Lục lạc có một số hình dạng khác nhau, có cái hình tròn, hình quả bầu, có loại giống chiếc chuông hay cái loa. Mỗi chiếc lục lạc bao giờ cũng có phần đầu và phần đuôi. Phần đuôi thường được khoét lỗ để xâu chúng lại thành chuỗi hạt lục lạc hoặc phối hợp với các loại trang sức khác như cườm để đeo hoặc gắn trên quần áo, đồ dùng. Loại lục lạc to còn được đồng bào xỏ thêm chiếc vòng để đeo hoặc để cầm. Trên giữa đầu chiếc lục lạc có một khe hở rộng, chia đều đầu lục lạc ra hai bên giống như cái mồm cá. Trên thân lục lạc có trang trí điểm xuyết một số hoa văn, hoạ tiết. Bên trong lục lạc thường gắn một thanh nhỏ hay những viên rời để khi rung hoặc cử động, những vật này chạm vào thành lục lạc hay chạm vào nhau, nhờ cộng hưởng phát ra âm thanh.
Lục lạc dùng để làm đồ trang sức, làm đồ chơi của trẻ em, nhạc cụ, nhạc hiệu... Loại lục lạc to còn được đồng bào ta dùng để đeo trên cổ voi, trâu, bò... Khi các con vật nuôi được chăn thả trong rừng hay bị thất lạc, chủ nó nghe tiếng lục lạc mà tìm ra chúng đưa về chuồng. Đặc biệt, lục lạc là đồ trang sức có từ lâu đời. Thời tiền sơ sử con người đã biết chế tác và sử dụng lục lạc. Trong các di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Đông Sơn, Sa Huỳnh, lục lạc đồng là loại hiện vật được phát hiện tương đối nhiều. Cư dân Đông Sơn thích đeo trang sức vòng ống chân, vòng ống tay. Mặt ngoài của chiếc vòng luôn có mấu để đeo thêm những chiếc lục lạc dài. Đó cũng là nét đặc trưng của trang sức Đông Sơn. Trải qua thời gian, lục lạc không bị mất đi mà được nhiều tộc người vẫn ưa chuộng.
Lục lạc đeo cùng với hạt cườm gắn trên mông phụ nữ Cor.
Đối với người Cơ Tu, lục lạc (rơriu) là đồ trang sức mới du nhập vào cộng đồng so với đồ trang sức có từ xưa như cườm, mã não. Đây là loại trang sức được đeo trên cổ và gắn lên các loại váy áo, dùng cho cả nam và nữ ở trong các dịp lễ hội, trong đám cưới. Khi đi lục lạc sẽ phát ra tiếng reo dòn dã như tiếng nhạc. Thanh niên nam nữ đều thích đeo lục lạc vì tiếng reo của chúng như tín hiệu thay cho lời kêu gọi bạn tình. Người Ca Dong ở Nam Trà My cũng ưa thích món trang sức bằng lục lạc. Trên chiếc vòng đeo cổ thường gắn thêm hai chiếc lục lạc nhỏ.
Lục lạc treo trên gấu áo người Cơtu.
Người Cor có một số loại lục lạc khác nhau, lục lạc lớn gọi là grót, to như quả trứng gà được móc vào chuỗi cườm dùng trong lễ cúng, loại nhỏ hơn là lục lạc krăng năng, to bằng ngón tay cái, kế đến là loại krắk reo to bằng ngón tay út đeo ở lưng và cuối cùng là lục lạc nút, chỉ to bằng hạt đậu, dùng để tạo đường riềm ở dải chuỗi cườm kết đeo ở hông phụ nữ. Chính loai nhỏ nhất (nút) là loại đắc giá nhất bởi vì chúng khó đúc. Chỉ một vóc tay nhưng có giá bằng một con trâu. Trong các lễ cúng của người Cor không thể thiếu xâu hạt cườm - lục lạc, một loại chuỗi hạt cườm dài, một đầu có đeo vài chiếc lục lạc. Xâu cườm - lục lạc đặt trên mâm lễ vật và được rung lên với âm thanh rộn ràng như lời thưa gửi thần linh. Trong điệu múa ca đáo của đồng bào Cor không thể thiếu lục lạc. Nó vừa là đồ trang sức đeo trên cổ, trên hông, trên đôi tay... đồng thời là nhạc cụ tạo âm thanh rộn ràng, nhịp nhàng cho động tác múa.
Lục lạc đồng trong bộ trang sức đeo cổ dân tộc Ca Dong.
Trong tang lễ, những người đưa tang cũng không thể quên mỗi người mang theo trên cổ xâu cườm - lục lạc để rung giữ hồn mình, nếu không, người ta tin rằng linh hồn mình sẽ bị bắt giữ theo người chết. Trong lễ giả rạ, kết thúc vụ mùa của dân tộc Cor, thầy cúng dùng xâu lục lạc và cườm rung lên, gọi hồn lúa nhập vào cườm và lục lạc, ở với gia đình, giữ chòi lúa, phù hộ cho gia đình luôn no đủ. Lục lạc đồng còn được người Cor dùng để trang trí trên các vật dụng như ống đựng thuốc hút, ống đựng tên để săn bắn.
Trang sức lục lạc đồng của đàn ông dân tộc Cor.
Cùng với các loại trang sức khác, lục lạc chính là vật gia bảo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên dải Trường Sơn. Lục lạc vừa là trang sức làm đẹp cho chủ nhân của nó vừa là vật dụng gắn với lễ nghi cúng bái của một số tộc người. Người có nhiều lục lạc chính là người giàu có, được mọi người nể phục, tôn kính.
Tấn Vịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét