19 thg 7, 2022

Cao sằng – một nét văn hóa ẩm thực Xứ Lạng

Một trong những món ăn đường phố được người dân Xứ Lạng ưa chuộng chính là bánh cao sằng (cao: bánh, sằng: tầng; cao sằng tức là bánh nhiều tầng). Dù được chế biến từ những nguyên liệu rất đơn giản nhưng món ăn này lại có hương vị đậm đà, đặc trưng, trở thành món ăn vặt yêu thích của người dân, du khách.


Món bánh cao sằng đã xuất hiện từ lâu đời và là món ăn kết hợp giữa ẩm thực Việt Nam với Trung Hoa. Theo tìm hiểu, từ xa xưa, cao sằng là món ăn được người Hoa (Trung Quôc) rất ưa chuộng, vì vậy trong quá trình sinh sống, giao lưu thương mại lại Lạng Sơn, người Hoa đã mang món ăn này đến. Qua thời gian, người dân Xứ Lạng đã chế biến món ăn này dần phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam.

Sở dĩ gọi cao sằng là món ăn bình dân bởi nó được làm từ những nguyên liệu đơn giản: gạo tẻ, nhân là thịt lợn và hành khô. Tuy nhiên, để làm nên món bánh này, người ta phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng và có mùi thơm, khi nấu lên sẽ mịn, mượt. Gạo tẻ sẽ được ngâm để qua đêm, sáng hôm sau vớt ra say nhuyễn, sau đó được hấp trong nồi cách thủy trong 40 phút, bánh được đổ thành hai lớp, khi lớp bột đầu tiên chín sẽ đổ lớp thứ hai. Sau khi chín hết lớp thứ hai, bột sẽ chín, đông lại thành bánh, phần nước bên trên sẽ được vớt bỏ.

Phần nhân bánh cũng khá đơn giản, được làm từ thịt lợn băm nhỏ và hành khô. Thịt và hành khô sau khi được xào chín sẽ phết một lớp mỏng lên trên mặt bánh để giúp bánh không bị khô, có mùi vị đậm đà hơn. Mùi vị đặc trưng của bánh cao sằng còn đến từ vị bùi của lạc đã được rang và giã nhỏ. Tùy khẩu vị mỗi người, bánh sẽ được cho thêm rau mùi thái nhỏ hoặc không. Nước ăn kèm cao sằng là nước giấm pha đường giúp bánh ăn không bị ngấy.

Nguời dân Lạng Sơn thưởng thức món cao sằng

Chị Phạm Thị Thuận, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin hành phố Lạng Sơn cho biết: Địa chỉ bán cao cằng ngon nhất và lâu đời nhất là ở dốc Phai Món, trên đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ. Cùng với bánh dậm, bánh coóc, bánh cao sằng là món ăn vặt được nhiều người dân Lạng Sơn yêu thích. Phòng đã tham mưu cho UBND thành phố tăng cường tuyên truyền, quảng bá các món ăn là đặc sản của địa phương đến nhân dân và du khách thập phương, trong đó có món cao sằng.

Có dịp đến thăm gia đình bà Chu Tuyết Vân (đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn), một trong 2 hộ đang kinh doanh bánh cao sằng trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, chúng tôi có cơ hội được quan sát tỉ mỉ về quá trình làm món bánh này. Được biết, gia đình bà Vân đã kinh doanh cao sằng được 30 năm (từ 1991). Chia sẻ với chúng tôi về món bánh này, bà Vân cho biết: Tôi không biết món cao sằng có ở Lạng Sơn từ khi nào nhưng từ nhỏ đã được các cụ nấu cho ăn. Vì món này rẻ, tiết kiệm lại dễ ăn nên tôi quyết định học cách nấu và kinh doanh đến bây giờ. Bánh khi chín sẽ được cắt thành lát hình chữ nhật, mỗi suất chỉ cần từ 2 đến 3 lát bánh là đã đủ no. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được hơn 10 mẻ bánh, mỗi mẻ tương ứng với 16 – 17 suất bánh. Thỉnh thoảng gia đình tôi còn làm bánh để gửi đến các huyện như: Tràng Định, Văn Quan, Lộc Bình…

Không chỉ gia đình bà Vân, trên đoạn dốc Phai Món, đường Bắc Sơn còn có thêm 1 hộ cũng kinh doanh món bánh này được trên 20 năm. Những quán bán cao sằng thường đông khách nhất vào giờ tan tầm. Bởi chỉ cần từ 10.000 đến 15.000 đồng là đã có một món ăn ngon, dẻo quạnh, giúp “lót dạ” bữa xế chiều.

Chị Phương Thị Trà (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) thường xuyên ghé quán bà Vân thưởng thức cao sằng chia sẻ: Món ăn này vừa vặn, ăn một suất sẽ không quá no, khi ăn xong tối về vẫn ăn được cơm như bình thường.

Không chỉ người dân Xứ Lạng, du khách gần xa khi ghé thăm Lạng Sơn cũng rất thích món cao sằng này. Anh Nguyễn Minh Hải (du khách Thái Nguyên) cho biết: Lần đầu tiên tôi ăn bánh cao sằng của người Lạng Sơn, tôi thấy rất hợp khẩu vị. Bánh mềm, mịn, thêm vị béo ngậy của lạc rang, nước giấm đường không quá chua cũng chẳng ngọt, ăn một lần là nhớ mãi.

Có thể thấy, dù bánh cao sằng chỉ là một trong rất nhiều món ăn vặt của người dân Xứ Lạng, thế nhưng nó chưa bao giờ bị lãng quên trong tâm thức của người dân nơi đây. Món ăn đã, đang làm phong phú và trở thành một nét văn hóa ẩm thực tinh tế của Xứ Lạng .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét