận những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam; cơ sở sản xuất đàn của dòng họ Đào cũng được chứng nhận là cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố Hà Nội; bộ đàn nguyệt, bầu, đáy, thập lục do cụ thiết kế đã đạt giải khuyến khích cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Đặc biệt hơn, những mẫu đàn do cụ sản xuất đã được chọn tham dự Liên hoan Du lịch và Làng nghề truyền thống và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tặng bằng khen. Những thành tích ấy tuy không có giá trị nhiều về mặt vật chất nhưng nó chính là niềm vui và tự hào của người nghệ nhân già làng Đào Xá, người đã góp phần dựng xây nên một thương hiệu nổi tiếng cho làng nghề truyền thống đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng cụ Đào Soạn vẫn ngày ngày cần mẫn với cái nghề của cha ông để lại. Và quan trọng hơn, dưới sự dẫn dắt, chỉ dạy của cụ, những lớp thợ trẻ của làng lại vững vàng tiếp nối nghiệp làm đàn để làng rạng danh cho làng xóm, quê hương.

Bài: Bích Vân - Ảnh: Văn Quyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét