5 thg 1, 2018

Nghệ thuật chạm, khắc gỗ trong đình, chùa ở Tiền Giang

Đình, chùa ở Tiền Giang ngoài yếu tố tín ngưỡng tâm linh còn chứa đựng các giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo; trong đó có nghệ thuật chạm khắc gỗ. Tại các đình, chùa, loại hình nghệ thuật này được thể hiện qua các cột, bao lam, hoành phi, câu đối,...

Tại chùa Vĩnh Tràng (TP Mỹ Tho) có 2 đôi long trụ được làm từ gỗ quý, chạm khắc hình rồng uốn lượn rất sinh động, tinh xảo; riêng đôi phía ngoài chạm tứ linh do bà Lê Thị Ngởi ở Ba Tri (Bến Tre) hiến cúng vào năm 1909. Nét đặc biệt là đôi long trụ này có lối sắp xếp bố cục độc đáo, có một không hai: chạm chim phượng đứng trên đầu rồng. Bảy bộ bao lam chính cùng nhiều bao lam phụ.

Nhưng đặc sắc nhất là bộ bao lam Bát tiên cưỡi thú được chạm trổ tinh xảo, mỗi vị có một tư thế và cỡi trên một con thú và cầm bửu bối khác nhau, bên trái có bốn vị: tiểu đồng đứng trên lưng rùa với tay quảy chiếc giỏ tre; một tiên sinh cưỡi ngựa với tay cầm ống bút, một thư sinh cưỡi hổ thổi sáo, một ông lão cưỡi đề thính vuốt râu, bên phải có bốn vị: một vị trung niên cưỡi trâu tay cầm bình hồ lô, tiên nữ cưỡi hạc cầm hoa sen, một tiên sinh cưỡi lộc với tay vuốt râu và một ông lão kỳ lân với phất trần trên tay, trên bao lam bát tiên còn có thần mặt trời cưỡi rồng và thần mặt trăng cưỡi phụng được chạm trổ rất công phu, do các nghệ nhân tại địa phương thực hiện vào khoảng năm 1907-1908.

Một số tác phẩm nghệ thuật chạm gỗ ở bên trong chánh điện chùa Vĩnh Tràng 

Bên cạnh đó, trên điện Phật có một bộ bao lam chạm trổ công phu và có ghi “Vô lượng thọ” ở phía bên trái và “Vô lượng quang” phía bên phải; còn hoành phi và câu đối thì tất cả đều được chạm bằng gỗ quý và sơn son thếp vàng, ở tiền đường có một bức hoành phi chạm chữ "Hoàng kim bửu điện” được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp và hai cặp câu đối, trong chánh điện có bốn bức hoành phi, một bức được chạm khắc bằng gỗ với ba chữ “Vĩnh Trường tự”, được đặt ở giữa chánh điện, một bức được chạm khắc bằng sơn mài cẩn xà cừ ghi: “Đại hùng bửu điện” hai bức còn lại được chạm khắc bằng gỗ ghi: “Pháp luân thường chuyển”, “Thường đạo hà xương” và bốn cặp câu đối, sau chánh điện cũng có một bức hoành phi ghi “Vĩnh Trường tự” và ba cặp câu đối...

Một ngôi chùa cổ ở TP Mỹ Tho cũng có nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo là chùa Bửu Lâm. Tại chánh điện có 9 bộ bao lam với những họa tiết và đường nét tinh xảo. Bộ bao lam trước bàn thờ chánh điện chạm lộng công phu với bộ “Cửu Long phún thủy” và đôi long trụ “Cá hóa long” sơn son thếp vàng óng ánh. Các bộ bao lam còn lại được chạm khắc mai điểu, song phụng chầu cuốn thư, hoa mẫu đơn, chim trĩ và các họa tiết tứ linh, tứ quí, sen,...

Bên cạnh đó, nghệ thuật chạm khắc gỗ tại gian chánh điện của chùa Bửu Lâm còn được thể hiện trên 12 tấm hoành phi. Các bức hoành phi này có nền là một tấm gỗ dày 20cm, ở phía trên tấm gỗ chạm 2 đến 3 lớp với hoa văn được thể hiện công phu, sinh động, xung quanh chạm tứ linh, lưỡng long tranh châu,... Đó là những tác phẩm khắc chữ nổi rất độc đáo, thực hiện bởi các đôi tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân chạm trổ cách đây trên 100 năm.

Đình Điều Hòa (TP Mỹ Tho) cũng là cơ sở tín ngưỡng có nhiều tác phẩm chạm khắc gỗ tuyệt đẹp. Vào trong chánh điện, gian giữa với các bộ bao lam thếp vàng “Long Phụng tranh châu”, “Bát tiên cỡi thú”; phía trên bao lam là những khuôn chạm tứ quý, tứ linh, mai điểu, tùng lộc, liên áp (vịt – sen) và trên cùng là tấm hoành phi được sơn son thếp vàng rực rỡ và chạm Tứ linh. Trên hai cột là đôi liễn chạm 2 lớp câu đối có nội dung:

Miếu mạo nguy nga tân cựu tôn ty triêm thánh đức
Oai linh hách diệu sỹ nông công mãi mộc thần ân.

Trên hai hàng cột hai bên chánh điện trang trí hoành phi, bao lam chạm trổ sơn son thếp vàng với họa tiết trang trí tứ quý, tứ linh, mai lan cúc trúc, hoa trái,... Đặc biệt, ở hàng cột ngoài cùng trong chánh điện, có đôi liễn chạm khắc hai câu đối của Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục khi ông đến thăm đình năm 1907:

"Tứ hải bổn đồng phùngThuận trị
Nhất thôn phong hóa hảo Điều Hòa”

Ngoài đình Điều Hòa, ở Tiền Giang còn có nhiều ngôi đình hiện đang lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ đặc sắc.

Đình Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây) còn giữ được là 4 bàn thờ, mặt trước có các bức long án chạm tứ linh, hoa lá sơn son thếp vàng; 6 bộ chân đèn bằng gỗ; 1 đôi hạc gỗ đứng trên qui (rùa); 1 bộ binh khí bằng gỗ; 1 đôi long trụ; 2 bộ bao lam với 36 khuôn chạm các đề tài hoa lá, tứ linh, tứ quí.

Đình Long Trung (huyện Cai Lậy), bên trong chánh điện cũng được trang trí các bao lam, các bức hoành phi, câu đối, các bàn thờ,... được chạm trỗ công phu, tinh xảo, đặc sắc, nhất là các bức hoành phi được chạm đến 3 lớp, thể hiện nghệ thuật chạm khắc của những nghệ nhân xưa đã đạt đến trình độ rất cao.

Đình Tân Hiệp (huyện Châu Thành) có nhiều tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ đặc sắc. Đặc biệt, năm 1930, đình có đôi long trụ và bức hoành phi được chính quyền thực dân Pháp tỉnh Mỹ Tho mượn để đưa sang Pháp dự đấu xảo ở Paris, mãi ba năm sau mới mang trả. Hiện nay, trong đình có 5 bàn thờ chạm tứ linh, 10 liễn đại tự chạm tứ quý và nhiều bài vị sơn son thếp vàng rất rực rỡ.

Nghệ thuật chạm khắc gỗ trong các ngôi đình, chùa ở Tiền Giang với những tác phẩm có tính thẩm mỹ cao thể hiện đôi bàn tay khéo léo và tư duy sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân xưa, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân gian ở tỉnh nhà và nghệ thuật chạm khắc gỗ của cả nước.

NGUYỄN NGỌC LAN HƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét