12 thg 7, 2022

Xuôi bến Ninh Kiều

Mọi người tập trung từ 5 giờ sáng lũ lượt ra bến Ninh Kiều để lên tàu. Chợ nổi Cái Răng không xa TP.Cần Thơ là mấy nhưng cánh thương hồ buôn bán từ rất sớm.

Họ tranh thủ lấy hàng từ 3 giờ sáng để chở về các nơi xa cho kịp phiên chợ huyện. Tiếng loa phát thanh vang lên câu hò văng vẳng bên sông: "Cần Thơ có bến Ninh Kiều/Có dòng sông đẹp có nhiều giai nhân…". Ai nấy vội vã xuống thuyền.

1. Người phụ trách đoàn chúng tôi là anh Đinh Văn Phú, một hướng dẫn viên du lịch ở Cần Thơ. Khi tàu khởi hành anh hứa hẹn sẽ có một chuyến đi chợ thú vị cho mọi người. Sông nước mênh mang cuộn sóng dập dềnh vỗ vào mạn tàu. Phía xa những quầng sáng từ chân trời đã hừng lên chùm tia nắng mới. Ai nấy háo hức ngắm nhìn sang hai bờ sông. Bất ngờ người hướng dẫn viên cất tiếng: "Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng/Ta vẫn chìm giữa bữa hoàng hôn/Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng/Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ".

Chợ nổi Cái Răng đã được Nhà nước công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể" năm 2016.

Rồi anh giải thích những cây sào treo hàng để rao bán trên cao đó chính là cây bẹo. Anh còn dặn chúng tôi khi xuống thuyền mua hàng nên tránh bước qua mũi thuyền (ghe). Những thương hồ luôn tránh điều này vì họ đó là không may mắn và sẽ gặp nạn. Chúng tôi hỏi vì sao thì anh Phú đọc luôn mấy câu ngạn ngữ của giới thương hồ: "Sáng mai sớm. Bọn qua kiêng bước qua ghe/Qua ghe qua, qua sợ lật thuyền". Anh giải thích chữ "qua" ở đây có nghĩa là bước qua nhưng cũng còn nghĩa là "anh" hay "tôi". Mọi người ngơ ngác có vẻ khó hiểu nhưng phép tắc không được bước qua mũi thuyền thì ai cũng nhớ.

Lúc này có một thuyền nhỏ áp sát tới rao hàng bán ăn sáng. Đó là những tô bánh canh thơm nức mũi. Một cô bé bán bánh mì cũng lanh lảnh tiếng rao. Con tàu chúng tôi vẫn ình ình tiếng máy nổ tiến về phía trước. Cô bé bán bánh ngoái nhìn chúng tôi với nụ cười trong trẻo tươi rói như đóa hoa trong những tia nắng đầu tiên của ngày. Cây cầu Cái Răng vượt sông hiện ra trước mắt. Khi tàu vừa chui qua cây cầu lớn chúng tôi gặp ngay những đoàn thuyền hoa rộn ràng trên sông. Anh Phú nói riêng thuyền phà chở hoa là không treo cây bẹo vì mọi người đã quen chỗ buôn bán.

2. Một không gian khác lạ xuất hiện trước mắt chúng tôi. Sau những đoàn thuyền hoa là hàng hàng nối hàng được treo trên những cây bẹo cao vút. Riêng những con tàu lớn chở hàng từ các vựa cây lục tỉnh bao giờ cũng thả neo ở giữa sông.


Đoàn du khách nào cũng dồn đến những thuyền hoa. Đó là những bông hoa tươi còn đọng sương mai. Nào thuyền hoa mai vàng, hoa cúc vạn thọ hay cúc họa my. Độc đáo nhất là hoa đồng tiền xanh tím điểm tô trong vườn hoa buổi sớm trên chợ sông. Một cảm xúc thơ mộng bên sóng nước bập bềnh trôi. Chúng tôi ai nấy đều có những bó hoa trên tay. Lúc này ánh nắng đầu tiên đã bừng sáng. Tàu chúng tôi len lỏi qua những con thuyền hàng bạt ngàn trên sông. Những cây bẹo treo hàng đong đưa trên sóng nước thủy triều.

Tiếng loa nhạc trên bờ bắt đầu tiếp sóng hòa lẫn trong lời rao ồn ào ở các thuyền hàng. Thú vị nhất là tiếng đàn kìm vang lên réo rắt cùng với lời ca vọng đi khắp nơi. Giọng hát của chàng trai nào đó làm ai cũng bùi ngùi: "Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú/Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu/Quản chi mưa nắng sớm chiều/Lên voi xuống vịnh cũng chèo thăm em".

Có người áp sát mạn tàu mời chúng tôi mua vé số khai xuân. Nụ cười hiền hậu của người phụ nữ Cần Thơ trong chiếc áo bà ba làm chúng tôi dịu lòng sau một hồi bộn bề hàng hóa. Những tấm vé số may mắn đầu năm mới cũng là món hàng tinh thần cho mọi người trên bến chợ sông. Hình ảnh má lúm đồng tiền cùng nụ cười của cô bé bán bánh mì làm xao xuyến. Đó phải chăng là nụ cười Cần Thơ mà chúng tôi luôn gặp trên những con thuyền chợ kéo dài về xa. Đặc biệt là những cánh áo bà ba mà những người con gái mặc trên những thuyền hoa: "Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/Em đi mau kẻo trễ chuyền phà đêm/Qua bến bắc Cần Thơ…".

3. Đoàn chúng tôi được anh Phú đưa lên một cửa hàng trên bờ để xem hàng lưu niệm. Đứng tại nơi đây mọi người có thể nhìn thấy toàn cảnh chợ nổi Cái Răng. Nhiều tàu hàng mới đến hối hả rúc còi báo hiệu rồi tìm chỗ đậu. Ánh mặt trời đã dần lên cao. Hàng hàng mây trắng từ phía biển kéo về làm dịu mát con sông. Hàng trăm con thuyền cập bến lấy hàng rồi lại vội vã lên đường. Những thương hồ tỏa đi bốn phương trên sóng nước Tiền Giang đưa hàng về lục tỉnh.

Chợ nổi Cái Răng được coi là chợ đầu mối từ hơn trăm năm qua. Đây là chợ nổi lớn nhất trên hệ thống sồng Tiền và sông Hậu. Bến sông rộng lớn được hình thành từ thời những người Khme cổ thường về bán những bếp than (có tên là Cà Rằng). Họ lênh đênh trên những con thuyền khai mở thành chợ nổi Cái Răng (nói chệch âm theo phương ngữ Nam Bộ từ chữ Cà Rằng). Anh Phú giải thích cho chúng tôi một hồi về tên chợ rồi dẫn chúng tôi vào một homestay bên xóm chợ nổi. Đây còn là một nhà vườn có ban nhạc tài tử hát theo yêu cầu.

Thật thú vị khi ngồi trước một sân khấu nhỏ trên sóng nước Cần Thơ. Một vườn hoa nở rộ màu vàng xung quanh sàn diễn. Ban nhạc sẵn sàng cùng với hàng chục du khách say mê đàn ca tài tử. Một ca sĩ được khách yêu cầu hát bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu". "Cô ơi, đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy. Tôi đã lựa từng cọng lác, sợi gai. Nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã bỏ quê nhà qua xứ khác. Tôi đứng trước cổng vườn xưa với nỗi buồn man mác. Còn đôi chiếu này tôi biết tặng cho ai…". Giọng hát anh bán chiếu làm chết lịm lòng người.

Nắng trưa chợ đã vãn. Những vựa hàng lớn trên tầu còn hàng thường sẽ ở lại qua đêm để bán nốt sớm hôm sau. Sông thưa dần những con thuyền lấy hàng. Sau khi thưởng thức bài vọng cổ trên sông chúng tôi vội vã lên tàu về bến Ninh Kiều. Thành phố lộng lẫy từ phía xa với con cầu Hạnh Phúc bên sông Cần Thơ. Chúng tôi mỗi người một túi hàng xúng xính trên tay. Sóng nước lấp lánh đưa những đám hoa lục bình tím trôi về xuôi.

Chợ nổi Cái Răng đã được Nhà nước công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể" năm 2016. Vẫn còn đó những nụ cười xinh tươi ấm áp và tấm áo bà ba trong lòng mọi người. Đúng như lời ca mỗi khi du khách đến đây đều đọng lại trong tâm trí với câu hò điệu lý: "Ai đến Cần Thơ mà chẳng thương/Ai đến Cần Thơ mà chẳng nhớ".

Vương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét