Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Lạng Sơn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Lạng Sơn. Hiển thị tất cả bài đăng

21 thg 2, 2024

Đặc sắc lễ hội Chùa Tân Thanh

Sáng 18/2 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống Chùa Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Tham dự có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố cùng đông đảo Nhân dân trên địa bàn.

Các đại biểu và nhân dân tham dự lễ hội

Ngọt thanh bánh chuối ngày rằm tháng 7

Đối với người dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng, rằm tháng 7 được coi là cái tết lớn thứ hai trong năm sau Tết Nguyên đán. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau cùng chuẩn bị và thưởng thức những loại bánh, món ăn truyền thống. Một trong số đó không thể thiếu bánh chuối, loại bánh mang hương vị ngọt thanh, đậm chất quê.

Rằm tháng 7 đã đến rất gần, thời điểm này, nhiều gia đình ở Lạng Sơn đang tất bật mua sắm, chuẩn bị các nguyên liệu để làm các loại bánh như: bánh rợm, bánh gai, bánh chuối… Giống như nhiều gia đình người Tày, Nùng khác ở Lạng Sơn, năm nay, gia đình bà Trần Thị Nhị, thôn Hà Quảng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan vẫn duy trì việc làm bánh chuối vào dịp rằm tháng 7. Trong lúc đang nhanh tay lau từng chiếc lá chuối, bà Nhị cho biết: Hằng năm vào dịp này, gia đình tôi thường làm bánh chuối, một loại bánh có từ lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng. Nguyên liệu để làm bánh rất mộc mạc, dễ kiếm như: gạo nếp, chuối tây, đỗ xanh… nhưng để làm được ra những chiếc bánh thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo của người làm. Chính vì sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong quá trình chế biến nên cặp bánh chuối bày cạnh mâm cỗ cúng của mỗi gia đình còn thể hiện cho tấm lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên.

Bà Trần Thị Nhị, thôn Hà Quảng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan thực hiện công đoạn gói bánh chuối

Ngọt ngào hương vị bánh nướng lò củi truyền thống Tràng Định

Khi đất trời chuyển mình sang thu, không khí mát mẻ cũng là lúc Tết Trung thu về. Tháng 8 mùa thu, tìm về mảnh đất Tràng Định giàu truyền thống ẩm thực với nhiều món ăn nổi tiếng như thạch đen, bánh khảo, cốm, khẩu sli, vịt quay… ta thật khó để cưỡng lại thứ hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những chiếc bánh nướng mới ra lò. Không ai biết được nghề làm bánh trung thu ở đây có từ bao giờ, chỉ biết đây chính là thức quà không thể thiếu trong mâm cỗ trông trăng là sản phẩm truyền thống bao đời nay của người dân huyện Tràng Định.

Đến thăm nhà chị Nông Thị Hồi tại thôn Cà Cáy, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định. Vừa bước chân vào cửa chúng tôi đã nghe được tiếng âm thanh lộp cộp của khuôn làm bánh nướng và hương thơm hấp dẫn của những chiếc bánh nóng hổi, vàng ruộm mới ra lò. Bên chiếc lò nướng đang rực lửa, ai nấy đều tất bật, hối hả thoăn thoắt từng động tác, người nhào bột, người trộn nhân, người nướng bánh… tất cả các công đoạn đều được làm thủ công để cho ra lò những chiếc bánh thơm ngon mang hương vị bếp củi truyền thống. Ngôi nhà và cũng chính là cửa hàng kiêm xưởng bánh trung thu của của gia đình chị Hồi những ngày này nhộn nhịp hơn bao giờ hết, dù không có biển quảng cáo nổi bật bắt mắt như những nơi khác nhưng tiếng lành đồn xa, những người xếp hàng mua bánh và mang nguyên liệu đến lò bánh để tự tay làm những chiếc bánh cho gia đình mình bằng lò nướng thủ công vẫn nườm nượp kéo đến.

20 thg 2, 2024

Bánh dày – lễ vật trong cưới hỏi của người Tày Xứ Lạng

Đối với đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn, chiếc bánh dày có ý nghĩa quan trọng trong những dịp lễ hội, đặc biệt là trong dịp cưới hỏi, bánh dày là một lễ vật không thể thiếu của người Tày nơi đây. Bánh dày trong lễ cưới hỏi không chỉ để thờ cúng tổ tiên mà còn thể hiện mong ước của gia đình về một hạnh phúc trọn vẹn, viên mãn.

Bánh dày là loại bánh truyền thống của người dân Xứ Lạng nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên và đất trời. Trong lễ cưới của người Tày từ xưa đã có tục lệ nhà chú rể đưa lễ vật bánh dày cho gia đình cô dâu. Thông thường, lễ vật nhà trai đưa sang nhà gái được thống nhất từ lễ ăn hỏi, ngoài một khoản tiền để nhà gái sắm sửa đồ dùng trong gia đình cho đôi vợ chồng trẻ thì nhà trai sẽ hỏi nhà gái lấy thêm bao nhiêu chiếc bánh dày để nhà trai chuẩn bị trước. Số bánh dày được căn cứ vào số lượng họ hàng thân thích trong gia đình nhà gái, thường là 50 đến 100 chiếc bánh cỡ nhỏ (to bằng miệng cốc uống nước) và một cặp bánh cỡ lớn bằng chiếc đĩa hay còn gọi là pẻng me (bánh mẹ). Đối với người Tày Lạng Sơn, bánh dày trong lễ cưới hỏi tượng trưng cho sự gắn kết hoà hợp trời đất, bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng của bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc Xứ Lạng nói riêng.

Thơm bùi xôi hạt dẻ

Vào giữa tháng 7 âm lịch, khi những vườn dẻ ở xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn vào mùa thu hoạch cũng là lúc người dân nơi đây dùng hạt dẻ làm xôi để thưởng thức hoặc bán cho các khách hàng đến thăm quan, trải nghiệm vườn dẻ. Nếu ai đã từng một lần được thưởng thức, chắc hẳn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng của món xôi này.

Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Lạc có hơn 100 ha cây dẻ, sản phẩm hạt dẻ tươi Quảng Lạc hiện đã được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Lạng Sơn.

Ông Phạm Đình Duy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết: Để từng bước nâng cao giá trị kinh tế từ cây dẻ, từ năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động các hộ trồng dẻ kết hợp sản xuất gắn với phát triển du lịch trải nghiệm để du khách thăm quan có thể vừa hái vừa thưởng thức hạt dẻ. Đặc biệt, để thu hút, tạo điểm nhấn từ sản phẩm hạt dẻ, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chế biến nhiều món ăn ngon từ hạt dẻ, đặc biệt là xôi hạt dẻ.

Bà Hoàng Thị Kiểm thực hiện công đoạn thái hạt dẻ

Phoóng dăm – món ăn độc đáo ngày đông Xứ Lạng

Phoóng dăm hay còn gọi là coóng dăm là một món ăn có từ lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng. Từ những nguyên liệu bình dị như gạo nếp, thịt lợn…, người dân đã sáng tạo ra một món ăn độc đáo, mang hương vị rất riêng. Đây cũng là món ăn phổ biến và rất được ưa chuộng trong mùa đông Xứ Lạng.

Cuối tháng 10, vào những ngày thời tiết se se lạnh, dạo quanh những tuyến phố như Lê Lợi, Bà Triệu… thành phố Lạng Sơn không khó để bắt gặp hình ảnh những quán bán phoóng dăm nườm mượp khách hàng.

Bà Ma Thị Thúy thực hiện công đoạn tạo hình phoóng dăm

11 thg 8, 2022

Măng ớt ngâm mác mật – Hương vị của núi rừng xứ Lạng

Nói đến văn hóa ẩm thực của bà con các dân tộc trong tỉnh, không thể không kể đến những món ăn được chế biến từ măng rừng. Trong đó, nổi bật là món măng ớt ngâm mác mật. Với cách chế biến riêng biệt và hương vị thơm ngon đặc trưng, món ăn này đã trở thành văn hóa ẩm thực của xứ Lạng và là đặc sản để các du khách tìm mua mỗi khi đến Lạng Sơn.

Măng ớt Lạng Sơn là một món ăn dân dã, quen thuộc của người dân xứ Lạng, có ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Món ăn này được kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu gồm: măng, quả mác mật, ớt tươi, tỏi, muối.

Măng ớt – Đặc sản Xứ Lạng

Vịt quay Hồng Xiêm: Xứng danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”

Vịt quay là một trong những món ngon đặc sản mang đậm bản sắc xứ Lạng. Đặc biệt, tại cơ sở sản xuất vịt quay Hồng Xiêm, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, với công thức gia truyền, cơ sở đã tạo nên món vịt quay với hương vị đặc trưng riêng có, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, ngày 16/7/2022, sản phẩm “Vịt quay Hồng Xiêm” của cơ sở đã được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bình chọn “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2022.

Để tìm hiểu về món vịt quay đặc sản này, chúng tôi có dịp trao đổi với chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm tại cửa hàng ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn. Chị Xiêm chia sẻ: Gia đình tôi đã có truyền thống 80 năm làm nghề vịt quay để bán. Bản thân tôi là đời thứ tư. Với những công thức được cha ông truyền lại, tôi cố gắng lưu giữ để tạo ra món vịt quay thơm ngon nhất đưa đến tay người tiêu dùng.

Vịt quay Hồng Xiêm

10 thg 8, 2022

Thơm ngon hương vị bánh mỳ nướng dầu hào Xứ Lạng

Bánh mỳ là món ăn phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có một cách thức chế biến và thưởng thức riêng, tạo thành những hương vị khác nhau. Còn ở Lạng Sơn, món bánh mỳ nướng trở nên đặc trưng, khác lạ hơn với vị dầu hào và nước chấm chua, cay, ngọt…

Đến với Lạng Sơn, du khách dễ dàng bắt gặp những quán bánh mỳ nướng tấp nập người mua từ cổng trường, cổng chợ hay những quán ven đường… Để tìm hiểu về món bánh mỳ đặc biệt này, chúng tôi có mặt quán bánh mỳ của chị Phạm Thị Khoa tại đường Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Chị Khoa cho biết: Tôi bán bánh mì ở đây cũng gần 20 năm. Hằng ngày, tôi bán từ 6 giờ sáng đến khoảng 6 giờ tối. Theo tôi thấy, người Lạng Sơn không thích ăn bánh mì pate hay những món bánh mì khác. Vị của bánh mỳ nướng dầu hào dễ ăn, hợp khẩu vị nhiều người nên khách du lịch tìm đến món ăn này rất nhiều. Bánh mỳ tôi bán thường là bánh mỳ được sản xuất trong ngày, tôi không lấy bánh cũ vì ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Phần thịt và bì lợn, xúc xích tôi nhập tại các cơ sở có uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung bình 1 ngày tôi bán được gần 100 cái bánh mì sau khi trừ hết các chi phí tôi thu về khoảng 300 đến 400 nghìn đồng.

Bánh mỳ nướng dầu hào Lạng Sơn

19 thg 7, 2022

Cao sằng – một nét văn hóa ẩm thực Xứ Lạng

Một trong những món ăn đường phố được người dân Xứ Lạng ưa chuộng chính là bánh cao sằng (cao: bánh, sằng: tầng; cao sằng tức là bánh nhiều tầng). Dù được chế biến từ những nguyên liệu rất đơn giản nhưng món ăn này lại có hương vị đậm đà, đặc trưng, trở thành món ăn vặt yêu thích của người dân, du khách.


Món bánh cao sằng đã xuất hiện từ lâu đời và là món ăn kết hợp giữa ẩm thực Việt Nam với Trung Hoa. Theo tìm hiểu, từ xa xưa, cao sằng là món ăn được người Hoa (Trung Quôc) rất ưa chuộng, vì vậy trong quá trình sinh sống, giao lưu thương mại lại Lạng Sơn, người Hoa đã mang món ăn này đến. Qua thời gian, người dân Xứ Lạng đã chế biến món ăn này dần phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam.

18 thg 7, 2022

Đặc sản lợn quay Xứ Lạng

Lạng Sơn là một tỉnh có nền văn hóa ẩm thực rất phong phú và đa dạng, trong đó, đặc biệt phải kể đến món lợn quay lá mác mật. Đây được coi là món ăn truyền thống và mang đậm nét đặc trưng của Xứ Lạng.

Chị Phạm Thị Thanh Nhài thực hiện công đoạn quay lợn trong chế biến món lợn quay lá mác mật

Bánh chưng đen – Đặc sản độc đáo của người Tày Bắc Sơn

Bánh chưng đen được biết đến là một món bánh độc đáo của người dân tộc Tày ở huyện Bắc Sơn. Sở dĩ món bánh này được nhiều người yêu thích bởi nó có màu đen của tro rơm nếp, có vị thơm, mềm và ăn mát hơn so với bánh chưng truyền thống. Để hoàn thiện một chiếc bánh chưng đen cần phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Phóng viên Báo Lạng Sơn xin giới thiệu cùng bạn đọc các công đoạn làm món bánh đặc sản này qua một số hình ảnh tiêu biểu.

Gia đình chị La Thị Chuyên, khu Hoàng Văn Thụ, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn là một hộ gói và kinh doanh bánh chưng đen với số lượng nhiều nhất huyện. Gia đình chị có 3 người (thuê thêm 1 nhân công), mỗi người phụ trách một công đoạn khác nhau.

Bánh áp chao ngày đông Xứ Lạng

Nhắc đến Lạng Sơn là nhắc đến đặc sản vịt quay, lợn quay lá mác mật… Biến tấu từ món vịt trứ danh, bánh áp chao là “món ăn vỉa hè” bình dị, khiến du khách ấm lòng ngày đông lạnh giá giữa phố phường Lạng Sơn tấp nập.

Món bánh này được người Lạng Sơn giải thích nhiều cách khác nhau. Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Món ăn xuất xứ từ Trung Quốc, khi du nhập vào Việt Nam kết hợp với khẩu vị của người Việt, đã được người Tày, Nùng xưa chế biến thành một thứ quà đặc sắc của Xứ Lạng. Nói về tên gọi chúng ta có thể hiểu là người Tày, Nùng xưa đặt theo cách làm bánh nặn rồi đem chao, hoặc là phiên âm của từ vịt chao.

Món bánh áp chao

Chè tôm lạnh: món ăn độc lạ giải nhiệt ngày hè Xứ Lạng

Trong những ngày hè nắng nóng, không gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức vị ngọt thanh mát, thoang thoảng hương hoa hòe của cốc chè tôm lạnh – món ăn độc lạ giải nhiệt ngày hè Xứ Lạng.

Chia sẻ với chúng tôi về nguồn gốc món ăn độc đáo này. Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Món ăn này xuất phát từ vùng Quảng Tây, Trung Quốc có tên đầy đủ là Líang xìa. Tại Lạng Sơn món chè này chỉ có ở huyện Tràng Định, còn được người dân Tày, Nùng nơi đây gọi là Lường xà, qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ nơi đây món ăn đã được chế biến để hợp khẩu vị hơn.

Đến với Tràng Định vào những ngày đầu tháng 6, mặc dù khi chúng tôi đến trời đang đổ mưa rất to, nhưng tại quán chè ở chợ Thất Khê, vẫn có rất đông người dân đội mưa mua những cốc chè tôm về nhà để thưởng thức.

Chị Hoàng Thị Minh Huệ, thị trấn Thất Khê đang thêm nước đường vào chè tôm lạnh cho khách

16 thg 7, 2022

Vẻ đẹp kỳ ảo của hang Gió

Từng được biết đến là một trong những thắng cảnh thu hút du khách hàng đầu Xứ Lạng, hang Gió (nằm trên địa bàn thôn Sao Thượng B, xã Sao Mai, huyện Chi Lăng) gây ấn tượng bằng vẻ đẹp hoang sơ kỳ thú với những nhũ đá tự nhiên có hình thù độc đáo như: các con vật, dòng nước, hoa sen, rèm đá, thác nghiêng, chuông đá, măng đá, cột đá…

Hang có quy mô lớn, gồm 2 tầng chính và 1 tầng hầm, ít ngách phụ, tổng chiều dài khoảng 700 m, rộng từ 50 đến 70 m. Cửa hang nằm tại lưng chừng núi, gió thổi lồng lộng mát rượi. Bên trong hang khá tối nhưng tương đối bằng phẳng, đi lại dễ dàng. Vòm hang cao rộng, thoáng mát mang dáng dấp của vòm nhà thờ.

Đến với hang Gió, ta cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh khi trước mắt là những mỏm đá óng ánh như dát bạc, hay những nhũ đá với đủ hình dáng gợi lên sự liên tưởng lý thú cho người xem.

Đường đi bên trong hang Gió khá hẹp nhưng tương đối bằng phẳng dễ đi lại. Bên dưới, bên vách và trên trần hang phủ đầy những nhũ đá đủ hình thù

Vịt quay Tỳ Bà, vịt quay bóng đêm: món ăn mới lạ mang đậm tinh hoa ẩm thực truyền thống Xứ Lạng

Vịt quay Lạng Sơn được ví như “linh hồn” của ẩm thực Xứ Lạng. Dựa trên tinh hoa ẩm thực truyền thống, người dân Lạng Sơn đã sáng tạo ra những món vịt quay mới như: Vịt quay Tỳ Bà, vịt quay bóng đêm, vịt quay Tỳ Bà tứ vị… không chỉ vẻ ngoài lạ mắt mà còn đem lại hương vị cũng vô cùng hấp dẫn.

Để tìm hiểu về món vịt quay mới lạ này, chúng tôi có dịp trao đổi với anh Chu Văn Trọng (sinh năm 1986), tại cửa hàng của anh ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Anh Trọng chia sẻ: Gia đình tôi làm vịt quay gia truyền, tôi theo nghề đến nay cũng hơn chục năm. Bản thân tôi mong muốn đem đến những điều mới lạ, thu hút thực khách hơn nên tôi đã dựa trên công thức làm vịt quay truyền thống để sáng tạo ra các loại vịt quay mới như: vịt quay Tỳ Bà, vịt quay Tỳ Bà tứ vị, vịt quay bóng đêm… và được sự đón nhận từ đông đảo thực khách trong và ngoài tỉnh.

Vịt quay Lạng Sơn

Ốc núi: món ăn dân dã độc đáo Xứ Lạng

Lạng Sơn là một trong những điểm đến có nhiều đặc sản thơm ngon. Đặc biệt là món ốc núi luôn làm “xiêu lòng” nhiều thực khách bởi hương vị đậm đà và cách chế biến độc đáo, đa dạng.

Ốc núi là loại ốc khá hiếm, sống ở trong các hang đá tại những dãy núi cao, người ta chỉ có thể bắt ốc núi vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Ốc núi thường được tìm thấy ở vùng núi của các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng nhưng đặc biệt có nhiều ở xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Thông thường, loài ốc này vùi mình dưới đất, trong các khe đá và các lớp lá dày nên không thể tìm bắt. Vào mùa mưa, cũng là lúc loại ốc này chuẩn bị cho kỳ sinh sản nên cần tiêu thụ lượng thức ăn lớn, vì thế chúng phải bò ra ngoài kiếm thức ăn nên người dân mới có thể tìm bắt. Thức ăn chủ yếu của các loại ốc núi thường là rong rêu, các loại thảo dược mọc hoang…

Ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên cho biết: Ốc núi có hình dạng giống như ốc bươu nhưng mình dẹt và nhỏ, cuộn thành nhiều vòng. Loại ốc này có vỏ bóng dạng sọc dừa màu nâu nhạt đến nâu đậm. Miệng ốc tròn giống như hình đồng xu. Ốc núi thường có vỏ vừa phải, thịt dày, giòn, giai giai với vị thơm đặc trưng. Theo tôi được biết, có nhiều khách du lịch đến với Hữu Liên vào khoảng tháng 6 đến tháng 8 chỉ để thưởng thức loại ốc núi này, chính vì loại ốc được ưa chuộng nên đến mùa ốc núi đã giúp cho người dân có thêm thu nhập.

Anh Hoàng Văn Chĩnh, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đang sơ chế ốc núi

15 thg 7, 2022

Lạp sườn – món ngon Xứ Lạng

Lạp sườn là một trong những món ăn ngon, đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn. Món ăn này không chỉ thân thuộc với người dân trên địa bàn tỉnh mà còn được khách du lịch ưa chuộng. Gia vị đặc biệt để tạo nên món lạp sườn là gừng núi đá, gia vị này không chỉ làm tăng phần thơm ngon cho món ăn mà còn được sử dụng như chất bảo quản và tạo ra sắc đỏ đặc trưng cho món ăn.

Nguyên liệu chính để chế biến món lạp sườn là thịt nạc vai. Để có món ăn ngon, thịt phải được lấy vào sáng sớm, khi vẫn còn ấm. Sau khi sơ chế, thịt được thái nhỏ, để riêng phần nạc, mỡ.

Coóng phù – món ăn “sưởi ấm” mùa đông Xứ Lạng

Món coóng phù Xứ Lạng

Trong những ngày đông giá lạnh của vùng núi Xứ Lạng, không gì thú vị hơn khi ngồi thưởng thức hương vị cay nồng của gừng, vị ngọt của đường, hòa trong sự dẻo, dai của từng viên coóng phù (bánh trôi) – món ăn “sưởi ấm” ngày đông Xứ Lạng.

Dừng chân trên đường Lê Lợi, thành phố Lạng Sơn địa điểm bán coóng phù của chị Nguyễn Thị Huế (sinh năm 1975), thứ đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là mùi thơm nồng ấm của nước đường gừng lẩn khuất trong gió.

Bắc Sơn đẹp long lanh trong mùa nước đổ

Hằng năm, cứ vào tháng 7, Bắc Sơn bước vào vụ lúa mới. Cả thung lũng lấp lánh nước từ những thửa ruộng đang được cày cấy, tạo nên bức tranh đầy màu sắc khiến bất cứ ai ngắm nhìn cũng phải choáng ngợp.

Toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn trong mùa nước đổ