21 thg 7, 2022

Thả láng mùa gió bấc

Tuỳ theo mùa tiết, con nước, điều kiện và sở trường của mỗi người mà áp dụng cách đánh bắt cá khác nhau. Tôi thích đi câu và khoái nhất là thả câu theo láng cỏ, láng lúa, gọi tắt là “thả láng” vào mùa gió bấc.

Đánh bắt cá trên đồng Bến Đình. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, từ thời niên thiếu, tôi đã là một tay sành sỏi trong việc đánh bắt cá. Hồi đó, cá đồng dưới sông rạch và trong ruộng trũng ở cánh đồng quê tôi nhiều lắm. Người dân quê tôi có thể đánh bắt cá quanh năm. Tuỳ theo mùa tiết, con nước, điều kiện và sở trường của mỗi người mà áp dụng cách đánh bắt cá khác nhau. Tôi thích đi câu và khoái nhất là thả câu theo láng cỏ, láng lúa, gọi tắt là “thả láng” vào mùa gió bấc.

Nhớ lại hồi nhỏ, vào mùa nước cạn, anh em tôi xách nơm, quảy đụt lội ruộng, long rạch, vạch cỏ láng mà bắt mò (mò xuống sình tìm cá mà bắt). Khi mưa xuống ruộng dọn sạch, chờ cấy lúa, nước dưới ruộng trong veo, thì tôi cầm nơm, mang đụt lội ruộng bắt cá nằm mà (cá vùi mình dưới bùn để ẩn nấp).

Ruộng cấy xong, lúa phát triển, trời mưa nhiều, nước dâng cao cá vào ruộng nhiều, chúng tôi đi giăng lưới, đặt lờ và câu cá… Trong các cách đánh bắt cá, tôi thích nhất là đi câu. Vì vừa có cá ăn, cá bán, lại “đã cái tay” (cảm thấy “đã tay” khi giật cá đối với câu cần, hay cá rị nhợ đối với câu cắm).

Câu cá có hai loại là câu cần và câu cắm. Câu cần là người đi câu chỉ cầm có một cây cần câu. Cần câu này làm bằng cây trúc nhỏ (sau này còn làm bằng nhựa) dài chừng ba, bốn thước, nhợ câu dài cũng vài thước.

Tôi thường xách cần đi câu cá rô đồng và cá rô biển. Câu cá rô đồng và cá rô biển hoàn toàn khác nhau về thời gian, chỗ câu và mồi câu. Đi câu cá rô đồng vào khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch. Mồi câu là trứng kiến vàng, chỗ câu là ruộng lúa sâu, láng cỏ, láng lúa, ao, đìa…

Còn câu cá rô biển vào khoảng tháng mười, tháng mười một, khi nước hạ lụt. Chỗ câu cá rô biển là mé sông rạch, hoặc cửa sông rạch, mồi câu là cá con. Câu cá rô biển sướng hơn cá rô đồng, vì ngồi một chỗ trên mũi ghe mà thả câu xuống rạch, chờ cá ăn câu, phao nhịp là giật lên. Cá rô biển lớn nằm sâu dưới nước, cá ăn câu, mình giật lên, cá lạng qua, lạng lại trong nước nghe “đã cái tay”.

Còn câu cắm được vót bằng tre, dài chừng hơn một mét, nhợ câu dài khoảng 5-6 tấc, không có phao cũng chẳng có chì. Lưỡi câu thì tuỳ theo mùa và cũng tuỳ theo loại cá muốn câu mà có kích cỡ khác nhau. Đuôi cần câu được vót nhọn. Khi đi câu thì mang cả trăm cần đi dọc theo bờ ruộng, hoặc bờ rạch, móc mồi, thả mồi xuống nước, rồi cắm cần câu vào bờ để tới sáng mới đi cuốn câu về.

Ngoài việc đi theo bờ ruộng cắm câu, anh tôi còn có cách cắm câu, nhưng không cắm đuôi cần câu vào bờ, mà thả câu theo láng cỏ, láng lúa gọi là “thả láng”. Cách câu cá này, anh em tôi khoái nhất (như nói ở trên), nhưng chắc ít người biết.

Đây là cách đi câu, không phải vác cần câu, đi bộ băng đồng, lội ruộng, mà chỉ ngồi trên xuồng thả câu. Hồi đó, cặp mé rạch chính và các dòng rạch phụ ở quê tôi có nhiều bãi bồi sình lầy rộng lớn. Các bãi này không có bờ bao gì cả, mặc cho nước dưới rạch tràn ngập hay rút xuống khô cạn và được gọi là “láng”.

Phần lớn các láng này người ta trồng cỏ ma (một loại cỏ lên trong nước lá gần giống như lá lúa) để nuôi trâu, bò, ngựa… gọi láng cỏ. Ngoài ra, cũng có một số bãi bồi, người ta dọn sạch cỏ cấy lúa gọi là láng lúa.

Vào mùa gió bấc cũng là bước sang mùa khô, nước dưới ruộng cạn dần, cá sống ở ruộng ra sông rạch và ẩn nấp theo láng cỏ, láng lúa rất nhiều. Đi học buổi sáng, xế trưa, anh em tôi rủ nhau ra cái hố gần nhà (cánh đồng ruộng nhỏ, một mặt tiếp giáp với rạch, ba mặt còn lại tiếp giáp gò giồng) xúc nhái bầu (loại nhái sống dưới ao lặn lội giỏi, nhưng nhảy không xa) và vạch cỏ, lật đất tìm bắt nhái sọc (loại nhái sống trên gò, nhảy xa, nhưng lặn lội dở, con bự gọi bù tọt) làm mồi “thả láng”.

Bắt được đủ mồi thì trời sắp tối, anh em tôi vội về nhà, vác câu, xách mồi xuống bến, rồi chèo xuồng qua rạch, chống vào giữa các láng cỏ, láng lúa tìm chỗ thả câu. Trước khi chống xuồng vô láng thả câu, anh em tôi không quên ghé vô mấy bụi trâm ổi, hay cây trâm, cà na thấp mà bẻ một mớ nhánh cây bỏ xuống xuồng.

Móc mồi câu, tuỳ theo chỗ câu và tuỳ kích cỡ loại nhái mà anh em tôi có cách móc mồi khác nhau. Thường chúng tôi bắt con nhái sống móc lưỡi câu vào mép nó, hoặc phía dưới đít, rồi thả nhái và cần cầu lên cỏ, trên mặt nước cho nhái cử động. Cá thấy nhái táp ăn và dính câu.

Cách câu này thường dính cá lóc, đôi khi cũng có cá rô mề (cá rô thật lớn) và các loại rắn. Còn cắm ngầm là móc con nhái chết từ đầu xuống đít tròn theo lưỡi câu, rồi vạch luồng thả mồi chìm xuống mặt đất. Thả mồi ngầm thường dính cá trê, cá rô, có khi cũng dính cá tràu và lươn.

Do láng cỏ, láng lúa rộng, chỗ nào cũng giống chỗ nào, để khuya mai đi cuốn câu dễ tìm cần câu, mỗi chỗ thả câu, anh em tôi đều thả xuống một nắm nhánh lá cây tươi để làm dấu. Do đi học buổi sáng, nên anh em tôi phải dậy từ lúc khuya để đi cuốn câu.

Để bớt lạnh, trước khi xuống bến, anh em tôi ra chuồng bò, nhóm lửa đống un hơ hai bàn tay và “làm nóng” hai cái cái chân rồi thoăn thoắt xuống bến, chống xuồng đi cuốn câu. Nhờ ngồi trên ghe cuốn câu, không phải lội ruộng như đi cắm câu trên bờ, nên anh em tôi cũng không ướt át, lạnh lẽo.

Mà câu theo cách “thả láng” dính toàn cá ngon. Tiếc rằng cách này không được kéo dài trong năm, qua mùa gió bấc, nước dưới rạch cạn nhiều, những cái láng này cũng cạn nước, anh em tôi không còn “thả láng” được nữa mà chuyển qua vạch cỏ láng bắt cá.

Ngày nay, ven các con rạch nhánh ở quê tôi vẫn còn một vài cái láng, nhưng chẳng ai trồng cỏ nuôi trâu, bò, cũng không ai thèm dọn dẹp để cấy lúa như xưa kia. Hầu hết các láng này giờ bỏ hoang hoá, cây cối, cỏ dại mọc um tùm làm chỗ cho chuột sinh sôi nảy nở.

Còn đánh bắt cá vào mùa nước nổi, cũng như khi bấc về nước rã lụt chỉ vài người giăng lưới, hoặc đặt dớn… Không thấy ai đi cắm câu trên ruộng, hay chống xuồng thả câu theo láng cỏ như anh em tôi hồi nhỏ.

Để rồi khuya thức dậy sớm, băng mình trong gió lạnh mà cuốn câu, thăm lưới… trước khi đi học. Vất vả, lạnh lẽo, nhưng mà vui, vì được nhiều cá để ăn và để bán. Đánh bắt cá nói chung, câu cá nói riêng đối với tôi giờ chỉ còn trong ký ức.

T.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét