3 thg 6, 2017

Nghề dệt cói Kim Sơn

Nghề dệt cói Kim Sơn này luôn gắn liền với thiên nhiên, bởi nguyên liệu để làm nên những đôi chiếu hạnh phúc, làm nên cái dép, cái giỏ... rất giản gị như thiên nhiên ở vùng đất này. 

Cói Kim Sơn

Cói là nguyên liệu chính của nghề dệt chiếu. Đối với những người trồng cói, cây cói gắn bó với nghề, với người thợ suốt cả cuộc đời cần lao. Cói không nhiều lá, nhiều cành, cây dồn lên ngọn để dành cho hoa", cây cói là biểu tượng của những con người lấn biển, theo bước chân của những người lấn biển, cây cói luôn trụ vững trước mọi thách thức nghiệt ngã của nước mặn, của sóng gió bão biển.



Trước đây cây cói được trồng xen với cây lúa, rì rào quẩn quanh bên cạnh người dân, nhưng từ khi Đảng bộ Kim Sơn có nghị quyết "Lúa lấn cói, cói lấn sú vẹt, sú vẹt lấn biển" và "Chuyển những diện tích trồng cói kém hiệu quả sang trồng lúa" thì cây cói chỉ còn được trồng cơ bản ở các xã Lai Thành, Định Hoá, Văn Hải, Kim Mỹ, Cồn Thoi và diện tích lớn nhất là ở Nông trường Bình Minh (nay là Công ty nông nghiệp Bình Minh). Từ cây cói tròn mảnh mai, với bàn tay tài ba và sức sáng tạo không ngừng theo năm tháng, người dân Kim Sơn đã tạo ra không biết bao nhiêu mặt hàng mỹ nghệ, gửi gắm trong đó tình cảm mặn mà, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo để đến với mọi miền đất nước, đến với bạn bè các châu lục.

Dụng cụ làm nghề

Nghề làm cói này tạo ra được rất nhiều sản phẩm như dép, giỏ, túi xách... nhưng không thể không nói tới sản phẩm gắn liền đầu tiên với nghề này là “Chiếu”. Chỉ đơn giản với một tù thôi nhưng ở đó chứa đựng đầy ý nghĩa của hạnh phúc lứa đôi, của tình thân gia đình. Và để dệt nên một cái chiếu thật không đơn giản chút nào.

Khung dệt chiếu đóng ở trong nhà. Khung chiếu thường bố trí ở nhà dưới, mặt hướng ra đường. Khung chiếu có các bộ phận gồm phía sau là hàng trục được chôn chặt xuống nền đất. Thông thường có 5 cây trục bằng gỗ, đầu mỗi cây cọc được đục một lỗ nhỏ để luồn 1 cây tròn gọi là cây trục. Cây trục làm bằng thân cau già vót nhẵn hoặc bằng tre, gỗ. Phía trước có hai cây cọc gỗ được đóng chặt vào nền đất để giữ cây đòn ngang. Đòn ngang làm bằng đoạn tre già thẳng, hai đầu buộc hai sợi dây gọi là dây néo. Dây néo vắt choàng qua đòn ngang và đòn đông. Đòn đông nằm ở trước chiếc khổ để giữ những mối sân luồn tréo giữa các khe, lỗ của chiếc khổ. Đòn đông làm bằng đoạn tre ống già, thẳng chắc, nhẹ.


Go được làm bằng tre và gỗ, gồm hai bộ phận là vỏ, răng. Hai thanh gỗ có tiết diện hình chữ “V” được gắn lại với nhau bởi 4 thanh tre tạo thành chiếc khung hình chữ nhật gọi là vỏ khổ. Răng khổ làm từ thân tre già vót đều, giữa răng khổ dùi một cái lỗ để xỏ các múi sân. Răng khổ được sắp và đóng chặt vào hai mặt của vỏ khổ sao cho lỗ của răng mặt bên này tương ứng với khoảng cách giữa hai răng khổ mặt bên kia. Khoảng cách giữa hai răng khổ được gọi là khe.

Cây lao làm từ đoạn tre già hoặc thân cây cau khô đã được đoạn từng khúc và chẻ thành những thanh nhỏ với kích thước thích hợp, sau đó vót nhẵn hay bào láng mặt ngoài, một đầu được vót nhọn để quấn cây lát gọi là mũi lao, đầu kia gọi là gốc lao. Cây lao dài khoảng 2m.

Dao chẻ lát gồm cán làm bằng tre hoặc gỗ dài khoảng 60cm, lưỡi mỏng làm bằng kim loại, có kích thước 8cm x 20cm. Liềm được đặt mua ở các lò rèn, cấu tạo gồm lưỡi và cán. Cán làm bằng gỗ hoặc tre, lưỡi bằng sắt.

Ghim dùng để ghim những múi sân ở hai đầu chiếc chiếu, thân ghim làm bằng tre, nhỏ như chiếc đũa, một đầu nhọn dẹp, giữa thân có một đường nẻ để kẹp múi sân.

Các sản phẩm làm từ cói

Nét đặc thù của làng nghề ở vùng đất Kim Sơn này là tính chuyên sâu khá cao. Xóm 5 và xóm 6 chuyên đan làn và các mẫu nhỏ xuất khẩu, xóm 7A dệt chiếu là chính. Ngoài ra có những sản phẩm mĩ nghệ như hộp kiệu, hộp chùa Một Cột, giầy dép mẫu nhỏ chỉ có người làng Kim Trung mới làm đẹp.

Tùy vào từng công dụng hay mục đích sử dụng của các loại chiếu mà người dân ở đây còn sản xuất ra các loại chiếu như chiếu in hoa, chiếu cũi trẻ em, chiếu trải salo. Đây là những chiếc chiếu được dệt và in thủ công để bán cho người dân trong nước hay là các tham quan du lịch với đầy đủ loại kích cỡ khác nhau rất thuận tiện cho người mua.


Ngoài ra, người dân ở đây còn sản xuất ra được các loại hình sản phẩm như giỏ, hộp, túi xách tới dép cói, nón cói, ly, cốc, vali mini từ cói, khay đựng trái cây…Cũng như nhiều các loại vật dụng khác. Trong các sản phẩm hộp làm từ cói thì phải kể tới hộp đựng đồ nữ trang cỡ nhỏ, hộp đựng bút, hộp đựng chai rượu, hộp đèn, hộp thuốc, hộp lưu niệm… Những chiếc hộp này rất nhẹ, gọn dùng để làm trang trí, đựng vật dụng. Hay giỏ sách thì được sản xuất theo công dụng của nó như giỏ trái cây, giỏ để thức ăn, giỏ để đồ đạc, giỏ đi chợ… Những chiếc giỏ này rất bền, nó được trưng bày hầu hết ở các địa điểm du lịch tại nhà thờ đá Phát Diệm.

Những đôi dép làm từ cói với nhiều mẫu mã rất bắt mắt như dép lê, dép xỏ ngón, dép tông… cũng rất thu hút khách du lịch vì họ có thể đi ở trong nhà rất nhẹ nhàng, không phát ra tiếng động hoặc họ dùng để trang trí giúp cho căn nhà giản gị và đậm chất nông thôn.


Đây là những yếu tố làm nên chất lượng sản phẩm cao cấp của Kim Sơn. Người dân Kim Sơn sớm có đặc thù sống trong cái nôi làm nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên có đầy đủ tố chất của người thợ thủ công chân chính, một bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhậy và đam mê nghề nghiệp. Những tố chất này gúp cho họ đáp ứng được những đòi hỏi dù là khắt khe của cơ chế thị trường. Chính điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đó đã tạo dựng nên nghề trồng cói, chế biến cói ở vùng đất này nổi tiếng xa gần và được người dân tin dùng.

Bà Nguyễn Thị Phượng hơn 40 năm gắn bó với nghề này, bà kể : “ Ngày xưa khi bà sinh ra đã thấy ông bà làm nghề này rồi, ngày xưa thì chỉ có dùng cói để lợp nhà và dệt chiếu thôi. Nhưng giờ thì cói làm được nhiều loại hơn, như giỏ, làn, dép”.

Hoàng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét