3 thg 7, 2022

Nét đẹp văn hóa đình Nội Hưng

Bài trí tại gian trung tâm đình

Đình Nội Hưng tọa lạc tại trung tâm khu dân cư Nhân Hưng, thị trấn Nam Sách, thờ ba vị thành hoàng là anh em ruột: Trung Công, Trinh Công và Thành Công, những người đã có công giúp nước, hộ dân.

Góp công đánh thắng giặc Lương

Theo thần tích - thần sắc lưu lại thì làng Nội Hưng xưa gọi là trang Mạn Nhuế. Vào triều tiền Lý, có người họ Phổ, húy là Tường Công do vợ mất sớm, gia cảnh lại nghèo khó nên đã mang theo cậu con trai nhỏ tên là Trung Công từ bỏ trang Nhân Khê, xứ Sơn Nam đi tìm vùng đất khác sinh sống. Khi đến trang Mạn Nhuế, xứ Hải Dương thấy phía bắc có khuôn đất hình con rùa, mặt trước có ba đống nhỏ, hai cha con bèn dừng chân lập một ngôi nhà nhỏ ở tạm. Trong trang, có một phú gia tên là Đào Thế Công thấy cuộc sống của cha con Tường Công cơ hàn nên muốn giúp cha con họ lập nghiệp. Ông gả con gái là Đào Thị Loan cho Tường Công để làm kế thất. Được 5 năm, bà Loan nương có thai, vào giờ ngọ ngày 17 tháng 7 sinh đôi được hai người con trai, đặt tên là Trinh Công và Thành Công. Khi trưởng thành cả ba anh em Trung Công, Trinh Công và Thành Công đều có trí dũng vượt trội, tài năng nổi tiếng một vùng.

Bấy giờ, giặc Lương đến xâm chiếm nước ta, lập đồn trú tại khu chợ Vạn. Vua Lý Nam Đế sai tướng sĩ đi giao chiến nhiều trận nhưng chưa phân thắng bại, bèn lui quân về đóng tại Hàn Giang (TP Hải Dương ngày nay). Nhà vua nghe tiếng ở trang Mạn Nhuế có ba anh em họ Phổ trí dũng anh tài liền cho mời vào khảo thí, phong tước: Đệ nhất Trung Công vi tả Tướng quân; Đệ nhị Trinh Công vi Sơn Nam Thái thú; Đệ tam Thành Công vi Cửu Chân Thái thú và giao cho lãnh quân đi tiêu diệt giặc. Các ngài đã dùng thuyền nhỏ, đêm đến xâm nhập vào doanh trại của địch, thu lượm tin tức và gom vũ khí, lương thực của giặc về chôn giấu ở trang Mạn Nhuế.

Sau vài tháng nắm chắc thời cơ, thế giặc suy yếu, vũ khí, lương thảo thiếu hụt, ba ngài tiến binh giao chiến một trận ác liệt, giết chết tướng địch tại trận, quân giặc đại bại tháo chạy. Vua Lý mừng rỡ khen là những bậc anh tài và ban thưởng.

Ba anh em xin vua trở về trang Mạn Nhuế. Hôm ấy, vào giờ ngọ ngày 10 tháng 2, khi ba anh em đang biểu diễn võ đao thì trời đất bỗng nhiên nổi gió, sấm chớp dữ dội, ba anh em tự nhiên hóa. Vua thương tiếc sai sứ thần về bản trang làm lễ, ban tiền bạc, lập miếu giao cho nhân dân hương hỏa phụng thờ, tổ chức tế lễ từ ngày 10 đến 12 tháng 2 hằng năm và gia phong cho ba anh em là thành hoàng bản cảnh: Khoan hồng thiên ứng đô thống đại vương; Hiển tích minh thông thịnh đức đại vương; Quang độ minh thông cảm ứng đại vương. Trải qua các triều đại phong kiến, các ngài đều được sắc phong thần với nhiều mỹ tự khác nhau.

Đình Nội Hưng ngày nay

Di tích lịch sử, văn hóa

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội tại đình được tổ chức long trọng trong 5 ngày, từ ngày mồng 9 đến 13 tháng 2 âm lịch, trọng hội là ngày mồng 10. Ngoài đình Nội Hưng, làng còn có miếu và nghè cũng thờ ba ngài. Do đó, việc tổ chức lễ hội hằng năm để tưởng nhớ công lao của những vị thần có công giúp nước, hộ dân ở đây không chỉ diễn ra tại đình mà còn ở cả miếu và nghè. Xưa kia, để chuẩn bị cho lễ hội, từ năm trước, làng cử ra một gia đình cấy lúa nếp trên phần ruộng công điền của làng và nuôi một con lợn ở chuồng riêng, cho ăn những đồ ăn sạch sẽ.

Ngày vào hội, làng sẽ dùng gạo nếp đồ xôi và rước lợn bằng cũi lim ra đình tế thánh. Sáng mồng 9, dân làng tổ chức nghi lễ rước kiệu long đình từ nghè đến đống Kẻ trộm (tương truyền là nơi cất giấu vũ khí). Sau đó, đoàn rước về đống Dậm (nơi hợp quân đánh giặc của của ba ngài khi xưa) rồi trở về đình tế an vị. Từ ngày 10 đến 12, tại đình đều có tế nhập tịch và các trò chơi dân gian như đập niêu, kéo co, đi cầu thùm, cờ người…

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lễ hội không được tổ chức. Đến năm 2008, lễ hội được khôi phục lại, nhân dân địa phương vẫn lấy ngày 10 tháng 2 âm lịch là ngày hội chính. Theo đó, lễ rước được tổ chức 5 năm một lần vào những năm chẵn, những năm lẻ chỉ tổ chức dâng hương, thực hiện các nghi lễ cũ được lưu truyền lại. Ngoài rước, tế lễ, trong lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ hát chèo, quan họ...

Đình Nội Hưng không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương mà còn là nơi giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Từ năm 1946-1954, ngôi đình là địa điểm diễn ra các hoạt động cứu tế, lớp bình dân học vụ, cơ sở hoạt động, họp bí mật của các chiến sĩ tham gia kháng chiến tại địa phương. Đây còn là nơi tập luyện, kho chứa đạn dược của đội du kích, dân quân tự vệ và lực lượng Việt Minh. Đến năm 1962, toàn bộ ngôi đình bị hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng trường mầm non, làm cầu. Năm 2008, theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, ngôi đình được xây dựng lại trên nền đất cũ để làm nơi thờ tự các vị thành hoàng. Đình hiện tại có kiến trúc kiểu chữ nhất gồm 3 gian đại bái, xây kiểu thu hồi bít đốc. Móng và hệ tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Bờ nóc đắp hình tượng lưỡng long chầu nhật, rồng được tạo dáng uốn khúc hình sóng nước, chân ôm chặt bờ nóc.

Ông Phạm Quang Vụ, Bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư Nhân Hưng cho biết trải qua thăng trầm của lịch sử, dù không còn lưu giữ được công trình kiến trúc cổ, nhưng với người dân khu dân cư Nhân Hưng nói riêng, thị trấn Nam Sách nói chung, đình làng Nội Hưng luôn gắn bó mật thiết với đời sống người dân. Năm 2015, ngôi đình đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền và đóng góp của nhân dân địa phương, con em xa quê, ngôi đình đã được tôn tạo nhiều hạng mục, sắm thêm đồ thờ tự tạo khuôn viên di tích ngày thêm khang trang.

NHẬT HỮU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét