14 thg 7, 2022

Uy nghi Tổ đình Phi Lai

Với lối kiến trúc độc đáo, thêm vào đó là không gian trong lành, tĩnh lặng… Tổ đình Phi Lai (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã trở thành biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách gần xa. Đây còn là ngôi chùa lưu dấu của bậc cao tăng có nhiều công lao trong công cuộc chấn hưng Phật giáo…

Tổ đình Phi Lai với lối kiến trúc độc đáo

Nơi lưu dấu bậc cao nhân

Theo lời các bậc cao niên, Phi Lai cổ tự là một ngôi chùa làng, được xây dựng vào năm 1786 theo lối Bắc Tông với mái tranh, vách đất đơn sơ, có tên là Phi Lai Cổ Tự. Do chùa thuộc làng Tú Tề - Doi Bà Khẹt (đây là địa danh của dân tộc Khmer) nên còn được gọi là chùa làng Tú Tề. Sau này, khi Hòa thượng Thích Chí Thiền - Tổ Chí Thiền về đây tu tập và hoằng hóa, người đã mở mang khai phá, từ một ngôi chùa am tranh vách đất trở thành một ngôi già lam hết sức khang trang, tú lệ.

Theo các nguồn tư liệu, Tổ sư Như Hiển - Chí Thiền thế danh Nguyễn Văn Hiển, húy Như Hiển. Nguyên quán tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 18 tuổi, sau khi Phong trào Cần Vương chống Pháp dưới thời vua Hàm Nghi thất bại, vì tránh sự truy đuổi của địch nên ngài lánh nạn vào Nam sinh sống. Năm 1881, ngài xuất gia tại chùa Giác Viên (Gia Định), quy y với Tổ Minh Mai, được ban pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39.

Đầu năm 1900, Tổ sư Như Hiển- Chí Thiền vào núi Cấm tịnh tu. Sau thời gian, Tổ được thỉnh về làm trụ trì chùa Phi Lai (Phi Lai cổ tự) tại Châu Đốc (nay là Tổ đình Phi Lai, huyện Tịnh Biên). Trong thời gian tu tập nơi đây, Tổ Chí Thiền đã dẫn dắt chư tăng, thường xuyên hỗ trợ người dân vùng biên ải khó khăn. Điển hình là các hoạt động cứu giúp nạn dân vùng Châu Đốc qua cơn thiên tai tàn khốc năm Đinh Mùi (1907), tương tự như việc ngài đã từng làm với nhân dân xứ Gò Công trong nạn nước năm Giáp Thìn (1904).

Ngoài việc đóng góp kinh tài, những năm 1915-1930, chùa Phi Lai còn là nơi hội họp của chư vị Hòa thượng: Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh, Vạn Ân, Phổ Tuệ… để bàn phương hướng chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là nơi gặp gỡ bí mật của các nhà cách mạng yêu nước thời bấy giờ, trong đó có nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm Quý Dậu (1933), ngài thọ bệnh và viên tịch vào ngày rằm tháng 2 năm Quý Dậu.

Kiến trúc độc đáo

Tổ đình Phi Lai là ngôi cổ tự gắn liền với dòng lịch sử của bậc cao tăng có nhiều công lao trong công cuộc xiển dương chánh pháp và chấn hưng Phật giáo, nơi hội tụ những giá trị đạo đức tâm linh, văn hóa tín ngưỡng đặc thù chùa Việt. Hiện nay, Tổ đình Phi Lai là một trong những nơi được người dân địa phương và du khách thập phương thường xuyên ghé đến...

Tổ đình Phi Lai tọa lạc ngay dưới chân một ngọn núi nhỏ có tên Kỳ Hương. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Tổ đình Phi Lai hiện nay trở thành một trong những ngôi chùa bề thế, với lối kiến trúc hiện đại pha lẫn nét văn hóa truyền thống của Phật giáo vùng An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Về tổng thể, công trình gồm có các hạng mục: Chánh điện, nhà Tổ, trai đường, khu tăng phòng, khu lưu niệm, các tôn tượng và vườn cảnh lộ thiên. Trong đó, nổi bật nhất là tòa Chánh điện, bố cục một trệt, một lầu và 7 mái cổ lầu cùng với một đỉnh tháp bằng đồng dát vàng có trọng lượng 3 tấn và chiều cao lên đến 8m.

Tầng một là không gian thờ tự chính của tổ đình, gồm 3 gian: Tiền điện tôn trí Bồ tát Di Lặc, Tứ Đại Thiên Vương và Kim Cang Hộ Pháp. Trung tâm là chính điện, thờ Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền và thập bát La Hán. Hậu Điện thờ Tổ sư Chí Thiền cùng chư liệt vị tiền bối Tổ sư qua các thời kỳ. Tầng trệt là khu Trai đường và phòng nghỉ của chư Tăng. Với tổng diện tích sử dụng 2 tầng lên đến gần 4.000 m². Ngoài ra, tổ đình còn có khu lưu niệm, nơi lưu giữ những tôn tượng Phật và Bồ tát từ thời Tổ Chí Thiền đến nay.

Tổ đình Phi Lai có không gian thoáng đãng, bên cạnh đó còn được bao quanh bởi rừng cây xanh mát nên bầu không khí khá trong lành. Những năm qua, Tổ đình Phi Lai đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách bởi sự cổ kính và uy nghiêm. Du khách đến hành hương, lễ Phật, ngắm cảnh thiên nhiên nơi đây sẽ thấy tâm mình được thanh thản, bình yên cho một ngày mới bắt đầu…

ĐỨC TOÀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét