10 thg 1, 2018

Tìm về "làng đỏ" Phú Quý

Câu chuyện những thương binh, những bác sĩ, y tá ở địa đạo Đám Toái, thôn Phú Quý, xã Bình Châu (Bình Sơn) kiên cường trong trận chiến đấu cuối cùng của đời mình rồi trở thành bất tử năm 1965 cứ ngời lên trong lòng chúng tôi. Để trong tháng 12 này, chúng tôi tìm về “làng đỏ” Phú Quý.

Trận chiến cuối cùng 


Theo con đường dẫn vào địa đạo, vượt qua những bậc tam cấp bằng đá ong, trước mắt chúng tôi là khu di tích. Ở đó có tượng đài của các y, bác sĩ hy sinh, tiếp theo là nhà bia tưởng niệm. Địa đạo được phục dựng quanh co. Phía sau là những ngôi mộ của các y, bác sĩ, thương binh hy sinh.

Địa đạo Đám Toái được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1991. 

Ông Nguyễn Tới- nguyên du kích thời chống Mỹ- người tự nguyện chăm nom địa đạo, nghe hỏi chuyện, bồi hồi: “Cứ đến dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày thương binh liệt sĩ, nhiều anh em cựu chiến binh thuộc các đơn vị có đồng đội hy sinh ở địa đạo, những y, bác sĩ từng quen biết với các y, bác sĩ đã hy sinh lại tìm về đây, thắp hương trên mộ liệt sĩ...”.

Địa đạo Phú Quý có từ thời chống Pháp, trong chiến tranh chống Mỹ được tu sửa lại và được Tỉnh đội Quảng Ngãi chọn đặt Trạm phẫu thuật tiền phương A100. Sau chiến thắng Vạn Tường 1965, một số anh em thương binh của các đơn vị được chuyển về đây điều trị. Hôm đó, ngày 9.9.1965 ông Tới đang bám trụ ở vùng phía tây của xã thì nghe tin quân đội Mỹ từ căn cứ Chu Lai dùng trực thăng đổ quân càn vô thôn Phú Quý. Nghe anh em bảo chúng đã phát hiện địa đạo nên ông tức tốc chạy về. Đến nơi, thì địa đạo đã bị đánh sập.

Người làng cho hay, quân đội Mỹ sau khi càn quét phát hiện ra địa đạo. Chúng đã vây bắt được y sĩ Lâm và y tá Lệ đem trói giật cánh khuỷu trên nóc địa đạo rồi bắt loa gọi các y bác sĩ, thương bệnh binh đang điều trị trong lòng địa đạo ra hàng. Nhưng đáp lại lời chúng chỉ có những tràn AK đanh thép bay ra từ cửa địa đạo. Biết không khuất phục được anh em thương binh, y bác sĩ, quân đội Mỹ dùng mìn sát hại y sĩ Lâm và y tá Lệ, rồi dùng một lượng thuốc nổ khá lớn đánh sập địa đạo, chôn vùi cả 64 bác sĩ, y tá và thương binh.

Cũng từ sau khi địa đạo bị đánh sập, quân đội Mỹ đã dùng xe san ủi cả làng, rồi dùng xe vận tải chuyển dân đi nơi khác. Nhưng dân Phú Quý một lòng sắt son. Nhà bị san ủi thì chặt cây chiêm biêng (cây rừng to bằng cổ chân, khá thẳng - PV) đem về làm cột, rồi cắt tranh đánh thành tấm lợp mái nhà. Nhưng rồi những ngôi nhà ấy, qua những trận càn lại bị địch đốt phá. Có người làm đi làm lại cả chục lần... Sau chiến tranh làng có chưa đầy 200 hộ nhưng có 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 143 gia đình liệt sĩ...

Hồi sinh trong khó khăn

Ở Phú Quý, sau chiến tranh, những người lính con em trong xã phục viên về làng trở thành những người đi đầu trong việc dựng xây, nhất là việc đào đá ong về xây nhà. Cứ mỗi ngày đào hầm cưa cắt đá, mỗi người cắt được chừng 10 viên rồi dùng quang gánh, xe đạp thồ về nhà chất thành đống. Sau đó, bà con mua vôi về hầm làm vật liệu để cùng với đá ong làm vách nhà. Sau đó, bà con vào núi cắt tranh đánh thành tấm lợp. Anh Nguyễn Văn Phước còn nhớ vanh vách ngôi nhà của mình làm từ 700 viên đá ong mà anh cùng với người em trai quần quật đào, cắt gần 6 tháng ròng...

Những cánh đồng trên gò đất cao qua chiến tranh cây cỏ mọc đầy được khai hoang rồi chờ mùa mưa tới mới tỉa đậu phụng, trồng mì. Chính quyền xã Bình Châu thấy thôn Phú Quý nằm ở trên đồi không có đất canh tác nên cắt cho mỗi nhà một sào ruộng trên vùng Yên Sơn- cách thôn chừng 7km để trồng lúa. Cây lúa, cây khoai trên đất đồng khô, trong sự chăm bón cần mẫn của người làng rồi cũng lên xanh...

Trên vùng biển khơi, dân làng sắm thúng câu ngày ngày ra biển đánh bắt con cá, con tôm đắp đổi qua ngày. Mười lăm năm trở lại đây, nói như anh Phước là dân Phú Quý làm “kinh tế hai chiều” mạnh lắm.

Thắp hương trên mộ liệt sĩ hy sinh ở địa đạo Đám Toái. 

Khi con tôm “nhí” (tôm hùm con) lên ngôi, dân làng sau ngày mùa vất vả trên đồng lại chèo ghe ra vùng gành rạn san hô để đánh bắt. Rồi khi nghề biển phát triển, dân ở các thôn lân cận là Châu Me và Châu Thuận Biển đóng tàu ra khơi, cánh trai làng thôn Phú Quý xuống đó đi bạn kiếm sống và tích góp tiền của đóng tàu. Ngư dân Tiêu Viết Chánh bộc bạch: “Gom góp mãi mới mua được con tàu cũ nhưng mừng lắm. Ngày con tàu tu sửa rồi hạ thủy ra khơi mình không ngủ được. Cứ đi đi lại lại quanh con tàu. Cái mùi sơn mới nhiều người ngửi thấy khó chịu, nhưng mình có thấy thế đâu...”.

Người làng, một số vươn ra biển, một số lên Tây Nguyên làm thuê. Cứ cuối tháng chạp, lại trở về làng lo cày đất, lật cỏ sạ lúa, trồng đậu phụng rồi sau đó lên Tây Nguyên nhận đánh bồn, tỉa cành cà phê, trồng nọc tiêu cho dân vùng Đắc Lắc, Đắc Nông. Làm thuê mãi rồi họ cũng tích cóp được vốn mua đất trồng cà phê. Anh Tiêu Viết Hồng giờ có trên 2ha đất trồng cà phê trên Tây Nguyên bộc bạch: Cứ cần cù chịu khó rồi cuộc sống cũng dần khá lên...

Ông Lê Văn Sơn- một người dân trong thôn cho biết: Năm 2005, khi Nhà nước chủ trương xây dựng đường nhựa từ khu vực trung tâm xã về thôn Phú Quý dài 1,6km, rộng 7,5m có 89 hộ đồng loạt hiến 99 thửa đất để làm đường. Rồi khi nghe Nhà nước có chủ trương hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40% để phát triển giao thông nông thôn, dân đã đồng loạt đóng góp tiền của để xây dựng.

Con đường về Phú Quý bây giờ không còn cảnh nắng bụi mưa bùn nữa, mà thay vào đó là đường bê tông, đường nhựa sạch đẹp. Không chỉ bà con đi lại thuận tiện mà còn tạo điều kiện cho du khách về vùng biển Ba Làng An tham quan, nghỉ ngơi trong những ngày nắng nóng. Những ngôi nhà tranh, vách làm bằng đá ong của ngày xưa đã biến mất, thay vào đó là nhà ngói, nhà lầu.

Cuộc sống khá dần lên, người dân càng nhớ về quá khứ. Năm nào cũng vậy đến ngày các liệt sĩ hy sinh ở địa đạo dân làng cũng đóng góp tiền của làm cơm cúng anh em. Còn ngày thương binh liệt sĩ, ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam hay ngày lễ, tết, địa phương và bà con trong vùng đều thắp hương, viếng liệt sĩ ở địa đạo. Năm 2010, địa đạo được khai quật. Hài cốt của những người con trung dũng, kiên cường đã được bốc lên. Đặc biệt, địa đạo này được công nhận là di tích lịch sử quốc gia (1991). Người còn sống càng nhớ về những người đã khuất. Bởi họ đã chiến đấu anh dũng và hy sinh trên đất này.


Bài, ảnh: CẨM THƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét