18 thg 1, 2018

Cây mây trong đời sống của người Cơ Tu

Cũng như các dân tộc thiểu số khác sinh sống lâu đời ở khu vực núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên… cây mây chiếm một vị thế quan trọng trong sinh hoạt, đời sống, ẩm thực, văn hóa… của người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn.

Cây mây trong đời sống sinh hoạt


Mây thường mọc ở các khu rừng âm u trên dãy Trường Sơn với hàng chục loài mây (C’ree) như: mây song, mây nước, mây voi, mây cám… Mây mọc thành bụi, có dây mây mọc dài đến vài chục mét. 



Người Cơ Tu dùng thân mây làm dây buộc các cấu kiện để cất nhà ở (Đông), nhà Gươl như đòn đông (Da’ding), đòn tay (Coong), kèo (C’hrléh)… hoặc dùng lá cây mây để lợp nhà Gươl. Già làng Đinh Văn Giai (82 tuổi, trú tại thôn Điềm, xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, khi vào rừng người Cơ Tu chọn các phiến lá không già quá cũng không non quá, cắt lấy, bó gọn và gùi về rồi ép phẳng theo từng lớp. 

Khi lợp, các lá cây mây rừng này được nối kết với nhau bằng dây mây rừng được chẻ nhỏ, gọt sạch chuốt nhẵn có độ dẻo và bền dùng để cột các lá trên liên kết với nhau tạo thành từng tấm dài tới 5 đến 10 m. Khi lợp lên mái nhà, các tấm lợp này chắp nối chồng lên nhau tạo thành mái nhà vừa dày đều, vừa chắc theo một thứ tự nhất định, rất công phu, kỹ thuật đã tạo nên các mái nhà một cách phẳng phiu, đẹp mắt.

Người Cơ Tu đan gùi bằng thân mây. 

Người Cơ Tu cũng dùng mây đan lát các vật dụng sinh hoạt trong nhà như: rổ (Apợ), gùi (Zọong), nong (Ađhung), nia (Đha’điêng), võng (T’nay)… hay làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khá tinh xảo và đẹp mắt.

“Mỗi cái gùi đều có 3 phần chính: thân gùi được đan bằng mây, xung quanh thân có 4 thanh gỗ nhỏ áp vào thành gùi từ đáy trở lên miệng, giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Đồng bào ở vùng cao (Cơ Tu dal) thường chế tác thân gùi có hình chữ V, đế nhỏ, miệng to, còn đồng bào ở vùng thấp (Cơ Tu phương) thì chế tác miệng và đáy gùi tương đối bằng nhau; ở vùng thấp, đế gùi đan bằng mây (sợi lớn), ở vùng cao, người ta dùng 4 miếng tre hoặc gỗ. Dây mang gùi được đan bằng mây xà phun, mây song... vót mỏng hoặc vỏ cây lạch để đan. Nếu đan bằng mây, thì dây bền, chắc hơn. Thông thường, một "đời" gùi dùng đến hai "đời" dây…” - Già làng Crới chia sẻ.

Hương vị núi rừng
Trong ẩm thực của người Cơ Tu, đọt (ngọn) mây voi là được ưa chuộng nhất bởi nõn nó ăn dòn, béo và vị ngọt, đắng nhẹ. Đến với núi rừng Trường Sơn bạn sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ đọt mây (c’rêê, ha’vây) là món ăn ưa thích, hấp dẫn, lạ miệng của đồng bào Cơ Tu. Đọt mây được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như các món xào, hấp cơm, nướng chín với lửa than hoặc giã nát nấu với thịt khô hoặc cá khô trong ống tre là món canh ngon nhất của đồng bào. 

Đọt mây luộc. 

Già làng Zuông Nônh (72 tuổi, trú tại thôn Pà Rồng, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam) cho hay, người Cơ Tu dùng nõn mây xào (ađiing) với mỡ hoặc dầu ăn, món này có hương vị rất riêng mà không có loại đọt cây nào có được. Món đọt mây nướng (bóh) được vùi dưới than hồng giống như nướng củ sắn tươi có hương vị thơm, bùi và không dai vì còn giữ được nước. Đọt mây nướng phải ăn với muối hột giã với tiêu rừng (amất) mới "hợp gu". Ngày nay, rừng càng ngày càng hẹp lại. Muốn ăn đọt mây, đồng bào phải đi rất xa, do đó đọt mây trở thành sản vật hơi hiếm.

Đặc biệt, món cháo bột sắn nấu với nõn mây của người Cơ Tu được chế biến như sau: Dùng sắn tươi bào ra bột hoặc sắn xắt lát phơi khô, sau đó bỏ vào cối giã thành bột để làm bánh hoặc nấu cháo (apưr). Lấy bột sắn hòa với nước nấu khoảng 8 - 10 phút cho cháo chín, khi nấu dùng đũa quấy đều để tránh khê, sau đó cho nõn mây, cá vụn như tôm, tép, ốc đá… bỏ thêm rau tươi (ađhớc hay anệêng), muối, mì chính, tiêu rừng, ngò tàu (abắt) thành món ăn thơm ngon, khoái khẩu. Người già “rụng răng” rất thích ăn món này vì không cần nhai.


Những người già Cơ Tu thường nói: Đọt mây song ăn nhiều không bị nặng bụng như măng. Ngoài ra, nõn mây thường được đồng bào nơi đây dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, trướng bụng… Người con rể Cơ Tu hiếu thảo thường nấu cho bố mẹ vợ món cháo apưr này vì những người già chúng tôi đều đau răng, rụng răng, ăn món này mềm, dễ húp.

Già làng Y Công (85 tuổi, trú tại thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, để chế biến món Zờ Rá, đồng bào Cơ Tu thường sử dụng các loại rau, lá trong rừng như: môn rừng, dọc mùng (A dót), tiêu, ớt đỏ… Đặc biệt để tạo nên món này phải có cây mây rừng (A dương) để “thọc” thì mới đúng chất Zờ Rá được.

Cây mây - biểu tượng của những lễ hội Cơ Tu
Già làng Alăng Avel (86 tuổi, trú thôn Tà Làng, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, người Cơ Tu có phong tục đâm trâu trong các Lễ hội được mùa (Bhuối A ví), Lễ hội mừng lúa mới (Cha ha roo Tơmêê), Lễ hội nhà Gươl (Langtơrí)… Trong lễ đâm trâu của người Cơ Tu, nhất thiết phải có dây mây để buộc cổ trâu vào trụ Gương, bởi dây mây bền chắc, khi bó, đan thành bó to, trâu bị buộc không thể thoát ra được.


Vào mùa mây, bà con dân tộc lên rừng bứt mây mang về bán cho cơ sở thu mua chở về xuôi làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mỗi ngày thu về từ 100.000 - 200.000 đồng/1 người, góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Do mây có nhiều công dụng nên số lượng mây mỗi ngày một giảm. Hiện nay, có những dự án trồng mây giúp người dân ở các huyện miền núi Quảng Nam phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tiên Sa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét