27 thg 7, 2022

Về biên giới thưởng thức cá đồng

Cuối tháng 6 (âm lịch), những chợ cá ở khu vực giáp biên bắt đầu xuất hiện một số loại cá đồng mùa lũ. Với dân quê, cá đồng trở thành một phần trong cuộc sống và với du khách, đó là cái vị thân thương, chân chất của một miền Tây nắng sớm mưa chiều.

Chờ mùa cá đến

Sang tháng 6 (âm lịch), chợ Tha La vẫn chưa phong phú các loại cá đồng. Với dân quê, cá đồng là món quà của lũ, nên họ tranh thủ đi chợ từ khi mặt trời còn chấp chới vài tia nắng đầu tiên. Do nước lũ mấy năm qua luôn trái tính trái nết, nên sản lượng cá đồng không còn phong phú như xưa. Chỉ thấy quanh quẩn mấy con cá dảnh, mè vinh, cá lăng… hay xuất hiện ở chợ.

Khi được hỏi về chuyện mua bán ở chợ cá Tha La, một chị bạn hàng tặc lưỡi: “Mới giờ này, nên cá mắm chưa nhiều. Thiệt ra, mấy năm nước lớn thì tháng 6 (âm lịch) cá đồng cũng sung túc lắm rồi, nhưng cỡ 5 năm trở lại đây thì rất hiếm. Muốn có cá đồng ngon, chờ cuối tháng 7, đầu tháng 8 (âm lịch) thì ở chợ Tha La này mặt cá nào cũng có”.


Sau câu trả lời xởi lởi, chị lại loay hoay với chuyện bán buôn. Mấy con cá xoi xói nhảy dường như chưa thỏa lòng các mẹ, các chị ở quê. Họ đứng trả giá, rồi lặng lẽ bước đi. Chắc một phần do cá chưa nhiều, nên giá khá cao, một phần cũng chưa ưng ý lắm để nấu bữa cơm ngon cho gia đình. Bên cái lao xao của chợ quê, dòng kênh Tha La cứ lặng lờ với vẻ trầm mặc, suy tư, soi bóng mấy chiếc xuồng con thảnh thơi nằm gối đầu lên bãi.

Nắng lên cao, mấy cánh phượng hồng nở muộn rụng rơi lả tả bên góc chợ hắt hiu. Chợ Tha La không buồn như nhiều người vẫn nghĩ, do nơi này chủ yếu tấp nập việc mua bán lúc canh khuya gà gáy. Bạn hàng khắp nơi vào đây mang con cá đồng biên giới tản đi các chợ khác ở nơi thị tứ. Bởi thế, chợ Tha La sáng sớm chủ yếu là dân địa phương với bạn hàng tại chỗ. Họ mặc cả, thăm hỏi, nói chuyện với nhau rôm rả cho đến khi nắng lên khỏi ngọn cây thì chợ vãn.

Để có đủ mặt cá đồng ở chợ Tha La, dân câu lưới từ khắp nơi đổ về khu chợ “âm phủ” này. Những con cá đồng từ kênh Vĩnh Tế, Trà Sư, Tha La hay tận vùng biên giới Lạc Quới, Vĩnh Gia cũng góp mặt tại đây khi mùa lũ đến, để mang những bữa cơm ấm áp phong vị quê hương về với gian bếp quê. Bởi cá đồng vốn mang cái chân chất của quê hương, nên người quê vẫn hay nhớ đến, dù thực phẩm trong bữa cơm của họ ngày nay đã phong phú hẳn lên.

Đậm đà phong vị quê hương

Trong dịp tình cờ, tôi cùng vài người bạn ghé lại quán cá đồng gần khu vực đập tràn Trà Sư vào những ngày đầu lũ. Với du khách, đây là địa điểm để thưởng thức các loại cá đồng tươi ngon mà ít nơi nào có được. Dường như nắm bắt được tâm lý thực khách phương xa, đa phần các quán đều có cách bày trí rất dân dã. Theo một số chủ quán, cách bố trí này phù hợp với tâm lý thực khách khi thưởng thức cá đồng, bởi họ cũng muốn trải nghiệm cái “chất quê” thực sự.

Tại khu vực gần đập tràn Trà Sư, du khách sẽ bắt gặp hàng loạt những quán ăn phục vụ đặc sản cá đồng khá nổi tiếng, như: Như Ý, Hằng Ni, Hải Đăng… Đa phần các quán đều có nguồn cá đồng tươi ngon và chế biến rất phù hợp với dân miền Tây. Tuy nhiên, du khách cũng chỉ quen ghé vài quán vốn nổi tiếng với cách nêm nếm “rặt” chất quê để thưởng thức cá đồng cho thỏa thích.

Anh Phụng (chủ quán cá đồng Hải Đăng), chia sẻ: “Hầu hết các quán ở đây đều chế biến món ăn từ cá đồng rất ngon. Tuy nhiên, việc chủ động nguồn cá nguyên liệu để phục vụ thực khách trong mùa khô là bài toán khó. Để có được những con cá lóc, cá trê, cá lăng, cá leo, cá kết… tươi ngon bày lên bàn ăn, tôi phải có “mối” chuyên khai thác cá đồng ở huyện Tịnh Biên, Tri Tôn hay tận xứ đầu nguồn An Phú. Có khi, tôi phải thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng để đi lấy cá đồng mới đảm bảo đủ phục vụ cho thực khách trong, ngoài tỉnh, nhất là vào dịp cuối tuần”.

Anh Phụng cho biết, việc tìm nguồn cá nguyên liệu chỉ bớt cực nhọc khi dân câu lưới địa phương vào mùa thu hoạch cá. Tuy nhiên, khi nhận được phản hồi của thực khách, anh cảm thấy rất vui bởi mình đã mang đến cho họ bữa ăn ngon đậm chất ruộng đồng. Hiện tại, quán cá đồng của anh có thực đơn liên quan đến hơn 15 loại cá đồng, mà mỗi loại lại chế biến ra 5 - 6 món khác nhau theo yêu cầu của thực khách. Được thưởng thức mâm cơm cá đồng ở quán anh, thích nhất là món khô cá lìm kìm chấm nước mắm me. Đây là món ăn dân dã ngỡ chỉ còn trong ký ức của người dân quê, nhưng lại hiện ra trước mắt khiến cho khách phương xa không khỏi bất ngờ.

Dù không là sơn hào hải vị nhưng cá đồng vẫn chất chứa tình cảm riêng với những ai đã gắn bó cùng bữa cơm nghèo thời thơ ấu. Bởi thế, dù có là người quanh năm gắn bó với ruộng đồng hay là kẻ xuôi ngược bôn ba, họ vẫn ao ước được ngồi nhâm nhi, thưởng thức hương vị cá đồng, để càng thương cái vị ngọt dân dã kết tinh từ con nước phù sa miền châu thổ.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét