8 thg 7, 2022

Chợ “chạy” miền rừng miệt biển: Cái nghề… vi vu, tự do, tự tại

Gập ghềnh nắng mưa mua bán đủ mặt hàng giữa hai miền ngược xuôi. Kiếm miếng cơm nuôi con bằng nghề chợ "chạy" chẳng dễ dàng. Họ lại thấy cái nghề… vi vu, tự do, tự tại.

Tranh thủ bữa mưa, mới có dịp ngồi cà kê với ông Thoang. Ông áp sáu mươi, một vợ, bốn con. Vùng quê Hòa Đồng (huyện Tây Hòa, Phú Yên) của ông vốn nổi tiếng làm lúa, ăn thịt chuột, đi Nam bán vé số.

"Tui làm chợ "chạy" hơn hai chục năm nay", ông Thoang hồn hậu.

Chợ "chạy" của ông là: Dậy từ 3 giờ sáng, xuống phố Tuy Hòa lấy hàng chở ngược lên miền núi bán dạo, rồi mua hàng xuống miệt xuôi bán lại. Chuyến lên của ông thường là đồ biển (cá, tôm, mực… cả tươi lẫn khô), gia vị, các loại mắm, vài thứ rau, đồ tạp hóa. Ông cười: "Nói chung, chở đủ thứ lên núi. Cung ứng tận tay theo yêu cầu mà! Như mùa khai giảng, bà con cần mua cho con sách, vở, bút, tẩy, khăn quàng đỏ, áo quần,… thì có luôn. Chạy xe máy nên tui chỉ không cung ứng được… tủ lạnh mà thôi! Mà nghề này cũng phải học từng bước mới rành rẽ được…".

Xe tải nhỏ lưu động bán dừa tươi tại Tây Hòa (Phú Yên). Ảnh: Đào Đức Tuấn

Thông thuộc đến tận các buôn làng xa xôi hẻo lánh. Nhiều hẻm núi độc đạo rất nguy hiểm. Mùa mưa gió thì đường sá cắt xẻ, băng suối, lội tràn, lạnh tái lạnh tê…

Đó là hồi ông Thoang từ Sài Gòn về thăm quê. Đang mải mê chuyện làm mướn xa nhà thì gặp ông hàng xóm rủ lên núi… chơi. Đi thì đi. Thực chất là ông hàng xóm muốn ông Thoang "mục sở thị" nghề chợ "chạy" hay còn gọi là "công ty hai sọt" (vì xe máy thường gắn theo hai giỏ sọt lớn). Ông rà xe máy theo như một người phụ việc. Mờ sáng, xuống chợ đầu mối Tuy Hòa gom hàng. "Bữa nay cá ồ tươi, rẻ nè", "kỳ này cá hố khô ngon đã đời luôn", "ông lấy cá cơm khô không?",… Một lát đã đầy nhóc hai cái giỏ bự, lại thêm một thùng nhựa to buộc trên yên xe.

Gom hàng xong, gặm ổ bánh mì, "ngựa" phải tranh thủ "phi". Bởi nếu "cù cưa cú cứa" thì cá ươn, mất uy tín. Một số bà con phía núi cũng đã quen mua đồ trước giờ đi làm, đi rẫy.

"Địa bàn thực tập của tui là xã vùng cao Phước Tân, loành quành cũng cả trăm cây số. Nhờ đã có một số người dặn trước nên ông "thầy" tui bán cũng nhanh. Chạy dọc đường đã có người ới chặn lại mua. Rồi rẽ vô mấy xóm nhà, đường núi rất khó đi. Nếu còn hàng thì tạt qua chợ nào đó, đứng bán tiếp… Quen mặt hết, giá cả không "chặt chém", chủ yếu lấy công làm lời", ông Thoang kể.

Hồi mới vào nghề chợ "chạy", có chuyến xuôi, ông Thoang không cần mua gì mà sọt cũng đầy hàng. Ấy nhiều nhà không sẵn tiền nhưng có thể "đổi mắm, cá" bằng gà, gạo rẫy, đường, thịt nai khô, khoai, chuối, bơ, mít, mật ong, cây thuốc rừng… Ông Thoang kể thêm: "Đôi khi có cả con heo cỡ chục ký. Chở về dọc đường mà vấp "ổ gà", nó la "éc éc" dậy trời!". "Có hồi, mấy ông dưới này dặn mua chóe rượu cần. Tui cũng "âu cơ" luôn!".

"Có món hàng, tui cũng chưa biết đem xuống bán cho ai. Phải tìm cách hỏi đầu ra, xong mới đổi. Giờ thì chuyện "hàng đổi hàng" của bà con miền núi cũng bớt rồi. Chuyến xuống, cần hàng gì thì tui phải trực tiếp đi mua. Mong nhứt là bà con miền núi ngày càng làm ăn khấm khá. Tui bán được hàng thì gia đình mình cũng ổn định", ông Thoang nói.

Cứ thế, nghề bày nghề, nhọc nhằn rồi cũng bình thường, ông Thoang quen dần các cung đường miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân (Phú Yên). Rồi "đánh lấn" sang Gia Lai, Đăk Lăk. Thông thuộc đến tận các buôn làng xa xôi hẻo lánh. Nhiều hẻm núi độc đạo rất nguy hiểm. Mùa mưa gió thì đường sá cắt xẻ, băng suối, lội tràn, lạnh tái lạnh tê…

Một chợ “chạy” đang hướng lên miền núi Sông Hinh (Phú Yên).

"Đi núi một mình, sợ nhất là hư xe, lủng lốp. Có lúc không nhờ bà con nhiệt tình "cứu viện" thì chẳng biết làm sao. Sau tui phải sắm theo bộ đồ nghề. Nay có thể… mở được tiệm sửa, vá ruột xe máy. Thời gian trước, vợ tui cũng theo chợ "chạy" nhưng sau chịu không nổi. Kiếm miếng cơm nuôi con bằng nghề này cũng đâu có dễ. Chớ mà thấy cũng… vi vu, tự do, tự tại", ông Thoang có vẻ triết lý.

Chẳng những phục vụ cho bà con nông dân, ông Thoang còn có "sô" cho các khách hàng… cán bộ hẳn hoi. Ấy là cung ứng theo đặt hàng của các giáo viên, cán bộ xã vùng cao, công nhân lâm trường… Ông kể: "Thường thì họ hẹn vào một ngày Chủ nhật cuối tháng, khi vừa nhận lương. Các phần cá, rau, mắm, muối… đã được họ dặn dò trước cụ thể. Vợ chồng tui cứ thế chọn mua gom hàng. Có mặt đúng hẹn, giải phóng sọt rất nhanh. Tiền trao cháo múc, ít có chuyện "hàng đổi hàng" hoặc ghi nợ".

Thời gian gần đây, ông phải "bó gối" do dịch Covid-19. Sau "bình thường mới", ông "chạy núi" trở lại. Một tuần hai chuyến. Không dày như trước được nữa. Nhiều vùng vẫn ngại người từ địa phương khác. Kỳ này, có mấy anh em trẻ sắm luôn cả ôtô để làm chợ "chạy", với cách buôn bán ngày càng "cá mập". Chợ "chạy" xe máy muốn sống được phải đi… cao hơn, xa hơn. Mà đã đi xa thì rất dễ ngủ nhờ lại đêm hôm trên núi, vắng hơi vợ con.

"Bốn đứa con phương trưởng được như hôm nay là nhờ hơn hai chục năm tui làm chợ "chạy". Cũng đã có chút của ăn của để. Giờ vợ chồng tui không quá áp lực kiếm tiền hằng ngày nữa. Mà tui xương cốt cũng bắt đầu nhão rồi, khó đi sớm về khuya liên tục. Tính "chạy" một thời gian nữa là nghỉ. Vợ chồng làm mấy miếng ruộng, buôn bán nhỏ dưỡng già.

Chớ mà "chạy" núi quen rồi, bà con bạn hàng thỉnh thoảng "alô". Dân miền núi tình cảm lắm! Thấy nhớ hung…" - ông Thoang âm trầm.

Đào Đức Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét